Sao chưa xử lý dứt điểm?

Sao chưa xử lý dứt điểm?
TP - Sai phạm trong việc công nhận di tích lịch sử Đền Cô Tân An (xã Tân An, huyện Văn Bàn, Lào Cai) được thanh tra tỉnh kết luận rõ. Vậy mà, việc xử lý sai phạm của cán bộ liên quan từ xã, huyện đến Sở VH - TT&DL rất chậm trễ, có dấu hiệu bao che.
Sao chưa xử lý dứt điểm? ảnh 1
Đền mới xây vi phạm nhiều quy định - Ảnh: CTV

Đền mới xây dựng trái phép vẫn chưa bị phá dỡ. Rồi sai phạm trong tổ chức thu tiền công đức của dân, việc để ngoài sổ sách tiền thu của đền chưa được xử lý nghiêm.

Trong Quyết định số 1994/QĐ-UBND ký ngày 6/7/2009 xử lý đơn tố cáo của ông Nguyễn Tiến Lịch cư trú tại xã Tân An, huyện Văn Bàn, Chủ tịch UBND Tỉnh Lào Cai Nguyễn Hữu Vạn, khẳng định: “Việc lập hồ sơ và công nhận Di tích lịch sử văn hoá Đền Cô Tân An có nhiều biểu hiện vi phạm”.

Cụ thể, trên địa bàn xã Tân An đang có hai nơi tổ chức thờ tự bà Cô Tân An; một tại nhà riêng của gia đình bà Dóc ở thôn Tân An I; điểm còn lại tại thôn Tân An II.

Trước đó, năm 2004, Bảo tàng Tổng hợp Lào Cai tiến hành khảo sát nghiên cứu, lập hồ sơ di tích theo đề nghị của UBND huyện Văn Bàn để trình UBND tỉnh công nhận Đền Cô Tân An là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Bản vẽ kỹ thuật, lý lịch di tích, thống kê di vật, cổ vật được bảo tàng lập hồ sơ từ nơi thờ tự tại thôn Tân An I (gia đình bà Dóc).

Trên cơ sở hồ sơ này, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở VH-TT&DL) Lào Cai tham mưu trình chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3299 ngày 6/11/2006 công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh đối với Đền Cô Tân An.

Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh Lào Cai phát hiện một sai lầm của quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với Đền Cô Tân An. Đó là, đã công nhận địa điểm thờ tự của riêng gia đình bà Dóc đang quản lý.

Nguyên nhân là do quá trình lập hồ sơ trình UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thông tin không thực hiện lưu ý của Cục Di sản Văn hoá, tại Công văn số 896 ngày 30/12/2004, do đó không có hội đồng thẩm định gồm đại diện các ban, ngành liên quan.

Mặt khác, cá nhân đem di vật, hiện vật có tính lịch sử văn hoá về thờ tự ở nhà riêng không thể coi là di tích lịch sử văn hoá và là khu vực di tích Nhà nước phải bảo vệ.

Trong khi đó, với nơi thờ tự thứ hai (tại thôn Tân An II), do UBND xã Tân An tổ chức phục dựng năm 2006 trên địa điểm lại không có khảo sát và hồ sơ khoa học mà chỉ theo lời kể.

Việc phục dựng di tích không được xây dựng thành dự án, không có cơ sở yếu tố nguyên gốc về hình ảnh, kiến trúc của di tích, cũng chẳng có ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hơn thế, việc xây dựng ngôi đền mới này chẳng hề xin phép cơ quan có thẩm quyền; cũng chẳng được cấp quyền sử dụng đất, là trái quy định pháp luật về xây dựng, không chấp hành quy chế bảo quản tu bổ và phục hồi di tích.

Bên cạnh đó, thanh tra tỉnh còn phát hiện UBND xã Tân An để ngoài sổ sách, tuỳ tiện sử dụng các khoản tiền thu được trong hoạt động của đền (từ tháng 6/2007 đến nay) lên đến hàng trăm triệu đồng... 

Cũng trong quá trình thanh tra vừa qua, Thanh tra Tỉnh Lào Cai phát hiện nhiều sai phạm khác trên địa bàn xã Tân An. 19 trường hợp mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép; 43 trường hợp được UBND xã giao đất không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, thu tiền không lập chứng từ.

Có nhiều trường hợp được giao đất trái thẩm quyền là cán bộ xã; là con em, họ hàng với lãnh đạo xã; có những hộ đã có nhà ổn định nhưng vẫn được giao đất...

MỚI - NÓNG