Ra văn bản sai: Phải xử lý cả lãnh đạo

Ra văn bản sai: Phải xử lý cả lãnh đạo
TP - “Ngay cả một số lãnh đạo cấp vụ, cấp thứ trưởng hiện nay cũng có người chưa được chuẩn. Họ làm chả có nguyên tắc gì cả, cứ cái gì có lợi cho mình là họ làm. Họ không vì lợi ích chung, lợi ích của số đông người dân”.

> Phụ cấp thai sản phải chịu thuế
> Những chính sách 'thò ra, thụt vào'

Đó là ý kiến của ông Lê Hồng Sơn (Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL)- Bộ Tư pháp) khi trao đổi với PV Tiền Phong về tình trạng ra văn bản “trên trời”, sai luật.

Ra văn bản sai: Phải xử lý cả lãnh đạo ảnh 1

Quan liêu, ấu trĩ, phi thực tiễn

Thưa ông, đâu là nguyên nhân chính của tình trạng gia tăng ban hành các VBQPPL sai trái trong thời gian qua?

Tôi có thể khẳng định ngay là trình độ của cán bộ tham mưu ban hành VBQPPL còn hạn chế, thậm chí có những trường hợp văn bản ban hành ra cho thấy họ rất ấu trĩ, quan liêu, không có thực tiễn.

Tất nhiên, để nắm bắt được thực tiễn đưa vào luật không phải dễ dàng, nhất là trong giai đoạn xã hội đang phát triển rất đa dạng, phức tạp hiện nay. Thế nhưng, họ làm luật mà cứ như trên mây, trên gió, chẳng biết đâu là nhu cầu thực sự để ban hành VBQPPL cho chuẩn.

Mặt khác, cơ chế khen thưởng, xử lý ở lĩnh vực này cũng không rõ ràng. Người làm tốt không được khen thưởng kịp thời, người làm chưa tốt thì cũng chẳng sao, thậm chí làm sai cũng chẳng bị kỷ luật gì. Có nơi tỏ ra nghiêm khắc thì cũng chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm. Thậm chí, có trường hợp ra văn bản sai, gây hậu quả nhưng vẫn được khen thưởng, bổ nhiệm.

Nguy hiểm hơn, có trường hợp họ cố tình tham mưu, ban hành văn bản sai trái để phục vụ lợi ích cho một số người, một nhóm người. Nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn những trường hợp này sẽ rất nguy hiểm cho xã hội.

Quy định “thịt 8 tiếng” của Bộ NN&PTNT vấp phải sự phản ứng mạnh của dư luận. Ảnh: Hồng Vĩnh
Quy định “thịt 8 tiếng” của Bộ NN&PTNT vấp phải sự phản ứng mạnh của dư luận. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Như ông nói, đã xuất hiện “lợi ích nhóm” trong việc ban hành VBQPPL, vậy làm thế nào để ngăn chặn kịp thời hiện tượng này?

Hiện tượng lốp- bi để có lợi ngay từ khâu thể chế chính sách ở đâu cũng có. Ở những nước phát triển nó đã xuất hiện từ lâu. Trong khi cơ chế giám sát và xử lý các VBQPPL sai trái của ta chưa rõ ràng, thì đây là một vấn đề khó. Có những văn bản sau khi được ban hành, ai cũng nhận diện được là có “vấn đề”, nhưng ngăn chặn, xử lý như thế nào là cả một quãng đường dài.

Tôi cho rằng, muốn phát hiện, ngăn chặn được vấn đề này thì khâu soạn thảo văn bản phải minh bạch, được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Trường hợp đã ban hành mới phát hiện ra sai trái thì phải xử lý ngay, thật nghiêm khắc, không thể có kiểu “ngâm tôm”, để dư luận bức xúc mới từ từ bãi bỏ.

Thiếu cơ chế giám sát đủ mạnh

Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng, công tác kiểm tra văn bản hiện nay là cơ chế kiểm tra nội bộ, nên việc phát hiện vi phạm và kiến nghị khắc phục không bảo đảm khách quan?

Đúng là chúng ta đang thiếu một cơ chế mang tính độc lập cao, có quyền năng thực sự để xem xét, phán quyết một VBQPPL có dấu hiệu sai trái. Trong lần sửa đổi Hiến pháp này, chúng ta đang nghiên cứu, xem xét lập Hội đồng Hiến pháp - một cơ quan có thể xem xét và phán quyết tính hợp hiến, hợp pháp của VBQPPL. Nếu không, cần phải có một cơ chế tài phán và một cơ quan có đủ thẩm quyền ra phán quyết một văn bản sai, trái pháp luật.

Nhiệm vụ này có thể giao cho TAND để đảm bảo tính khách quan, độc lập. Hiện chúng ta cũng có cơ quan kiểm tra giám sát việc ban hành VBQPPL. Nhưng khi có văn bản nào đó sai trái, vì những lý do nào đấy, cứ xuề xòa cho qua, rồi rút kinh nghiệm...

Còn về cơ chế hậu kiểm hiện nay, thưa ông?

Tôi cho rằng, cơ chế hậu kiểm hiện nay còn yếu ở chỗ là không có quyền năng độc lập để phán quyết một văn bản sai trái. Ngay như Cục Kiểm tra VBQPPL, một cơ quan của Bộ Tư pháp được giao trách nhiệm hậu kiểm cũng chỉ có chức năng kiểm tra rồi kiến nghị, đề xuất, tham mưu giúp người đứng đầu ngành. Chưa kể lực lượng còn mỏng, trình độ, bản lĩnh còn hạn chế.

Gây hại cho dân phải bồi thường

Trong khi chưa có cơ chế rõ ràng, được biết trong Luật Tổ chức HĐND, UBND, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát Quốc hội đều quy định các thẩm quyền giám sát, kiểm tra, hủy bỏ, bãi bỏ một văn bản sai trái…

 Nếu gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội thì phải xử lý hình sự. Gây thiệt hại cho người dân thì phải bồi thường.

Ông Lê Hồng Sơn

Hiện công tác giám sát VBQPPL được giao cho các cơ quan Bộ Tư pháp, Bộ Nội Vụ và các ủy ban của Quốc hội. Muốn ngăn chặn được tình trạng ban hành văn bản sai trái thì các cơ quan này phải tăng cường trách nhiệm trong việc kiểm tra, thanh tra, giám sát ban hành văn bản.

Nếu cán bộ làm sai là phải kỷ luật, cách chức ngay, ngay cả người lãnh đạo ký những văn bản đó cũng phải xem xét kỉ luật. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội thì phải xử lý hình sự. Gây thiệt hại cho người dân thì phải bồi thường. Nếu làm nghiêm, tôi cho rằng sẽ hạn chế ngay được tình trạng ban hành văn bản bừa bãi như trong thời gian vừa qua. Nếu không, tình trạng ban hành văn bản sai trái sẽ vẫn tái diễn.

Cảm ơn ông!

Hoàng Long

Một số quy định “trên trời”

* Thịt sống chỉ được bán trong 8 giờ, nếu bảo quản lạnh được bán trong 72 giờ kể từ khi giết mổ... Đó là quy định trong Thông tư 33 (quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm tươi sống từ động vật), do Bộ NN&PTNT ban hành năm 2012. Sau khi bị dư luận phản ứng, Bộ NN&PTNT đã phải dừng thi hành Thông tư, kiểm điểm đơn vị soạn thảo văn bản.

* Tang lễ cán bộ, công chức, viên chức chỉ có 7 vòng hoa; không cho thiết kế ô kính trên nắp quan tài, không rắc và đốt vàng mã... là những quy định trong Nghị định 105/2012 của Chính phủ về tổ chức tang lễ cán bộ, công chức, viên chức. Đầu năm 2013, Cục Kiểm tra VBQPPL- Bộ Tư pháp đã có văn bản “tuýt còi” những quy định trên, do thiếu tính khả thi, không phù hợp phong tục tập quán.

* Người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải có trách nhiệm gửi cho nơi tiếp nhận theo quy định, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý, không được phát tán thông tin cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào. Nơi tiếp nhận là Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT T.Ư hoặc Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, thành phố và Ban thanh tra giáo dục các cấp...

Đó là một nội dung trong Thông tư 04 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT, do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 26/2, bị dư luận phản ứng. Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, việc cấm phát tán thông tin tiêu cực là vi phạm quyền tố cáo của công dân. Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT đã phải sửa chữa nội dung này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.