Phúc thẩm vụ “đòi bồi thường án oan” ở Tiền Giang:

TAND tỉnh Tiền Giang tự xử mình như thế nào?

TAND tỉnh Tiền Giang tự xử mình như thế nào?
Sáng 30/3/2005, TAND tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do bị xét xử oan. Bị đơn là TAND tỉnh Tiền Giang. Đây là phiên toà phúc thẩm đầu tiên trong cả nước xét xử vụ kiện theo kiểu “ta xử mình”.

Ngày 19/9/1987, ông Bùi Văn Mãnh (ở Tân Phú,  huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) bị công an tỉnh Tiền Giang khởi tố về tội giết người, cướp tài sản. Năm 1989, TAND tỉnh xử sơ thẩm và tuyên phạt ông 16 năm tù. Thế nhưng ở cấp phúc thẩm, TANDTC tại TPHCM đã tuyên ông vô tội.

Năm 1993, VKSNDTC kháng nghị giám đốc thẩm và cấp giám đốc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, phúc thẩm đưa về điều tra lại. Năm 2003, sau hơn 10 năm ông Mãnh trở thành bị can, công an tỉnh Tiền Giang ra quyết định đình chỉ điều tra vì không có cơ sở xác định ông Mãnh thực hiện hành vi phạm tội. Và điều này, ông Mãnh chỉ biết qua báo chí, vì công an không tống đạt quyết định này đến ông(!)

Ngày 9/11/2004, ông Mãnh đứng đơn kiện đòi bồi thường án oan với số tiền tổng cộng 1,26 tỷ đồng và được cấp sơ thẩm là TAND huyện Gò Công Tây tuyên chấp  nhận hơn 146 triệu đồng .

Kháng cáo để… tự xử mình(!?)

Ông Mãnh tiếp tục làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ông Mãnh cho rằng, sự mất mát của ông không thể tính được thành tiền, những gì ông yêu cầu chỉ mang tính chất tượng trưng và hy vọng toà đừng để sự đau khổ chất chồng theo năm tháng.

Còn TAND tỉnh cũng làm đơn kháng cáo, với nội dung: Bản án của TAND huyện Gò Công Tây tuyên buộc bồi thường cho ông Mãnh 146 triệu đồng là quá chung chung, chưa rõ ràng; buộc TAND tỉnh phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngay sau khi án có hiệu lực là chưa phù hợp với Nghị quyết 388 và Thông tư liên tịch 01 (hướng dẫn thi hành Nghị quyết 388); buộc phải đóng án phí 6 triệu đồng là chưa thỏa đáng vì TAND tỉnh Tiền Giang là cơ quan xét xử không có nguồn thu, không lấy đâu ra kinh phí để đóng án phí nên xin TAND tỉnh miễn án phí; đề nghị TAND tỉnh chỉ rõ qui định của BLDS áp dụng trong trường hợp tuyên bồi thường cho ông Mãnh.

Chối bỏ trách nhiệm?

Trước toà, ông Mãnh đã phản ứng trước sự “vô tư” của TAND tỉnh Tiền Giang. Ông Mãnh cho rằng,  TAND Tiền Giang không nhận thức được việc làm sai trái của mình khi kết  án oan một công dân vô tội và không có thiện chí khắc phục hậu quả.

Trước ngày bị bắt, ông là người có công ăn việc làm, cơ ngơi khấm khá với một chiếc ghe dùng vào việc mua bán lúa gạo, thu nhập thời điểm đó mỗi ngày khoảng 30 ngàn đồng, có ruộng vườn ... nuôi 6 con ăn học. Nhưng từ khi trở thành can phạm giết người, thì nhà cửa, ruộng vườn, đất đai bị mất hết. Điều này xuất phát từ hành vi sai trái của cơ quan tố tụng.

Thế nhưng, Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp phúc thẩm chỉ chấp nhận 1 yêu cầu kháng cáo và chấp nhận bồi thường thêm cho ông là… 6 triệu đồng. Còn kháng cáo của “bị đơn” - TAND tỉnh Tiền Giang: chấp nhận việc xin miễn án phí (6 triệu đồng); và TAND tỉnh có trách nhiệm bồi thường ngay sau khi … Bộ Tài chính cấp kinh phí!  

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.