Sáng nay cựu Chủ tịch Vinashin hầu tòa

Sáng nay cựu Chủ tịch Vinashin hầu tòa
TPO -  8h15 sáng nay (27-3), thẩm phán Trần Văn Nghiên, chánh tòa kinh tế TAND TP Hải Phòng tuyên bố khai mạc phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Truy tố 9 bị can vụ Vinashin 

Nhiều người được mời tới phiên tòa đều được kiểm tra từ ngoài cổng TAND TP Hải Phòng

 

Tại phiên tòa sáng nay, chỉ có 17 luật sư tham gia bào chữa cho 9 bị cáo có mặt.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án TAND TP Hải Phòng cho biết, thẩm phán Trần Văn Nghiên được phân công làm chủ tọa phiên tòa trên. 22 luật sư tham gia bào chữa cho chín bị cáo.

Theo Cáo trạng của Viện KSND Tối cao, bị cáo Phạm Thanh Bình (SN 1953, tại Cà Mau), nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin, cùng tám đồng phạm, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước ở năm dự án với tổng thiệt hại hơn 910 tỉ đồng.

Hành vi sai phạm của các bị cáo được xác định thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Theo đó, trong thời gian giữ chức vụ từ 1998- 2009, ông Phạm Thanh Bình (bị bắt tạm giam từ ngày 4-8-2010) được xác định là bị can chính, giữ vai trò tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trong ba dự án lớn của Tập đoàn, gây thiệt hại tổng cộng hơn 852 tỉ đồng.

Cụ thể, tại dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen, ông Bình chỉ đạo cấp dưới thực hiện không đúng chỉ đạo của Thủ tướng là đóng mới tàu biển chở khách Bắc- Nam; phê duyệt Dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen trước khi lập và thẩm định dự án; cho vay và thực hiện các thủ tục bảo lãnh để mua tàu sai quy định...gây thiệt hại hơn 469 tỉ đồng.

Tại Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, vẫn với vai trò chính, ông Bình không lập báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư dự án nhóm A; quyết định phê duyệt dự án không có trong quy hoạch phát triển ngành điện; không tổ chức đấu thầu mà chỉ định đơn vị tư vấn lập dự án là Cty Cổ phần chế tạo lắp máy Cửu Long, doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động điện lực...gây thiệt hại hơn 316 tỉ đồng.

Còn tại Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân, từ năm 2001-2005, ông Phạm Thanh Bình đã chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh tổng mức đầu tư trái quy định; thông đồng với nhà thầu là Công ty Jacobsen để nhập dây chuyền máy móc, thiết bị cũ, không đúng yêu cầu thông số kỹ thuật...gây thiệt hại hơn 66 tỉ đồng.

Cáo trạng cũng xác định hành vi liên quan của một số đồng phạm khác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.