Sự dằn vặt của đứa con mang tội bất hiếu

Sự dằn vặt của đứa con mang tội bất hiếu
Suốt tuổi thơ, cô gái Bùi Thị Giang, trú tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình nhiều lần chứng kiến cảnh cha đánh đập mẹ khiến nỗi lòng bị dồn nén. Đến khi “giọt nước tràn ly”, thiếu nữ đã gây ra tội ác tày trời.

Sự dằn vặt của đứa con mang tội bất hiếu

>> Cô gái giết cha lĩnh án hai năm tù

Suốt tuổi thơ, cô gái Bùi Thị Giang, trú tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình nhiều lần chứng kiến cảnh cha đánh đập mẹ khiến nỗi lòng bị dồn nén. Đến khi “giọt nước tràn ly”, thiếu nữ đã gây ra tội ác tày trời.

Bùi Thị Giang: “Cải tạo ở nơi đây, em mới thấm thía cái giá mình phải trả…”
Bùi Thị Giang: “Cải tạo ở nơi đây, em mới thấm thía cái giá mình phải trả…”.

Gặp phạm nhân Bùi Thị Giang vào một ngày cuối tuần tại Trại giam Ninh Khánh, Bộ Công an, chúng tôi nhận ra sự hối tiếc, ân hận trong đôi mắt người thiếu nữ sau những ngày tháng giày vò đau khổ. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên khuôn mặt của cô gái tuổi 20 khi cô nhắc đến tội lỗi…

Người chồng vũ phu

Mặc dù hơn “người yêu” gần chục tuổi nhưng năm 1988, bà Bùi Thị Dinh, SN 1950 vẫn theo ông Bùi Văn Vinh, SN 1961 về làm vợ chồng và sống không hôn thú. Cũng có lẽ vì sự chênh lệch tuổi tác ấy mà hạnh phúc gia đình chưa kịp mỉm cười thì bà Dinh đã thấy sự xuất hiện của những bữa “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Những tưởng, có sự xuất hiện của cô con gái đầu lòng là Bùi Thị Giang vào năm 1991 thì cuộc sống của vợ chồng bà Dinh sẽ bớt căng thẳng hơn.

Nào ngờ, đứa con gái ra đời chưa được bao lâu thì ông Vinh đã vin vào cớ vợ đẻ “vịt trời” rồi lao vào rượu chè, cờ bạc. Mâu thuẫn gia đình càng đẩy lên đỉnh điểm khi năm 1996, bà Dinh sinh bé thứ 2 cũng lại là con gái.

Bị bạn bè khích bác rằng “không biết đẻ” và không có “thằng cu” nối dõi, ông Vinh càng cay cú bập sâu hơn vào rượu. Mỗi lần khật khưỡng trở về nhà, ông lại ném thẳng vào mặt bà Dinh những lời nói khó nghe: “Mày không biết đẻ, tao sẽ đi kiếm người đàn bà khác biết đẻ hơn…”. Rồi thậm chí khi có hơi men trong người, ông Vinh đá thúng đụng nia, nhìn bất cứ cái gì cũng thấy “ngứa mắt”, rồi đánh đập vợ con.

Nhiều trận đòn người đàn ông này đánh vợ đến chết đi, sống lại. Bị chồng đánh, nhiều lúc bà Dinh đã khăn gói bỏ đi, nhưng nghĩ thương hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học, bà lại cầm lòng quay về, cắn răng chịu đựng để làm lụng nuôi con.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, những trận đòn vẫn tiếp diễn trong cái gia đình nhỏ ấy. Ông Vinh cứ hằng ngày uống rượu, uống vào là bực tức lôi vợ ra đánh. Đánh vợ chưa đủ, ông Vinh quay ra đánh con, người bị đánh nhiều nhất là Giang.

Có những đêm mưa tầm tã, hai mẹ con Giang đã ôm quần áo ra đi với tinh thần mỏi mệt cùng những vết thương rớm máu. “Tuổi thơ, em sống trong sợ hãi, ám ảnh về những hành động vũ phu của cha. Nhiều hôm đi học về, em không dám bước chân vào nhà. Bởi đứng từ xa, em đã cảm nhận được sự lạnh lẽo trong ngôi nhà. Vậy là hôm nào đi học về, em cũng đứng ngoài cổng khá lâu xem có bóng dáng mẹ ở nhà thì mới dám bước vào, nếu không, em lại chạy sang trú ẩn ở nhà bạn bè hoặc thầy cô giáo”. Giang tâm sự

Chịu mãi không nổi, khi đứa con lớn học lớp 9 thì bà Dinh buộc phải chọn giải pháp sống ly thân để giải thoát cho mình. Thương mẹ hàng ngày oằn mình với ruộng nương vẫn không đủ nuôi mình và em gái ăn học mà bệnh tật trong người ngày càng tăng nặng, Giang đành tạm gác chuyện học hành để đi làm thuê, làm mướn phụ giúp mẹ nuôi em.

Bắt đầu từ việc đi cấy thuê, phụ hồ xây dựng cho những gia đình gần nhà cho đến đi rửa bát thuê cho các nhà hàng, không kiếm được nhiều nhưng Giang cũng giúp mẹ được đồng ra, đồng vào. Những tưởng với sự chăm chỉ của Giang như vậy thì cuộc sống của mấy mẹ con cô sẽ đỡ bớt khó khăn. Nào ngờ, cuối năm 2009, cha cô lại “nổi sung”, đánh cho Giang một trận thừa sống thiếu chết. Vậy là, cô phải bỏ về Hà Nội rửa bát cho một cửa hàng ăn uống.

Những ngày đầu xa nhà, cô nhớ mẹ, nhớ em da diết. Nhưng mỗi một lần về thăm, Giang chỉ dám ở bên nhà hàng xóm hoặc các bác gọi mẹ và em sang gặp rồi lại đi luôn. Được ít thời gian, cô định đưa mẹ về làm cùng với mình, nhưng chỉ xuống được vài hôm, bà Dinh lại phải quay về vì đứa con gái thứ 2 còn quá nhỏ, sợ sẽ không sống nổi cùng người cha vũ phu.

Nếu như được quay ngược thời gian...

Vào dịp tết năm 2010, những người xa quê tất tả chuẩn bị hành lý về quê ăn tết sau một năm làm việc mệt nhọc. Giang cũng háo hức mong ngày ấy đến gần để được về ở bên mẹ và em. Nhưng khi cô vừa lên xe cũng là lúc Giang nhận được điện thoại của em gái nói trong sự gấp gáp: “Bố nói chị về sẽ bắn chết...”. Sợ bố làm thật nên mặc dù về đến quê, nhưng Giang không dám bước vào nhà mà phải sang nhà người bác ruột trú ngụ.

Khoảng 20h30 ngày mùng 2 tết âm lịch, khi Giang đang đi cùng mấy chị em họ thì lại nhận được điện thoại của một người chị con bác ruột, cũng ở cùng xóm gọi về nhà bác có việc gấp. Khi Giang vừa bước về đến cổng nhà thì đã nhìn thấy mẹ mình ở đó, toàn thân trầy xước, dính đất cát và máu… những thương tích là “quà tặng” của cha sau chầu nhậu tết.

Sau khi uống rượu say, bố Giang đã về nhà chửi bới bà Dinh, rồi dùng tay chân đấm, đá, ông ta còn dùng dây buộc chân, treo ngược mẹ Giang lên xà nhà, sau đó đe dọa đi tìm súng để “xử lý”. Quá sợ hãi, nên lợi dụng lúc người chồng vũ phu đi tìm súng, bà Dinh đã cố cởi trói để giải thoát cho mình và chạy sang nhà người anh cầu cứu. Nghe đến đây, Giang lao xuống bếp, ngồi bệt xuống đất khóc nức nở.

Khoảng 30 phút sau, Giang lẳng lặng đi ra ngoài và tìm lên lán, nơi mà ông Vinh hay ở, với ý định sẽ “hỏi cho ra nhẽ”. Nhưng khi gần tới nơi, Giang không dám vào mà ngồi rình ở phía bên ngoài nhằm mục đích sẽ chặn đường cha. Ít phút sau, nghe tiếng chó sủa, ông Vinh đi ra soi đèn thì bất ngờ Giang đứng phía sau dùng thanh củi đập vài nhát vào đầu cha, khiến ông ngã lăn xuống dốc và tử vong. Ngay trong ngày, Giang đã đến CQCA đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi của mình.

Hơn 7 tháng sau, Bùi Thị Giang thất thểu bước vào phòng xử án của TAND tỉnh Hòa Bình. Suốt phiên xử, Giang đã nhiều lần bật khóc khi nói về sự bạo hành của người cha ruột. Ngồi phía dưới, bà Dinh cũng không cầm nổi nước mắt… Cũng tại phiên xử ấy, HĐXX nhận thấy Bùi Thị Giang phạm tội “Giết người” trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và đã tuyên phạt cô gái 2 năm tù giam.

Rời phòng xử án, nước mắt Giang vẫn không ngừng rơi và ngây ngô thốt lên với những người thân rằng: “Em không muốn đi, em muốn về nhà cơ…”. Tiếng con vọng xa, rồi vụt khuất theo con đường về trại giam khiến bà Dinh khóc ngất…

Hơn 90 ngày chuyển về Trại giam Ninh Khánh là cả ngần ấy thời gian Giang sống trong sự dằn vặt. “Cải tạo ở nơi đây, em mới thấm thía cái giá mình phải trả cho tội lỗi của mình gây ra. Nếu như giờ cho em được quay ngược thời gian, thì em sẽ không bao giờ có quyết định ngu dại như thế và sẽ trân trọng cái cuộc sống của mình hơn cho dù cha có là người như thế nào đi chăng nữa…” Giang gạt ngang hàng nước mắt.

Thời gian cải tạo trong chốn lao tù không nhiều, nhưng cũng đủ để Giang hiểu cái giá mình phải trả cho lỗi lầm. Cũng chính vì thế mà ngoài giờ đi làm ngoài đồng, buổi tối Giang vẫn miệt mài học thêm nghề dệt cói trong trại giam, để mong ngày hòa nhập cộng đồng sẽ có cái nghề trong tay, ổn định cuộc sống.

Theo Phương Tâm
Pháp luật & xã hội

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG