“Tan đàn xẻ nghé” vì chính quyền làm sai

“Tan đàn xẻ nghé” vì chính quyền làm sai
TP - Cả 2 gia đình đều có người lâm vòng lao lý vì bị buộc tội chống người thi hành công vụ, khi nhà của họ bị cưỡng chế phá dỡ.
“Tan đàn xẻ nghé” vì chính quyền làm sai ảnh 1
Ông Mau vẫn phải sống trong căn lều gần cầu Bình Phú

Đã nhiều năm nay họ đến các cơ quan địa phương và Trung ương khiếu kiện nhưng chưa được giải quyết.

Từ quán cơm sang lều nát     

Năm 1978, người thương binh hạng 2/4 Nguyễn Dương Mau (Mâu) từ thôn Tuyết Diêm (xã Xuân Bình, Sông Cầu) đến lập nghiệp ở vùng giáp ranh hoang vắng giữa xã Xuân Bình và xã Xuân Cảnh.

Quần quật đổ đá lấn đầm Cù Mông, 13 người trong gia đình ông tạo được một khoảnh đất rộng 1.350m2. Họ dựng nhà, mở quán cơm Bảy Hiền ở đó, năm 1987 được nhập hộ khẩu tại Xuân Cảnh.

Tháng 9/1991, báo Phú Yên từng đưa tin khen ngợi việc ông Mau trả lại đoàn cán bộ tỉnh Sơn La 32 cây vàng y và 15 triệu đồng họ bỏ quên ở quán Bảy Hiền. 

Năm 1998, cầu Bình Phú được xây dựng, gia đình ông Mau phải tạm dời đến nơi khác. Cầu hoàn thành, tháng 8/2000 họ trở về dựng lại nhà cũ, nhưng bị UBND huyện Sông Cầu cưỡng chế tháo dỡ.

Ông Mau làm đơn, yêu cầu UBND huyện cho gia đình ông sinh sống ở chỗ cũ, hoặc đền bù thiệt hại về đất cho ông. Đơn bị Chủ tịch UBND huyện Sông Cầu Bùi Sinh ký quyết định bác, vì “đất lấn chiếm trái phép”.

“Tan đàn xẻ nghé” vì chính quyền làm sai ảnh 2
Gia đình bà Diên sau buổi bị cưỡng chế

Ông Mau khởi kiện quyết định này, nhưng thua kiện. Ông mua một mảnh đất nhiễm mặn ở thôn Hòa Mỹ để cất nhà ở, cũng bị buộc tháo dỡ vì “xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp”.

Tháng 9/2001, ông Mau lại dựng nhà trên nền cũ ở gần cầu Bình Phú. Tháng 12/2001, UBND huyện xử phạt ông 10 triệu đồng vì “lấn chiếm đất công”.

Ngày 5/7/2002, huyện tổ chức cưỡng chế dỡ nhà, con gái ông Mau là Nguyễn Thị Quý cản trở, bị phạt 6 tháng tù giam về tội “chống người thi hành công vụ”.

Con cái tứ tán, còn vợ chồng ông dựng lều ở tạm bên vách núi phía Tây QL1A, đối diện nền nhà cũ. Lại tiếp tục có những cuộc cưỡng chế dỡ lều… Mất đất mất nhà, gia đình ông Mau mất cả nguồn thu đáng kể từ mấy ngàn mét vuông đìa tôm. Kiệt quệ sau những cuộc cưỡng chế, họ không còn đủ vốn thả tôm và tâm trí để chăm sóc chúng.  

Phải bỏ con để đi kêu cứu

Đến xóm Bãi Rạng (xã Xuân Hải) hỏi nhà ông Trần Khánh Thọ, tôi được chỉ tới căn lều lụp xụp giữa đống đổ nát bên đường Quy Nhơn - Sông Cầu. Trong lều, một cô gái tiều tụy nằm trên giường, đờ đẫn nhìn khách.

Đó là Khánh Dư, một trong hai người con bị di chứng chất độc da cam của ông Thọ. Ông đang trong trại giam, vợ ông là bà Đinh Thị Diên đang kêu cứu ở Hà Nội…

Từ năm 1944, cụ Trần Mai (cha ông Thọ) khai hoang được 5 ha đất. Trong những năm 1963 - 1964, cụ Mai đã giúp đỡ đội công tác của huyện Sông Cầu nhiều tấn mì trồng ở đây.

Năm 1969, trước khi mất cụ Mai giao lại đất cho vợ chồng ông Thọ. Họ có 9 người con, trước năm 2001 cả nhà 3 thế hệ ở chung trong một ngôi nhà vách đất.

Năm 2002 - 2003, ông Thọ xây cho các con đã có gia đình riêng 4 ngôi nhà trong đất vườn của ông, cho em rể là ông Phạm Viết Hùng xây một căn. Giữa năm 2004, UBND huyện Sông Cầu ban hành 5 quyết định buộc ông Thọ tháo dỡ toàn bộ nhà “xây dựng trái phép trên đất công quản”.

Ngày 15/9/2004, huyện cưỡng chế thực hiện các quyết định trên, ông Thọ và con trai là Trần Khánh Ơn bị bắt tạm giam. Tài sản chắt bóp cả đời làm rẫy và làm nghề biển của đại gia đình biến thành đống gạch vụn.

Ngày 24/6/2005, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm vụ án “chống người thi hành công vụ” ngày 15/9/2004, tuyên y án sơ thẩm 24 tháng tù giam với ông Thọ và Trần Khánh Hiển (em ruột Ơn), phạt bà Diên, Ơn và Phạm Viết Chương (con ông Hùng) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng…

Đùn đẩy và bịa đặt

Theo Nghị định 22/1998, ông Mau có 2 điều kiện để được đền bù thiệt hại về đất khi bị thu hồi. Đó là “đất sử dụng ổn định trước ngày 8/1/1988, được UBND xã xác nhận” và “đất tự khai hoang trước ngày 15/10/1993 và liên tục sử dụng, làm đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước”.

Việc cưỡng chế giải tỏa mà không có quyết định thu hồi đất, không đền bù thiệt hại về đất cho ông Mau là vi phạm pháp luật về đất đai. Nhưng, UBND huyện Sông Cầu cho rằng không đền bù vì ông Mau đã vi phạm hành lang bảo vệ (HLBV) QL1A và cầu Bình Phú?

Đứng trên nền nhà cũ, ông già 76 tuổi nói, giọng đầy bực tức: “HLBV quốc lộ 1A rộng 15 m, nhà tôi cách mép đường 17 m, ra đến bờ đầm là 30 m. Nhà đất của tôi có trước khi xây cầu Bình Phú mười mấy năm, nói vi phạm HLBV cầu thì thật nực cười!”.

Cuối tháng 7/2002, ông Mau lặn lội ra Hà Nội kêu cứu. Kết quả, ngày 13/3/2003 UBND tỉnh Phú Yên báo cáo với Văn phòng Quốc hội rằng ông Mau dựng lều trái phép trên đất cũ đã được đền bù, “trong khi đã có nhà ở trên diện tích đất được cấp 2.600 m2 cách nơi lấn chiếm về phía Đông Bắc khoảng 50 m”. Sự bịa đặt khiến gia đình ông ngỡ ngàng rồi phẫn nộ. “Cách nơi lấn chiếm về phía Đông Bắc khoảng 50m” là… mặt đầm Cù Mông!    

Dường như khi cho rằng ông Thọ xây nhà trái phép trên đất công, UBND huyện Sông Cầu chưa xem xét kỹ nguồn gốc đất. Thời điểm huyện xử phạt gia đình ông Thọ cũng đáng đặt câu hỏi.

Bà Diên bức xúc: “Nếu chúng tôi lấn đất công, tại sao hồi tháng 1/2002, tôi xây nhà đầu tiên huyện không phạt, để đến năm 2004 khi chúng tôi xây xong 4 căn tốn mấy trăm triệu đồng, họ mới phá một lượt?

Lúc đó có người muốn lấy đất chỗ chúng tôi làm khu du lịch, phải chăng vì vậy họ ép chúng tôi?”.

Nghe bà Diên nói, chúng tôi lại nhớ cuối năm 2001, khi UBND huyện Sông Cầu buộc ông Mau dỡ nhà. Đó cũng là lúc một doanh nghiệp của tỉnh Phú Yên lập xong dự án xây nhà hàng - khách sạn ở gần cầu Bình Phú.       

Tháng 8/2005, ông Mau gửi đơn khiếu nại việc mất đất, mất nhà tới đoàn thanh tra số 8 về Luật Đất đai của Bộ TN và MT. Đơn được chuyển cho UBND tỉnh Phú Yên.

Ngày 9/11/2005, Sở TN và MT Phú Yên trả lời ông Mau rằng, nội dung đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, đề nghị ông gửi đơn đến TAND Tối cao.

5 năm trước, 2 cấp Tòa đã phán, “yêu cầu của ông Mau không thuộc đối tượng, nội dung và thẩm quyền để Tòa giải quyết”, nay tỉnh lại bảo ông gửi đơn đến Tòa!

Gia đình ông Mau, gia đình bà Diên đã khánh kiệt tài sản sau những cuộc cưỡng chế và do mất nguồn sống, có thể họ cũng đang cạn kiệt lòng tin vào công lý! 

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.