Quảng Bình: Cán bộ nhiều xã trắng trợn ăn chặn hàng cứu trợ

Quảng Bình: Cán bộ nhiều xã trắng trợn ăn chặn hàng cứu trợ
TP- Chúng tôi liên tục nhận được đơn thư của người dân phát giác việc ăn chặn tiền, hàng cứu trợ của một loạt “quan” xã. Trớ trêu thay, khi đến làm việc, họ “hồn nhiên” thừa nhận hành vi vô lương này...

Thôn Kinh Nhuận, xã Cảnh Hóa trong trận lũ lịch sử vào tháng 8/2007 như một ốc đảo. Tại đây có 5 hộ gia đình bị thiệt hại nặng.  Nhà sập, hoặc bị trôi, gồm ông Phạm Văn Trường và mẹ là bà Hoàng Thị Nhung, ông Trần Đào Hiếu và anh Phạm Văn Phong.

Trước tình cảnh này, huyện Quảng Trạch và tỉnh Quảng Bình quyết định hỗ trợ cho các hộ gia đình trên mỗi hộ 10 triệu đồng.

Điều đáng nói là sau khi nhận tiền, các hộ trên phải trích lại 7 triệu đồng cho tập thể cốt cán thôn Kinh Nhuận. Bản thân họ chỉ thực nhận 3 triệu đồng.

 Trước sự việc ăn chặn trắng trợn này, anh Phạm Văn Phong không đồng tình với phương án nộp 7 triệu nên kế toán ngân sách xã này đã kiên quyết không trao tiền hỗ trợ cho hộ anh Phong.

Qua tìm hiểu sự việc, ông Hồ Văn Pháp, trưởng thôn Kinh Nhuận giải thích: “Đây là do các gia đình tự nguyện san sẻ với các hộ dân khác trong thôn. Làm thế là để bù đắp thiệt hại cho công bằng”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi các hộ dân phải nộp lại 7 triệu đồng thì họ cho rằng, lãnh đạo thôn Kinh Nhuận buộc họ làm như thế, chứ chẳng có ai tự nguyện khi nhà cửa của họ bị thiệt hại nặng nề do lũ.

Đi sâu tìm hiểu cái sự “công bằng” của ông Hồ Văn Pháp mới biết, lãnh đạo thôn đã trích chia mỗi người trong ban cán sự gồm trưởng thôn, Bí thư chi bộ thôn, công an thôn, Hội nông dân thôn, Hội người cao tuổi thôn, Hội phụ nữ thôn, Hội cựu chiến binh thôn… mỗi hộ 680.000 đồng.

Tiếp theo, họ lại giành tiếp các suất còn lại cũng với mỗi suất 680.000 đồng cho người làng với tiêu chí là bà con, thân thích, họ hàng của những người cốt cán thôn.

Tổng cộng, ông Hồ Văn Pháp và ông Phạm Trọng Cư, Bí thư chi bộ thôn thừa nhận phân chia cho người quen gồm 73 suất, mỗi suất 680.000 đồng, kể cả kế toán ngân sách xã Phan Đình Phòng cũng thừa nhận là có nhận tiền.

Ông Phòng không những nhận tiền mà còn được xem như người bày ra cách chia chác tiền cho ban cán sự thôn Kinh Nhuận.

Ngoài số tiền của các hộ trong diện thiệt hại nặng nhất bị ép để lại 70%, các hộ gia đình thiệt hại nhẹ hơn với số tiền hỗ trợ từ 1-2,5 triệu cũng bị ban cán sự thôn Kinh Nhuận ép chia lại cho thôn.

Đưa vợ con vơ vét hàng quà cứu trợ

Cũng giống như xã Quảng Minh (Báo Tiền phong đã thông tin trên số 68), tại xã Quảng Trung, ông Hồ Ngọc Sỹ, Chủ tịch UBND xã thừa nhận vợ ông và vợ của Bí thư Đảng ủy xã, vợ của phó Bí thư Đảng ủy, vợ của công an xã, vợ của Phó chủ tịch UBND xã là người được đi nhận quà bằng tiền mặt của Hội Sự nghiệp từ thiện Minh Đức.

 Tại xã này, ngoài người thân của cốt cán lãnh đạo xã, thì còn có hơn 10 người đi nhận quà là trưởng thôn, người  nằm trong Ban chấp hành Hội chữ thập đỏ xã.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người đi nhận tiền tại xã Quảng Trung chỉ có 1 suất là gia đình tàn tật, còn lại là những đối tượng không thuộc diện hộ nghèo, không thuộc diện neo đơn, hay bệnh tật.

Việc ăn chặn tiền cứu trợ tại các xã ở huyện Quảng Trạch như vết dầu loang, cán bộ lãnh đạo một số xã hoàn toàn vô cảm, ngang nhiên gạt phắt những hoàn cảnh thương tâm để vụ lợi.

Trước tình hình này, ông Đậu Minh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện đã tỏ ra bức xúc và bày tỏ trước báo giới rằng, huyện sẽ kiên quyết, nghiêm túc, khẩn trương xử lý thật nghiêm những sai phạm trên.

Cụ thể, tại xã Quảng Minh (Báo Tiền phong đã nêu) sẽ cách chức người “chủ mưu” lập danh sách xà xẻo tiền, quà cứu trợ.

Còn sai phạm tại xã Cảnh Hóa và Quảng Trung, huyện đã thành lập đoàn thanh tra ngày 11/3/2008, sẽ làm rõ và xử lý nghiêm nếu có sai phạm.

MỚI - NÓNG