Quy định về hàng giả quá rộng

Quy định về hàng giả quá rộng
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong liên quan đến khiếu nại của Công ty Thuận Phong, một chuyên gia nghiên cứu về xử lý vi phạm về khoa học công nghệ (đề nghị không nêu tên) cho rằng quy định về hàng giả tại Nghị định 185 là quá rộng và rất dễ bị lợi dụng…

Cụ thể tại Khoản 8, Điều 3 Nghị định 185 ngày 15/11/2013 (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) có ghi: “Hàng giả” gồm 8 trường hợp vi phạm, tức là nếu có một trong 8 hành vi thuộc quy định này thì được gọi là hàng giả.

Trong quy định này, tại điểm đ, Khoản 8, Điều 3, hàng giả gồm: Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác.  Tại điểm e quy định hàng giả là: Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa. Điểm g quy định, hàng giả là hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.

Theo vị chuyên gia này, đây là quy định quá rộng vì chỉ cần viết sai nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa do không cố ý như việc hiểu và áp dụng pháp luật chưa đúng thì hàng hóa đó đã lập tức trở thành hàng giả! Có những trường hợp doanh nghiệp nhầm tưởng sản phẩm đã đăng ký sở hữu trí tuệ ở nước ngoài và được phía nước ngoài chấp thuận sử dụng thì mặc nhiên coi là được sử dụng tại Việt Nam. Thực tế là sản phẩm này phải đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam mới được sử dụng.

MỚI - NÓNG