Sự thật về Tây Phương đại quán

Sự thật về Tây Phương đại quán
Đứng tên làm chủ nhà hàng Tây Phương đại quán, hàng tháng, ông Tịnh được vợ chồng Sinh - Hà trả lương 2 triệu đồng. Nhưng cho đến khi bị bắt, vợ chồng Sinh - Hà còn nợ “ông chủ” 3 tháng lương.
Sự thật về Tây Phương đại quán ảnh 1
Chiếc cổng đầu rồng này đã đón nhiều "thượng khách" ăn chơi

Cách đây gần 3 năm, ngày 25/10/2002, ở nhà hàng Tây Phương đại quán tại một xóm nhỏ của thôn Đồi Tường (Trung Sơn Trầm, Sơn Tây, Hà Tây) diễn ra một sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận.

Đấy là nhà hàng tổ chức lễ khai trương, ra mắt ông chủ mới. Có đến hàng trăm quan khách tham dự buổi lễ này. Ngoài bạn bè, chiến hữu của ông chủ cũ và chủ mới còn có khách từ các nơi về.

Ông chủ mới Phan Thanh Tịnh - 55 tuổi, quê ở Ba Vì (Hà Tây), vốn là thương binh hạng 2/4. Quan khách được vợ chồng Lưu Đức Sinh - 41 tuổi và Trần Thu Hà - 39 tuổi, chủ cũ của nhà hàng cho biết, do Hà ốm đau, Sinh lại bận nhiều việc nên cho ông Tịnh, cậu họ thuê lại nhà hàng này.

Ông Tịnh đã đứng tên đăng ký kinh doanh và làm hợp đồng thuê nhà với vợ chồng Sinh, mỗi tháng trả 5 triệu đồng.

"Rửa tay gác kiếm"?

Những người biết vợ chồng chủ nhà hàng này thì hoài nghi: Sinh - Hà lại... “rửa tay, gác kiếm”(?!). Tây Phương đại quán vốn được xây dựng ngay trên mảnh đất của bố mẹ Sinh.

Cách đây gần chục năm, vợ chồng Sinh - Hà mở nhà hàng cơm niêu. Nhà hàng cơm niêu xập xệ nằm cách đường 21A gần 100 m lại khuất trong xóm, khá đông khách. Thực ra khách tìm đến cơm niêu Sinh - Hà không phải vì nhu cầu ẩm thực mà vì ở đây có dịch vụ... vui vẻ.

Đến năm 1999, Sinh - Hà chuyển sang kinh doanh ăn uống, nhà nghỉ... không đơn thuần cơm niêu nữa. Một khu ăn chơi liên hoàn mang đậm phong cách Á Đông được xây dựng. Ngôi nhà trông chẳng khác nào cung điện của vua chúa phương Đông.

Khác với các nhà hàng khác, Sinh - Hà không bố trí ăn uống, karaoke... lẫn lộn. Ăn ra ăn, mà chơi ra chơi, theo Sinh - Hà đấy mới là phong cách phương Đông.

Tầng 1 ngôi nhà, Sinh - Hà bố trí mấy bộ bàn ghế toàn hàng “độc” làm bằng gốc gỗ lũa là nơi khách ngồi uống nước, ngắm cá cảnh bơi lội, chim hót, nước “suối” chảy róc rách...

Tầng 2 mới là nơi phục vụ ăn uống. Trên tường trang trí toàn tranh Trung Quốc. Bàn ghế kiểu cổ và đặc biệt khách được “khủng bố” bằng một dãy rượu ngâm các loại từ tam xà, ngũ xà, hổ cốt, tay gấu... đến các loại thảo dược quý hiếm.

Liền chung với ngôi nhà ấy là khu dịch vụ... vui vẻ bao gồm 3 phòng hát karaoke trang bị hiện đại. Trên 3 phòng hát là 18 phòng nghỉ thuộc hàng cỡ “sao”.

Sự thật về Tây Phương đại quán ảnh 2
Lưu Đức Sinh (bên phải)

Muốn vào được khu vực này phải vượt qua được 2 tầng cửa sắt. Nhằm đảm bảo cho việc ăn chơi kín đáo, tránh được sự chú ý của nhân dân địa phương, Sinh - Hà xây dựng tường bao cao đến 3 m, bên trên lại còn chăng dây thép gai chống đột nhập.

Phải công nhận Sinh là kẻ cũng có mắt thẩm mỹ. Anh ta cho đắp cổng là đầu con rồng, tốn hàng trăm triệu đồng, khá kỳ công và tinh xảo từng thu hút và in dấu đối với những khách hàng lắm tiền, nhiều của đến đây ăn chơi, thư giãn.

Nhà hàng được xây dựng nguy nga, lộng lẫy thì cũng phải có một cái tên cho tương xứng. Vốn là kẻ duy tâm, Sinh tìm đến “thầy” và được “thầy” chọn cho cái tên “Tây Phương đại quán” để đặt cho nhà hàng. Có nghĩa là quán to ở phía Tây thành Sơn Tây. Sau đó, Sinh còn bỏ ra hơn 30 triệu đồng để đắp hai con rồng chầu khá đẹp trước ngôi nhà, bởi Sinh tuổi Giáp Thìn.

Ông chủ “dỏm”

Càng kinh doanh Tây Phương đại quán càng nhiều... “tiếng tăm”. Ngoài hệ thống tường rào, Tây Phương đại quán được bố trí hệ thống bảo vệ khá chặt chẽ.

Duy nhất chỉ có một cổng ra vào, chiếc cổng miệng con rồng ấy tuy há ra nhưng lại được thiết kế cửa sắt đóng kín mít suốt ngày. Qua được chiếc cổng này cũng khá khó khăn. Tiêu chuẩn khách đến phải là đi xe ôtô xịn, có báo trước hay khách quen.

Không ít đoàn khách từ Hà Nội lên, mới đến đầu đường Láng - Hòa Lạc đã điện báo... “đặt hàng”. Còn nếu khách không quen, bao giờ tay bảo vệ cũng có “bài”... quên chìa khóa.

Bấm chuông, nhìn qua khe cửa thấy khách lạ, xin mời cứ việc đứng đợi chừng 30 phút, bởi gã còn lệt xệt chạy ngược vào trong nhà rồi mới chạy ra, xin lỗi khách vì... quên chìa khóa, chạy vào lấy. Thời gian ấy đủ cho trong nhà có chuyện gì đã kịp đối phó.

Lột mặt nạ

Cuối năm 2004, Tây Phương đại quán lại mở rộng quy mô làm ăn. Ngoài khu ăn chơi theo phong cách Á Đông, họ xây thêm khu nhà 5 tầng mang phong cách hiện đại với ý định tổ chức dịch vụ xông hơi, mátxa, vật lý trị liệu... với vốn đầu tư ước trên 10 tỷ đồng.

Chiếc cổng đầu rồng vốn “nổi tiếng” và đẹp là thế, nay bị phá đi. Một chiếc cổng mới hiện đại được xây dựng phía ngoài đường. Khu vực mới xây dựng đưa diện tích Tây Phương đại quán lên tới trên 2.000 m2, có một khoảng sân rất rộng làm bãi để xe.

Chuyện làm ăn mờ ám của Tây Phương đại quán đã đến “tai” những người có trách nhiệm. Ban giám đốc Công an Hà Tây hạ quyết tâm phải triệt phá động mại dâm này.

Khoảng 11 giờ ngày 18/5, trên 2 chiếc xe ôtô du lịch sang trọng từ Hà Nội lên, các trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Công an Hà Tây) bất ngờ ập vào kiểm tra nhà hàng. Trong 4 phòng của khu nhà nghỉ, các trinh sát bắt quả tang 4 đôi trai gái không mảnh vải che thân đang có hành vi mua, bán dâm.

Bốn cô gái bán dâm đều là nhân viên nhà hàng. Ông chủ Tịnh cùng các cô gái bán dâm, gã nhân viên bảo vệ tên Thành và vợ chồng Sinh - Hà bị bắt giữ đưa về trụ sở Công an tỉnh.

Bị bắt giữ, ông chủ Tịnh, với cương vị chủ kinh doanh nhà hàng, nhận hết mọi tội lỗi. Một ngày sau khi bị bắt Cơ quan CSĐT buộc phải trả tự do cho Hà, bởi không đủ chứng cứ kết tội chị ta. Nhưng Sinh thì bị bắt để thi hành một bản án khác về tội đánh bạc.

Trước đó, vào ngày 25/11/2004, Sinh bị bắt quả tang đang đánh bạc trong một “sới” bạc lớn ở Cổ Đông (TX Sơn Tây). Gã bị tuyên phạt 18 tháng tù giam, nhưng chưa thi hành án.

Tuy nhiên, những chứng cứ từ thực tế đã kết tội Sinh - Hà. Mới chỉ kiểm tra chứng từ, hóa đơn nộp thuế từ năm 2000 đến nay chỉ thấy Sinh đứng tên, mặc dù Tịnh đứng tên chủ kinh doanh từ năm 2002.

Không những thế, từ khi nhà hàng bị Công an triệt phá, hàng chục người buôn bán hoa quả lại chỉ tìm Hà đòi số tiền nợ lên tới hàng chục triệu đồng.

Còn với ông Tịnh, chỉ mất một ngày ngồi trong phòng tạm giam, lương tâm của người thương binh thức tỉnh, ông ta đã thành khẩn khai báo. Nghe Sinh - Hà ve vãn, ông ta nhận lời ký vào bản đăng ký xin kinh doanh.

Với cái chức danh ông chủ... dỏm, hàng tháng, ông Tịnh được vợ chồng Sinh - Hà trả lương 2 triệu đồng. Nhưng cho đến khi bị bắt vợ chồng Sinh - Hà còn nợ “ông chủ” 3 tháng lương.

Trước khi bị bắt khoảng chục ngày, Hà gặp Tịnh và nhóm nhân viên “bồi dưỡng” lại những vấn đề cần khai báo cho thống nhất về vai trò của Tịnh nếu có sự cố xảy ra.

Vì thế, ngay ngày đầu, đúng theo “kịch bản”, Tịnh nhận hết tội lỗi về mình. Lúc đầu, biết Tịnh có mối quan hệ với một Cty của thương binh nên Sinh - Hà bảo ông ta mời họ đến với danh nghĩa cơ quan đầu tư.

Thế nhưng, Cty của những người thương binh ấy cũng nhanh chóng nhận ra, đồng đội của họ tuy đứng tên chủ kinh doanh nhưng chỉ là kẻ làm thuê nên chỉ được 3 tháng đã cắt đứt quan hệ.

Chồng nhận tội, vợ cao chạy xa bay

Cùng với Tịnh, Chu Văn Thành - 38 tuổi, trú ở thị xã Sơn Tây, gã nhân viên chuyên dẫn dắt gái cho khách cũng khai báo thành khẩn. Hàng ngày, khách đến nhà hàng có nhu cầu, gã dẫn gái đến cho khách xem mặt rồi bố trí phòng nghỉ.

Mỗi “ca” như thế, gã được khách “bo” 50 ngàn đồng nên cũng kiếm được kha khá. 4 cô gái bán dâm, chỉ là những kẻ làm thuê nên đã tố cáo hành vi tổ chức hoạt động mại dâm của vợ chồng Sinh - Hà.

Theo lời khai của các cô gái này, có ngày các cô phải tiếp hàng chục lượt khách. Chỉ với những tài liệu, chứng cứ trên, Sinh phải cúi đầu nhận mọi tội lỗi.

Tuy nhiên, trong vụ án này, còn 2 nhân vật quan trọng là Trần Thu Hà - Vợ Sinh và Nguyễn Thị Huyền Nga - 18 tuổi, quê ở Thanh Sơn (Phú Thọ), nhân viên quầy bar đã “cao chạy xa bay”. Cả hai bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tây phát lệnh truy nã toàn quốc.

Với nhiều biện pháp nghiệp vụ và sau nhiều ngày dày công tìm kiếm, đến 25/6, các trinh sát phát hiện được nơi Nguyễn Thị Huyền Nga lẩn trốn. Cô ta bị các trinh sát bắt giữ ở Vĩnh Long. Chỉ đến khi bị các trinh sát bắt, cô gái này mới biết mình đang ở đâu.

Sau sự kiện 18/5, Nga bỏ về quê. Hà cho em trai sang tìm Nga, đưa cho vợ chồng cô 1 cây vàng và 2 triệu đồng bảo trốn đi. Nga đang mang thai tháng thứ 8, vả lại cô chưa đi đâu xa bao giờ.

Ngoài về quê chồng ở Hưng Yên, không dám trái lệnh bà chủ nhưng cô không biết trốn đi đâu. Hiểu được tình thế ấy, Hà cho em trai sang đưa Nga trốn vào Vĩnh Long, nơi có người thân quen của gia đình chị ta.

Nga là nhân viên quầy bar, hàng ngày được Sinh - Hà giao nhiệm vụ thu tiền ăn uống, mua dâm của khách nên cô nắm biết nhiều chuyện, đặc biệt chuyện khách hàng đến mua dâm, thuê phòng.

Chỉ sau một ngày Nga bị bắt thì thị Hà đang lẩn trốn trong một khách sạn ở phường 9 (quận 3, TPHCM) cũng bị các trinh sát Đội Truy nã thuộc Phòng CSĐT tội phạm về TTXH bắt giữ.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.