Sáng nay xử phúc thẩm vụ 'đại chiến' Grab và Vinasun

Đại diện Vinasun (trái) và đại diện Grab (phải) tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Tiền Phong
Đại diện Vinasun (trái) và đại diện Grab (phải) tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Tiền Phong
TPO - Hôm nay (10/3), TAND cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm vụ kiện “Tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa Cty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Cty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab).

Phiên tòa phúc thẩm do thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên làm chủ tọa. Hai thành viên Hội đồng xét xử là thẩm phán Nguyễn Hữu Trí và thẩm phán Phan Đức Phương. Về phía nguyên đơn có ông Trương Đình Quý - Phó Tổng giám đốc Vinasun. Về phía bị đơn Grab có bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam và các luật sư bảo vệ quyền lợi.

Tại phiên tòa, đại diện Vinasun trình bày yêu cầu HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường số tiền hơn 36 tỷ đồng do sự sụt giảm giá trị vốn hóa trên thị trường. Theo đại diện Vinasun tại tòa, căn cứ vào kết quả giám định của Cty Cửu Long thì phía Vinasun có thiệt hại thực tế do hành vi sai phạm của Grab. Sự giảm giá trị vốn hóa của Vinasun tương ứng với số đầu xe của Grab.

 Đại diện Grab cho rằng vụ án này không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, trong quá trình xét xử cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng, sai phạm trong việc áp luật điều luật, xác định thiệt hại không đúng và tòa sơ thẩm không đủ thẩm quyền kiến nghị. Theo đại diện bị đơn, Grab chỉ hoạt động thí điểm nên không hề vi phạm Nghị định 86.

Sáng nay xử phúc thẩm vụ 'đại chiến' Grab và Vinasun ảnh 1 Có khoảng 50 lái xe Vinasun dự khán phiên xử phúc thẩm sáng nay 10/3. Ảnh: Tân Châu.

Trước đó, tại bản án sơ thẩm của TAD TPHCM tuyên hồi cuối năm 2018, Tòa án đã buộc Grab bồi thường cho Vinasin 4,8 tỷ đồng. Grab và Vinasun sau đó cùng kháng cáo trong đó Grab đề nghị tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án; còn Vinasun đề nghị tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Bản án sơ thẩm cũng bị Viện KSND TPHCM kháng nghị cho rằng, Grab có hành vi vi phạm pháp luật nhưng Vinasun không chứng minh được thiệt hại giảm sút về lợi nhuận là do hành vi trái pháp luật của Grab gây ra.

Viện VKSND cấp cao tại TPHCM bổ sung kháng nghị phúc thẩm của Viện KSND TPHCM, cho rằng Grab không có hành vi trái pháp luật, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại xảy ra của Vinasun. Đề nghị TAND cấp cao tại TPHCM xét xử theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện từ phía Vinasun.

Trong vụ án này, Vinasun cho rằng, Grab đã lợi dụng Quyết định 24 của Bộ GTVT về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Đề án 24) để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi. Từ đó, Vinasun khởi kiện Grab ra TAND TPHCM yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với số tiền 41,2 tỷ đồng, vào đầu tháng 2/2018.

Phía Grab cho rằng, là một công ty công nghệ ứng dụng khoa học công nghệ vào việc hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Grab cho rằng, doanh nghiệp luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam, nếu có vi phạm hoặc không làm đúng Đề án 24 thì Bộ GTVT mới là cơ quan có thẩm quyền xử lý. Về số tiền phía nguyên đơn đòi bồi thường, Grab cho rằng, không có căn cứ để xác định con số thiệt hại..

MỚI - NÓNG