Súng quân dụng đang bị lạm dụng

Súng quân dụng đang bị lạm dụng
Súng quân dụng chỉ cấp cho những lực lượng chức năng, nhưng liên tiếp từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TPHCM xảy ra một loạt vụ lạm dụng loại vũ khí này tại những nơi công cộng, đông người...

Khoảng 23 giờ ngày 3/7, những thực khách trong quán Cây Tràm (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM) một phen hoảng hồn khi một người đàn ông đang nhậu rút súng ra bắn lên trần nhà để thị uy.

Theo những thông tin ban đầu, người nổ súng ngồi nhậu chung cùng 6 - 7 thanh niên khác và khi tranh luận về bóng đá đã to tiếng với nhau dẫn đến... súng nổ.

Ngay sau đó, nhóm thanh niên này bỏ đi, để lại hiện trường một đầu đạn cao su màu đen cùng sự hốt hoảng của chủ quán và các thực khách còn lại... Đến nay, dù tích cực điều tra nhưng thủ phạm vẫn "bóng chim tăm cá", chỉ một điều có thể khẳng định là loại đạn cao su này thường chỉ cấp cho một số lực lượng chức năng như công an...

Trong khi vụ việc còn chưa lắng xuống thì rạng sáng 8.7, người dân trên đường Tân Sơn Nhì, P.Tân Thới Nhì, Q.Tân Phú lại chứng kiến một người đàn ông rút súng quân dụng ra bắn 5 phát liền. Người bắn súng, sau này được xác định là ông Võ Minh Phương, trinh sát Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an Q.Bình Thạnh.

Ông Đồng Công Đức, chủ quán Phi Ưng, cách nơi súng nổ không xa, bức xúc: "Sau 23 giờ 30 ngày 7.7, quán Phi Ưng đóng cửa. Tôi vừa bước ra khỏi quán thì gặp ông Phương cùng một người vào quán yêu cầu chị Dung (thủ kho của quán) mang cho 2 chai bia và 2 tẩy đá.

Dù chị Dung năn nỉ là quán đã đóng cửa, nhân viên về hết và không còn ai phục vụ, nhưng ông Phương không những không nghe mà còn rút một khẩu súng đặt lên bàn để thị uy; năn nỉ mãi mới chịu ra về.

Ra khỏi quán, ông Phương cùng bạn to tiếng với một người đi đường nào đó rồi rút súng ra bắn liền 5 phát khiến những người khác hốt hoảng bỏ chạy".

Nhưng nghiêm trọng hơn là vụ súng nổ tại quán nhậu H.P trên đường Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp vào khoảng 21 giờ ngày 8.4. Do xích mích với bàn bên cạnh, Huỳnh Minh Tuấn (30 tuổi, quê Bạc Liêu) đã rút một khẩu súng quân dụng bước sang bàn bên bắn một phát khiến cả quán hoảng loạn. Viên đạn găm vào chân anh Nguyễn Quốc Thắng (ngụ Q.Gò Vấp) khiến anh này phải đi cấp cứu.

Sau này, Tuấn khai súng mượn của đại úy công an Huỳnh Công Tuấn (công tác tại P.10, Q.Gò Vấp). Điều kinh ngạc hơn là, ngoài khẩu súng Tuấn dùng để bắn, công an còn thu giữ thêm một khẩu K54 của Trần Thế Thường Trường Thọ (26 tuổi, ngụ Q.10) là một trong những người cùng ngồi nhậu với Tuấn đêm 8.4 tại quán H.P...

Quản lý lỏng lẻo?

Theo quy định của ngành công an hiện nay, súng chỉ cấp đích danh cho các cán bộ lãnh đạo cấp trưởng, phó trở lên, còn lại được quản lý theo chế độ tập thể. Tại mỗi đơn vị thường có một tủ để vũ khí, do lãnh đạo trực tiếp quản lý.

Trước khi đi làm việc, cán bộ chiến sĩ (không thuộc diện được cấp vũ khí đích danh) thấy cần thiết phải có công cụ hỗ trợ thì đề xuất, được lãnh đạo duyệt mới được mang súng cùng giấy phép sử dụng ra khỏi đơn vị. Sau đó, ngay khi hoàn tất nhiệm vụ, vũ khí phải được giao lại để bảo quản theo đúng quy định.

Đại tá Lê Đông Phong, Phó giám đốc Công an TP.HCM, khẳng định: "Súng cấp cho lực lượng công an chỉ để dùng khi thi hành nhiệm vụ. Anh dùng sai mục đích, dù bất cứ lý do gì cũng sẽ bị kỷ luật rất nghiêm, trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự".

Trên thực tế, ngoại trừ vụ súng nổ ở quán Cây Tràm (Q.3) thủ phạm chưa tìm ra, còn những công an liên quan đến vụ súng nổ ở quán H.P và trên đường Tân Sơn Nhì đều đã bị tạm đình chỉ công tác để điều tra. Tuy nhiên, có một điểm chung trong cả ba vụ việc nêu ở trên là súng đều nổ trong quán nhậu, hoặc liên quan đến quán nhậu. Điều này cho thấy việc nổ súng là khá tùy tiện và rất khó để nói rằng những người này đang "thi hành công vụ".

Sau sự cố đau lòng: một thượng tá, Phó trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ - hỗ trợ tư pháp Công an TP.HCM chết vì tai nạn súng săn cướp cò cuối tháng 4.2006; đồng thời Chỉ thị 08/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, Công an TP.HCM đã ra thông báo thu hồi giấy phép các đơn vị, cá nhân kinh doanh và sử dụng súng săn.

Theo đại tá Trần Triều Dương, Phó giám đốc Công an TP.HCM, việc làm của Công an TP.HCM là phù hợp với công tác giữ gìn an ninh trật tự, vì trên thực tế đã có một số người lợi dụng việc giữ vũ khí vào rừng cấm để săn bắn các loại động vật bị cấm săn; một số khác lợi dụng vũ khí này để đi gây án. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng vũ khí quân dụng lại đang có dấu hiệu gia tăng...

Theo Thanh Niên

MỚI - NÓNG