Rượu giết người

Rượu giết người
Phiên tòa sơ thẩm tại TAND tỉnh Tiền Giang đầy nước mắt. Nước mắt đau đớn của người mẹ - đại diện bị hại. Nước mắt hối hận của đứa con - bị cáo... Nguyên nhân sâu xa gây ra những giọt nước mắt trên chính là rượu...

Đó là một trong nhiều phiên tòa thường thấy ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, xử các bị cáo phạm tội khi say rượu.

Ngày 20-9-2006, Nguyễn Văn Chum, 23 tuổi, ở xã Tân Thanh, Cái Bè, Tiền Giang, sau khi uống say bí tỉ đã cự cãi với anh về chuyện tiền bạc. Thấy vậy, ông Nguyễn Văn Tống, cha ruột, la rầy nhưng Chum vẫn tiếp tục lè nhè.

Giận quá, ông Tống đánh Chum. Hơi men đang hừng hực, Chum đạp cha khiến ông cụ 79 tuổi trượt chân té xuống bậc thềm, đập đầu xuống sân, hôn mê và hôm sau tử vong trong bệnh viện…

“Chính rượu đã làm điều ấy”

Mẹ Chum, bà Phạm Thị Tư đến dự phiên tòa trong chiếc áo bà ba bạc màu, quần vải lá nem sờn, đôi dép mủ rách. Nỗi đau quá sức chịu đựng khiến bà lả người như muốn gục xuống. Mỗi khi được tòa hỏi tới, bà nghẹn ngào: “Con tôi không phải là kẻ giết cha, chính rượu giết ông ấy chứ không phải nó, xin tòa tha tội nó, nó cật lực làm thuê nuôi cả nhà....”.

Ngoài phiên tòa, bà chạy ngược chạy xuôi cóp nhặt từng chữ ký để xin hội đồng xét xử (HĐXX) giảm hình phạt cho con. Còn trong phiên tòa, bà cố đưa ra nhiều lý do bào chữa không phải chính con bà phạm tội đại nghịch bất đạo, mà chính men rượu đã xúi giục khiến đứa con hiếu thảo biến thành thằng nghịch tử.

Vợ của Chum ẵm con mới ba tháng tuổi nên công an không cho vào phòng xử án. Chị cứ đứng lóng ngóng, lấp ló trước cửa, thỉnh thoảng đứa trẻ khóc thét, chị lại lật đật ẵm con ra sân. Trước tình cảnh đó ai cũng xót xa.

Một phụ nữ ngồi kế bên tôi thở dài: “Chồng tôi cũng là cái hũ hèm! Ngày nào cũng nhậu. Vợ đi làm về muốn gặp chồng tỉnh táo tâm sự, bàn chuyện làm ăn, dạy dỗ con cái chứ không phải một ông chồng xỉn rượu vật vã, nằm trên giường mà bên dưới để cái thau, khắp người nồng nặc mùi, nước dãi chảy dính đầy mép...”.

Chị khác tiếp lời: “Xóm tôi vừa có người chết vì ung thư gan do rượu, một người cũng mới vào tù vì xỉn rượu gây tai nạn giao thông, nhưng coi bộ mấy ông bợm nhậu cũng không sợ!”.

Khi được nói lời cuối cùng, bị cáo xin tòa cho phép nói với mẹ: “Mẹ về lo cho mình đi, mẹ đã gầy lắm, hai má hóp lại rồi, con tội nặng lắm, không thể dung thứ được. Mẹ ráng giữ gìn sức khỏe đừng đi thăm nuôi tốn tiền, dùng tiền đó mua gạo, cá. Con ở trong tù cũng không có thiếu thốn”.

Nghe vậy người mẹ khóc nấc: “Xin tòa cho nó về sống với tôi, chừng nào tôi chết thì hãy bỏ tù nó”.

Lời nói chân chất của người mẹ quê khiến ai cũng thấy đau lòng. HĐXX tất nhiên không thể chấp thuận yêu cầu của bà bởi luật đặt ra vừa có tác dụng giáo dục vừa có tác dụng răn đe để kỷ cương phép nước được nghiêm minh. Vì thế cái án 6 năm tù tại phiên tòa ngày 13-3-2007 mà bị cáo phải lãnh là điều tất yếu.

"Sức mạnh" của rượu

Nỗi đau quá nặng của gia đình bà Tư cứ ám ảnh tôi khiến hơn chín tháng sau, ngày 7-12- 2007, tôi tìm đến nhà bà. Bà ngồi trước cửa nhà vẻ mặt u uẩn. Hàng xóm kể sau ngày định mệnh đó, bà thường ngồi lặng lẽ đếm thời gian trong chơ vơ chiều tà, tóc ngày càng thêm bạc. Những dòng nước mắt không bao giờ cạn cứ liên tục chảy ra khi tôi nói chuyện với bà.

Ông Tống hiền lành thế mà phải chết đau đớn như vậy. Còn Chum khi đủ tuổi lao động đã không cho cha mẹ đi làm: “Cha mẹ cứ ở nhà dưỡng già, mình con cũng đủ sức nuôi cả nhà”.

Và nó trở thành trụ cột chính trong gia đình thật, hết mướn đất làm ruộng lại xoay sang mua bán xoài để nuôi cha mẹ, vợ con và một người anh trai bị bệnh tâm thần. Trong nó như chia hai nửa con người.

Ngày làm quần quật, nhưng khi bóng chiều đổ xuống, chính xác là khi có chất đắng nghét tuồn vào người, nó biến thành một kẻ khác, cứ rượu vào là lè nhè buông lời chửi vợ, hỗn xược với cha mẹ.

Hai vợ chồng bà khuyên nhủ đủ điều, Chum nghe theo nhưng bỏ hũ rượu được vài ngày rồi cũng ôm dính lại. Người vợ cũng hết lời can ngăn, thậm chí khóc lóc.

Nhưng lời dạy của cha mẹ, lời khuyên, năn nỉ của vợ đã thất bại trước sức mạnh của men rượu. Giờ họ chỉ còn biết hi vọng sau thảm kịch trên, cộng thêm thời gian trong tù chỉ uống nước lã sẽ khiến Chum thức tỉnh để từ bỏ men rượu vĩnh viễn.

Từ ngày con vào chốn lao lung, bà Tư phải đi nhổ cỏ thuê kiếm 15.000đ sống đắp đổi qua ngày. Nỗi thống khổ tinh thần cộng thêm lao lực khiến bà ốm đau liên miên, làm thuê một ngày thì nghỉ đến ba ngày. Bữa ăn chỉ toàn rau hái ngoài vườn đem vào luộc hoặc cơm chấm muối bởi nước mắm cũng không có tiền mua.

Những đêm trời lạnh, khớp xương hành đau nhức nhưng bà cắn răng chịu bởi không có tiền mua thuốc. Các con bà cũng nghèo khó nên chỉ biết tiếp bà vài lon gạo, con cá, bà nhường hết cho cô con dâu.

Bà rưng rưng: “Tội nghiệp, nghe nói người mẹ ăn không đủ chất bổ đứa trẻ lớn lên sẽ không thông minh, thua thiệt người ta”. Cô con dâu ăn uống kham khổ, lại thêm buồn rầu nên không đủ sữa cho con bú khiến đứa trẻ suy dinh dưỡng nặng, thấy ở lại sẽ trở thành gánh nặng cho bà Tư nên đã bồng con về nhà cha mẹ ruột. Vì thế nhà chỉ còn mình bà thui thủi vào ra.

Tuy nhiên đối với bà nỗi đau của bản thân là thứ yếu. Nỗi lo sợ lớn nhất của bà là ngày con cháu quây quần đoàn tụ bên nhau sẽ không đến bởi sức bà giờ như chỉ mành treo chuông.

Không biết rồi những ngày tháng tới hai người phụ nữ và đứa trẻ thơ tội nghiệp ấy sẽ sống ra sao? Trên đường về, thấy những bàn nhậu gồm đủ lứa tuổi, từ thiếu niên, thanh niên đến trung niên.. đang nâng ly vô tư 100%, đầu óc tôi cũng hỗn độn giống như bà Tư: tại sao người ta cứ nốc chất cay đắng ấy vào để rồi mất lý trí làm điều xằng bậy?

Vẳng bên tai tôi là lời nói của HĐXX: “Rượu làm tăm tối ý thức, mê muội lương tri khiến người ta không làm chủ được mình, gây ra những bi kịch. Án mạng do rượu nhiều lắm, đánh người gây thương tật, gây tai nạn giao thông...”. Thế nhưng người ta vẫn bất chấp mà uống cái thứ hủy diệt ấy...

Theo Minh Tâm
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG