“Quyền im lặng” và Cải cách tư pháp- Kỳ hai:

Tăng quyền cho Tòa án

Dùng nhục hình gây chết người, 5 cựu cán bộ công an ở Phú Yên phải hầu tòa. Ảnh: Đình Quân
Dùng nhục hình gây chết người, 5 cựu cán bộ công an ở Phú Yên phải hầu tòa. Ảnh: Đình Quân
TP - Nếu không có cơ chế giám sát hữu hiệu thì không thể hạn chế được hành vi vi phạm tố tụng, cho dù có đưa thêm quy định “quyền im lặng” vào Bộ luật Tố tụng hình sự.

“Ông/bà có quyền im lặng…”

Điều 103 Hiến pháp 2013 của nước ta quy định “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm”. Đây chính là cơ sở pháp lý cho đề nghị cần bổ sung “quyền im lặng” của người bị bắt cho đến khi có mặt luật sư. 

Cần khẳng định, luật sư có mặt khi bắt bị can, lấy lời khai bị can không phải để tranh tụng, càng không phải để “gây khó khăn” cho hoạt động điều tra. Sự có mặt của họ lúc này chỉ mang ý nghĩa giám sát hoạt động tố tụng, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân của nghi can. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia pháp luật, phải tạo điều kiện tối đa để luật sư tham gia tố tụng ngay từ khi bắt giam nghi can, và để điều này được thực hiện một cách bắt buộc, Bộ luật Tố tụng hình sự cần quy định “quyền im lặng” của người bị bắt.


Dĩ nhiên, để “quyền im lặng” mang tính khả thi, phải chuẩn bị về nhân sự, phải đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo luật sư (nhiều người nhận xét mục tiêu cả nước có 20.000 luật sư vào năm 2020 đang xem ra khó thực hiện được). Bên cạnh đó, việc phân bổ luật sư giữa các tỉnh, thành phải đều hơn (hiện nay các luật sư đang chủ yếu tập trung ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội).

Tòa án là trung tâm

Ở Hoa Kỳ và nhiều nước, khi cảnh sát muốn bắt ai đó, họ phải xin lệnh của Tòa án. Sau khi đương sự được xem lệnh này, bấy giờ người ta mới nói câu “Ông (bà) có quyền im lặng…”.

Ở Việt Nam, Hiến pháp 2013 quy định “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang” (Bộ luật Tố tụng hình sự mở rộng hơn, cho phép cả Tòa án quân sự và Viện kiểm sát quân sự có quyền ra quyết định hoặc phê chuẩn quyết định bắt người). Tuy Hiến pháp và luật quy định như vậy, thực tế hoạt động tố tụng Việt Nam cho thấy Tòa án hầu như không ra quyết định bắt người, việc này hầu hết do Cơ quan điều tra tiến hành.

Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đề ra phương hướng: “Tổ chức các cơ quan tư pháp (…) hợp lý, khoa học và hiện đại về cơ cấu tổ chức và điều kiện, phương tiện làm việc; trong đó, xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm”. Điều 102 Hiến pháp 2013 cũng quy định Tòa án nhân dân “thực hiện quyền tư pháp”, “có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”.

Với những định hướng của Đảng và quy định của Hiến pháp trích dẫn trên đây, nhiều người kiến nghị cần sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng trao hẳn quyền ra quyết định bắt bị can để tạm giam cho Tòa án. Khi đó, Cơ quan điều tra muốn bắt giam bị can, hãy trình chứng cứ cho Tòa án, và thực hiện theo quyết định của Tòa án. Đương nhiên, nếu bắt oan thì Tòa án phải xin lỗi, bồi thường cho người bị oan.

Giải quyết khiếu nại bằng Tòa án

Người viết bài này có dịp đọc Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự của nước Nga (đã có bài viết đăng trên Tiền Phong). Như nhiều nước phát triển khác, luật pháp nước bạn quy định bị can, đương sự có quyền khiếu nại các quyết định tư pháp; khi đó, Tòa án sẽ mở phiên tòa để giải quyết khiếu nại trong thời hạn ngắn hơn thời hạn mở phiên tòa xem xét có tội hay không có tội và quyết định hình phạt.

Thiết nghĩ, đó là những quy định chúng ta rất nên học tập, áp dụng vào việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự. Ví dụ, khi việc bắt người không bảo đảm “quyền im lặng” của người bị bắt, luật sư của người bị bắt có quyền khiếu nại. Trong vòng 07 ngày, Tòa án đã ra quyết định bắt người phải mở phiên tòa để xem xét việc bắt người đúng hay không đúng luật định. Nếu bắt người sai pháp luật, phải trả ngay tự do cho người ta.

Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đề ra định hướng “Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, của công luận và của nhân dân đối với hoạt động tư pháp”. Nếu không có cơ chế hữu hiệu để giám sát hoạt động tư pháp thì có đưa thêm “quyền im lặng” vào Bộ luật Tố tụng hình sự cũng không hạn chế được những hành vi vi phạm tố tụng.

Việc tăng quyền lực tư pháp cho Tòa án chính là để hạn chế lạm dụng quyền lực trong hoạt động tố tụng, bởi thực tế nước ta và tất cả các nước cho thấy, phiên tòa chính là nơi có đầy đủ điều kiện để bảo đảm tính công khai, dân chủ trong thực thi pháp luật. 

Còn nữa

MỚI - NÓNG