'Tập đoàn' lừa đảo Nguyễn Lâm Thái hầu tòa

'Tập đoàn' lừa đảo Nguyễn Lâm Thái hầu tòa
TPO – Ngày 9/4, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Lâm Thái cùng 45 bị cáo liên quan đến hành vi nâng khống giá vật tư bưu điện trong toàn quốc.

>> Toàn cảnh vụ Nguyễn Lâm Thái

'Tập đoàn' lừa đảo Nguyễn Lâm Thái hầu tòa ảnh 1
Nguyễn Lâm Thái

Nhóm bị cáo này bị truy tố với  5 tội danh : Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Trốn thuế; Lưu hành các giấy tờ có giá giả khác; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Chủ tọa phiên tòa sẽ do thẩm phán Lê Thị Hương – Chánh tòa hình sự TAND tỉnh, đảm trách. Viện KSND tỉnh Đồng Nai thừa ủy quyền của Viện KSND tối cao thực hành quyền công tố tại phiên toà sơ thẩm này. 

Đây là vụ án thứ hai trong số các vụ án trọng điểm đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra xét xử từ đầu năm 2008 đến nay. 

Ở vụ án này, với vai trò cầm đầu, Nguyễn Lâm Thái đã bị cơ quan công tố truy tố ra trước tòa để xét xử các tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Trốn thuế; Lưu hành các giấy tờ có giá giả khác. 

Vụ án Nguyễn Lâm Thái sẽ được xét xử tại trụ sở TAND tỉnh Đồng Nai. Vụ án này sẽ áp dụng kiểu phiên tòa mẫu từng được triển khai ở TPHCM trong vụ xét xử vụ án “Năm Cam và đồng phạm”.

Khuôn viên của TAND  tỉnh Đồng Nai sẽ được che mái bạt để làm nơi xét xử. Cơ quan này cũng đã mua hai màn hình rộng đặt trong khán phòng dành cho những người dự khán và một khán phòng dành cho báo chí.

Có 42 luật sư đảm nhận công việc bào chữa cho nhóm bị cáo hầu tòa. Trong đó luật sư Trịnh Anh Dũng và Nguyễn Đặng Quang bào chữa cho bị cáo Nguyễn Lâm Thái.

Chiếm đoạt tổng cộng hơn 24 tỷ đồng

Theo cáo trạng, từ năm 1999 đến năm 2005, Nguyễn Lâm Thái đóng vai trò cầm đầu và trực tiếp chỉ đạo cấp dưới  thành lập một nhóm các Cty TNHH, sau đó sử dụng pháp nhân các doanh nghiệp này để quan hệ, giao dịch, ký hợp đồng bán vật tư, thiết bị cho các bưu điện trên cả nước.

Thủ đoạn mà Nguyễn Lâm Thái cùng các ‘‘cộng sự’’ áp dụng là dùng pháp nhân của các công ty trong hệ thống ‘‘tập đoàn’’ CIP mua hoá đơn GTGT khống hợp thức hoá thiết bị, vật tư không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng trôi nổi trên thị trường; rồi tạo dựng, sửa chữa công văn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (lúc đó là Tổng Cty Bưu chính Viễn thông Việt Nam)và kết luận, trả lời về thẩm định giá của Trung tâm thẩm định giá Bộ Tài chính; sử dụng báo giá, hợp đồng đã ký với bưu điện khác để quan hệ, tạo lòng tin khi ký hợp đồng… để  chiếm đoạt tổng cộng hơn 24 tỷ đồng.

Hàng loạt các các bưu điện ở các tỉnh như: An Giang, Đồng Nai, Thái Nguyên, Bình Định, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Phú Yên, Bình Thuận, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh và Long An đã ký tổng cộng 169 hợp đồng kinh tế để mua các loại vật tư thiết bị có tổng trị giá hàng hoá là trên 47 tỷ đồng với một số Cty TNHH do Nguyễn Lâm Thái cầm đầu, gây thiệt hại trên 37 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG