Tết thiếu nhi nhói chuyện bạo hành

Tết thiếu nhi nhói chuyện bạo hành
TP- Những cuộc hội thảo diễn ra mới đây về chủ đề bạo hành trẻ em trong gia đình và nhà trường để lại nhiều cảm nhận cho người lớn rằng, những búp xanh trên cành vẫn đứng trước nạn bạo hành đáng báo động.

Theo một kết quả điều tra mới đây thực hiện trên 200 học sinh tại TPHCM của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, tình trạng các em bị bạo hành vẫn chủ yếu luẩn quẩn trong việc xuất phát từ những khuyết tật của tình cảm, đổ vỡ của gia đình như cha mẹ thường xuyên đánh lộn, cãi nhau, cha mẹ hàng ngày uống rượu, cha mẹ li thân, li dị hoặc đã chết, cha mẹ thường xuyên đi xa, ít quan tâm đến con.

Trong quan hệ thầy trò cũng rất đáng lo ngại học sinh sợ thầy cô giáo, thầy cô dùng hình phạt, học sinh chán học. Bạo lực học đường cũng chiếm tỷ lệ khá cao: bị bạn ức hiếp.

Theo Thại sĩ Võ Thị Tường Vy - Đại học Sư phạm TPHCM, có một vòng luẩn quẩn nữa trong bạo lực tại nhà trường. Đó là giáo viên đối mặt nhiều chuyện bực bội, đem đổ lên đầu học trò. Học trò cũng gặp nhiều chuyện từ gia đình, bạn và quay lại xù lông với giáo viên.

Theo bà, những lời nói thiếu thiện chí, xé sách, bỏ mặc học trò, phạt học trò… là nguyên nhân gây ra những tổn thương cho học sinh. Trong số đó, việc đuổi học là hình thức làm tổn thương nặng nhất.

Bà Nguyễn Thị Kim Bắc - Trung tâm Tư vấn FDC, TPHCM cho hay, một trong những nguyên nhân rất quan trọng của việc bạo hành trẻ em hiện nay là người ta vẫn đang hiểu sai, hiểu lệch, dẫn đến lạm dụng, biến tướng một quan điểm, một phương pháp giáo dục truyền thống: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.

Nghĩa của nó đúng ra là không nuông chiều quá đáng mà là quan tâm sâu sát, tôn trọng và tin cậy.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM - cho rằng, ở thời nào, đất nước nào cũng có những người hiểu sai lệch ý nghĩa của “yêu cho roi cho vọt”.

So với thời phong kiến, nạn bạo hành trẻ em ngày nay không tàn bạo bằng nhưng, so với xã hội văn minh, nạn bạo hành trẻ em ở Việt Nam còn mang đậm nét tàn bạo từ thời phong kiến.

Ông Nguyễn Minh An - Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho biết, rất nhiều biện pháp phòng chống hiện nay đều chưa hiệu quả. Tuy có luật quy định nhưng trên thực tế hầu như không có mấy trường hợp đánh đập trẻ em bị xử phạt.

Phần lớn vụ ngược đãi hành hạ trẻ em diễn ra gần như công khai nhưng hầu như không ai lên tiếng.

Một khía cạnh khác là bạo hành trong gia đình, nhà trường đã dẫn đến việc ứng xử của trẻ em cũng đầy bạo lực và trở nên sa sút về đạo đức.

MỚI - NÓNG