Sai phạm ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Lạng Sơn:

Quýt làm, cam chịu

Quýt làm, cam chịu
TP - Năm học 2005-2006, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Lạng Sơn còn nợ cán bộ, giáo viên khoảng 300 triệu đồng. Trang thiết bị dạy và học không có tiền sửa chữa, mua mới, thầy giáo phải... “dạy chay”.

Trong “Đơn đề nghị”, tập thể giáo viên, công nhân viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Lạng Sơn khẩn thiết kêu cứu: Kể từ khi vụ việc gửi số tiền 1.034.838.000đ vào ngân hàng bị phát giác, “phong tỏa” thì Trung tâm rơi vào tình trạng không có kinh phí để duy trì hoạt động bình thường.

Quýt làm, cam chịu ảnh 1

Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Lạng Sơn (gọi tắt là Trung tâm) là cơ sở giáo dục không chính quy có chức năng, nhiệm vụ giáo dục bổ túc THCS, THPT và các chương trình bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học.

Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết đào tạo nhiều lớp ĐH, CĐ, Trung học chuyên nghiệp tại chức mở tại tỉnh. Chính vì vậy, nguồn thu học phí, lệ phí rất lớn.

Theo kết luận thanh tra Ban giám đốc và các cán bộ phòng Tài vu, Trung tâm đã cố tình làm trái các quy định của Nhà nước như dùng các phiếu thu không hợp lệ khi thu tiền phụ huynh học sinh đóng góp, học phí các lớp ngoại ngữ, tin học.

Các khoản thu phát sinh tại đơn vị chủ yếu thu bằng tiền mặt song đơn vị không nộp vào tài khoản tiền gửi tại kho bạc mà để tại đơn vị số lượng tiền mặt lớn. Ban Giám đốc Trung tâm đã chỉ đạo bà Trịnh Thị Tuyến (thủ quỹ) đi gửi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh Lạng Sơn bốn lần với tổng số tiền là 1.034.838.000đồng.

Khoản tiền này được “bí mật” để ngoài sổ sách, chỉ có ít người “có trách nhiệm” được biết. Nếu tính đến thời điểm cơ quan Thanh tra phát hiện (tháng 12/2005) thì số tiền lãi đã được gần 73 triệu đồng.

Ngày 23/11/2007, HĐND và Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản 214/VP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh đến ông Giám đốc GD&ĐT tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo giải quyết vụ việc theo thẩm quyền đối với đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Trung tâm tự trả “Phí quản lý” rất bất công, không đúng quy định vì số tiền được hưởng chênh lệch quá lớn, nhất là việc chiếm hưởng đối với các lớp đào tạo liên kết.

Ví dụ năm 2003, bà Giám đốc Nguyễn Thị Thời được lĩnh “tiền công” mỗi lớp đào tạo là: 8.264.000 đồng, kế toán và thủ quỹ mỗi người lĩnh 3.100.000 đồng.

Trưởng phòng Giáo vụ được lĩnh 783.000 đồng. Trong hai năm 2003-2004, Trung tâm đã chi “phí quản lý” vượt so với quy định là 386.424.656 đồng. Bên cạnh đó còn nhiều chứng từ thanh toán không hợp lệ là 18.061.600 đồng.

Khốn khổ vì “quýt làm, cam chịu”

Tháng 7/2005, Thanh tra Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra công tác tài chính năm 2003 và 2004 đồng thời có kết luận số 1219/KL-TTr/TC ngày 5/12/2005 đề nghị thu hồi số tiền quản lý trích vượt so với quy định, tiền chi sai mục đích, chứng từ thanh toán không hợp lệ, tiền gửi ngân hàng và lãi tiết kiệm sai nguyên tắc nộp vào ngân sách nhà nước 1.515.727.176 đồng.

Đến tháng 8/2006, với lý do Trung tâm không thực hiện kết luận của Sở Tài chính nên cơ quan này đã thông báo tiếp: Chuyển toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng sang quỹ tạm giữ của Kho bạc nhà nước tỉnh Lạng Sơn.

Do vậy, kinh phí hoạt động của Trung tâm đã bị đình trệ. Một số cán bộ, giáo viên bỏ tiền chi cho việc công đã bị Trung tâm “treo”, số nợ đã lên tới 300 triệu đồng.

Bên cạnh đó, bàn ghế học sinh cong, võng, gãy chưa được thay thế; phòng máy tính toàn bộ máy cũ, ì ạch, lúc chạy lúc không, máy chiếu hỏng nặng. Ngay đến một số công trình vệ sinh không có nước gây ô nhiễm đến các phòng học. Tinh thần của giáo viên, cán bộ tại Trung tâm uể oải, chán nản.

Sai phạm được làm ngơ

Mặc dù trong các đợt kiểm tra nội bộ, BCH công đoàn và Thanh tra nhân dân của Trung tâm đã phát hiện số tiền phúc lợi tồn quá lớn và đã kiến nghị với ban giám đốc nhưng không được giải quyết.

Thêm nữa, kết luận số 1219/KL-TTr/TC đề nghị Sở GD&ĐT tỉnh tiến hành kiểm điểm trách nhiệm trong công tác quản lý, chi tiêu tài chính đối với ban GĐ Trung tâm, thế nhưng phải đến gần một năm sau (ngày 23/9/2006) Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn mới thông báo kết luận thanh tra của Sở Tài chính cho tập thể Hội đồng Trung tâm. Và đến tận bây giờ, Sở GD&ĐT tỉnh vẫn chưa có ý kiến gì đối với tập thể, cá nhân vi phạm ở Trung tâm.

Ngày 1/7/2007, bà Giám đốc Nguyễn Thị Thời được về hưu “hạ cánh an toàn”. Bà Tạ Quỳnh Ngân (kế toán) được tạo điều kiện chuyển sinh hoạt đảng và công tác về...Hà Nội.

Trong khi 2 người này vẫn đang nợ số tiền mà Thanh tra Sở Tài chính đã kết luận phải hoàn trả ngân sách nhà nước với số tiền trên 180 triệu đồng (trong đó bà Giám đốc nợ 140 triệu đồng).

Chính vì điều này mà gần 30 cán bộ, giáo viên dính líu đến “gánh nợ” chi sai “phí quản lý” cũng thi nhau “lì lợm” theo.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".