Rộ lên tình trạng vận động viên phạm pháp

Rộ lên tình trạng vận động viên phạm pháp
"Ngày 9/5, công an quận Thanh Xuân đã bắt quả tang một cựu vận động viên (VĐV) đội wushu VN tên Đặng Huy Việt trong lúc đang đi vặt trộm phụ tùng ôtô tại Trung Hoà - Nhân Chính (Hà Nội)", thông tin được đăng trên một tờ báo của ngành công an mới đây.

Trong vòng 2 tháng qua, đây cũng là  cái tên thứ ba liên quan đến giới VĐV, cầu thủ có dính líu đến các vụ phạm pháp hình sự bị cơ quan chức năng bắt giữ. Đó có phải là một thực tế báo động về tình trạng đạo đức và giáo dục đạo đức cho VĐV hiện nay?

Không còn là chuyện lạ

Vài năm trước đây, tin một VĐV từng là thành viên ĐT karatedo quốc gia và là con trai của một HLV nổi tiếng bị bắt do hành vi cướp giật trên đường phố từng làm chấn động giới thể thao. Thế nhưng gần đây, những cái tin về sự dính líu của giới VĐV, cầu thủ vào các vụ án hình sự không còn là sự lạ nữa, đơn giản vì nó xảy ra với mật độ ngày càng nhiều.

Cùng thời gian với vụ 7 tuyển thủ U.23 bị phát hiện mua bán độ ở SEA Games 23 là vụ cựu tuyển thủ quốc gia môn vật Nguyễn Thế Hải bị bắt trong một đường dây trộm cắp xe máy ở Bắc Ninh.

Sau đó là vụ cựu tuyển thủ quốc gia môn wushu tán thủ Trần Xuân Ánh bị ra toà vì quan hệ mại dâm với trẻ vị thành niên. Cách đây 2 tháng, cầu thủ CLB bóng đá HN.ACB Nguyễn Xuân Thành bị bắt vì tội tàng trữ và sử dụng thuốc lắc.

Và mới đây nhất, ngày 9/5, cùng ngày với VĐV wushu Đặng Huy Việt bị bắt vì tội trộm cắp vặt kể trên, một VĐV khác từng qua lớp đào tạo cầu thủ trẻ của Hà Nội là Phan Anh Tuấn cũng bị Công an Tây Hồ (Hà Nội) bắt vì tội cướp xe máy! Những thông tin làm đau lòng và muối mặt giới chức ngành thể thao, ít nhiều làm ảnh hưởng đến những VĐV lương thiện khác.

Trách nhiệm của người thầy

Vừa khó lại vừa dễ để đi tìm nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức của một bộ phận VĐV kể trên. Dễ vì chính lãnh đạo ngành TDTT cũng như lãnh đạo một số CLB thừa nhận khâu giáo dục tư tưởng đạo đức chính trị cho VĐV chưa được làm tốt.

Một số người đổ tội cho VĐV, rằng họ không thể quản lý cầu thủ 24/24  giờ được, rằng cầu thủ bản lĩnh kém thì dễ bị lôi kéo, sa ngã. Khó để tìm được những nguyên nhân sâu xa đằng sau những nguyên nhân bề nổi.

Một cán bộ ngành thể thao có nhiều năm lăn lộn với các đội tuyển xin được giấu tên đã nói thẳng: "Không việc gì phải hô hào những cái cao siêu, điều quan trọng là bản thân HLV phải gương mẫu làm gương cho VĐV. Cái VĐV cần là HLV nói phải đi đôi với làm, quan tâm đến họ từ những chuyện nhỏ nhất, hiểu được tâm tư hoàn cảnh của họ. Bản thân một số thầy chỉ lo cho các thầy mà bỏ bê VĐV, không theo sát quản chế, thì các em dễ bị lôi kéo là phải".

Vị cán bộ trên lấy ví dụ, những VĐV dính líu đến các vụ phạm pháp trên đều ở trong những đội tuyển gần đây có rất nhiều điều tiếng trong nội bộ. 

Thực tế,  chúng tôi cũng đã rất khó khăn khi đi tìm hiểu về một số VĐV phạm tội đã được nêu lên trong bài viết này. Thật khó có được nhận xét của những người thầy về các VĐV phạm tội. Hầu hết các HLV đều chối đây đẩy như chưa từng biết, chưa từng dạy những VĐV này, các thầy sợ mang tiếng. Hoặc có thì cũng là "anh ta từng ở ĐT chúng tôi, nhưng đã nghỉ lâu rồi, đừng kể tên kẻo chúng tôi mang tiếng ra". Thái độ đó, có thể gọi là vô cảm?

Theo Quang Minh
Lao Động

MỚI - NÓNG