Quấy rối tình dục nơi công sở - vấn đề “nóng”

Quấy rối tình dục nơi công sở - vấn đề “nóng”
Tại Trung Quốc, hôm 6/3, bà Cố Tú Liên - Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội Phụ nữ toàn quốc - đã tuyên bố sẽ đưa điều khoản cấm quấy rối tình dục với phụ nữ vào Dự thảo sửa đổi “Luật Bảo vệ quyền lợi phụ nữ”.

Còn tại Hàn Quốc, ngay từ năm 1999 đã công bố “Luật cấm và loại bỏ tệ kỳ thị giới” để phòng ngừa nạn quấy rối tình dục. Qua đạo luật này, dân chúng Hàn Quốc đã hiểu được thế nào là quấy rối tình dục nơi công sở.

Luật này coi quấy rối tình dục nơi công sở là một biểu hiện của kỳ thị giới, quy định rõ: Mọi hành vi lợi dụng điều kiện công tác để tiến hành xâm phạm tình dục đối với đồng nghiệp về hành vi, ngôn ngữ và ánh mắt tại công sở hoặc đả kích báo thù trong công tác, đều bị coi là quấy rối tình dục.

Đạo luật này không chỉ cấm quấy rối tình dục mà còn yêu cầu dù là cơ quan chính phủ hay công ty tư nhân đều phải áp dụng các biện pháp phòng chống quấy rối tình dục ở công sở.

Tuy đạo luật không nói rõ về giới tính của những kẻ quấy rối tình dục, nhưng trong thực tế phần lớn là hành vi của cánh mày râu, và người Hàn Quốc thì coi đây là đạo luật nhắm vào đối tượng đàn ông. Theo quy định cụ thể thì việc kể chuyện tục tĩu trước mặt đối tượng hay bắt họ phải xem những hình ảnh dâm ô mà họ không muốn đều bị coi là hành vi quấy rối tình dục.

Thế mới có chuyện người Hàn Quốc truyền nhau câu chuyện vui: anh nào chưa vợ ngắm nhìn cặp giò của nữ đồng nghiệp thì được coi là “ái mộ”, còn người đã có vợ mà nhìn thì bị coi là phạm pháp.

Năm ngoái là năm thứ 5 đạo luật này có hiệu lực, Toà án tối cao đã xử một vụ án gây xôn xao dư luận. Bị cáo Cao X mới 33 tuổi đang làm việc tại công ty của người chú, 2 năm trước đây anh ta đã bị khởi tố vì đã dám ôm chầm lấy một nữ đồng nghiệp thuộc quyền. Tại phiên sơ thẩm, Cao bị kết án tù 10 tháng nhưng hoãn thi hành án 2 năm. Tại phiên phúc thẩm, luật sư của Cao đã khai thác sâu vào vị trí trên thân thể nạn nhân chỗ Cao đụng chạm.

Ông nói, tuy Cao xâm phạm thân thể khi chưa được đối phương đồng ý, nhưng chẳng qua chỉ bóp nhẹ vào vai chứ không phải chỗ nhạy cảm nên không thể coi là quấy rối tình dục. Nhưng Toà Tối cao đã phán quyết không thể thay đổi bản chất sự việc căn cứ theo vị trí của thân thể, chỉ cần hành vi đó không theo ý muốn đối phương và gây khó chịu cho họ là bị coi là quấy rối tình dục.

Theo thống kê của Bộ Phụ nữ Hàn Quốc thì trong 5 năm thực thi đạo luật này, cơ quan pháp luật đã thụ lý 512 vụ án quấy rối tình dục, trong đó có 56,2% là xâm phạm thân thể. Kết quả điều tra cho thấy, những kẻ quấy rối tình dục ở công sở phần lớn là người quản lý bậc trung trở lên, trong đó số quý ông tuổi trên 40, có học lực đại học trở lên chiếm 78%.

Các Cty tư nhân là môi trường xảy ra nạn này nhiều nhất, kế tiếp là ngành giáo dục. Tuy nhiên, các đoàn thể phụ nữ cho rằng, do đa số phụ nữ Hàn Quốc ngại bộc lộ chuyện mình bị xâm hại nên số vụ quấy rối tình dục cao hơn nhiều con số thống kê chính thức. Theo điều tra hồi tháng 7/2004 của báo điện tử “SARAMIN” thì có tới 40% số phụ nữ làm việc ở các công sở đã từng bị quấy rối tình dục nhưng chỉ có 1% là báo án.

Điều khiến phụ nữ Hàn Quốc cảm thấy yên tâm là, Bộ Phụ nữ đã quyết định trong năm nay sẽ tiến hành khoá giáo dục đặc biệt về quấy rối tình dục cho những người quản lý các đơn vị. Ngoài ra họ còn dự định mỗi năm buộc toàn thể công chức các đơn vị phải được giáo dục về quấy rối tình dục 2 lần!

(Theo CRI, Trung Quốc)

MỚI - NÓNG