Tai nạn tại Keangnam: Vừa do con người, vừa do thiết bị

Tai nạn tại Keangnam: Vừa do con người, vừa do thiết bị
TP - Các thiết bị nghiêm ngặt về an toàn lao động (ATLĐ) chưa đăng ký, biện pháp thi công chưa được kiểm tra, phê duyệt của nhà thầu chính, trình độ của cán bộ quản lý chưa đạt yêu cầu, là nguyên nhân dẫn đến ba vụ tai nạn lao động liên tiếp tại tòa nhà Keangnam.

>> Khởi tố vụ tai nạn gây chết người ở tòa nhà Keangnam

Đây là thông tin vừa được Sở Xây dựng báo cáo UBND TP Hà Nội.

Dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower do Cty TNHH một thành viên Keangnam Vina làm chủ đầu tư, nhà thầu chính là Cty Keangnam Enterprises LTD và ba nhà thầu phụ gồm Cty CPXD số 1 (COFICO), Cty CPXD số 1 Hà Nội (HACC1) và Cty Seoyong (Hàn Quốc).

Riêng Cty Seoyong thuê Cty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình làm nhà thầu phụ về nhân công.

Ông Bùi Văn Chiểu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, các vụ tai nạn là do lao động chưa chấp hành các quy định về ATLĐ, trình độ cán bộ quản lý về an toàn lao động nhiều hạn chế, một số bộ phận chưa đạt yêu cầu, công trình sử dụng nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại chưa có ở Việt Nam như cốp pha, giàn giáo, thiếu sự phối hợp đồng bộ.

Công tác lập thiết kế thi công chưa tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật Việt Nam, biện pháp thi công xây dựng chưa được nhà thầu chính Keangnam Enterprises LTD kiểm tra, phê duyệt.

Đoàn kiểm tra còn phát hiện việc khám sức khỏe cho người lao động chưa tuân thủ theo quy định, nhiều thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ chưa đăng ký với Sở LĐ-TB&XH, nội dung huấn luyện ATLĐ chưa phù hợp với Thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội.

Qua đó, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất chủ đầu tư và các nhà thầu xem xét lại toàn bộ các nhà thầu phụ về năng lực và kinh nghiệm thi công, đặc biệt xem xét năng lực các cá nhân quản lý kỹ thuật thi công, an toàn lao động trên công trường. Chủ đầu tư phải tạm đình chỉ thi công một số hạng mục nếu có dấu hiệu mất an toàn lao động...

MỚI - NÓNG