Thái Bình: Nhiều thiếu sót trong tố tụng

Thái Bình: Nhiều thiếu sót trong tố tụng
TP - Vừa qua, một số vụ án dân sự và hình sự tuy đã được xét xử tại 2 cấp Tòa Sơ thẩm và Phúc thẩm ở Thái Bình, nhưng đều có khiếu nại lên Tòa Tối cao.

Kết quả thật bất ngờ, có đến hàng chục vụ án sau khi được chuyển lên Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) xét xử cuối năm 2005 đã bị cấp này tuyên hủy bản án của cấp sơ thẩm và yêu cầu điều tra lại từ đầu, hoặc tuyên bị cáo vô tội.

Quýt làm, cam chịu

Vụ ông Lương Ngọc Phi - Giám đốc Cty TNHH Hòa Bình - yêu cầu TAND Thái Bình bồi thường thiệt hại vì bị xử oan sai với số tiền 18,5 tỷ đồng theo tinh thần của Nghị quyết 388 đang tạo sự quan tâm của dư luận trong tỉnh.

Là một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, dám đầu tư vào lĩnh vực có nhiều rủi ro là nông nghiệp, ông Phi đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn hộ nông dân trong tỉnh.

Trong quá trình hoạt động, do bị một số đối tác chậm thanh toán nên Cty TNHH  Hòa Bình có phát sinh nợ quá hạn 4 tỷ đồng tại Ngân hàng Công thương Thái Bình.

Tuy nhiên tài sản của Cty TNHH Hòa Bình vẫn còn lớn hơn số nợ, mọi hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường và chưa mất khả năng thanh toán, nhưng Công an Thái Bình đã khởi tố với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” và “Trốn thuế”.

Trong khi vụ án đang trong quá trình điều tra thì công an đã kê biên tài sản, bán các lô hàng nông sản xuất khẩu (trị giá trên 3,4 tỷ đồng) với mức 328 triệu đồng; chiếc ô tô mới mua 25.000 USD bị đem bán 120 triệu đồng.

Ngày 29/9/1999, TAND tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt ông Phi 17 năm tù về 2 tội danh nêu trên, buộc ông Phi phải nộp 475 triệu đồng tiền trốn thuế.

Tháng 4/2000, Tòa Phúc thẩm TANDTC đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Hội đồng Xét xử đã khẳng định: Việc ông Phi chưa trả tiền cho Nhà nước do các nguyên nhân khách quan là có thật và chính đáng.

Do đó, hành vi này của ông Phi không cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Số tiền nợ ngân hàng ông phải có trách nhiệm thanh toán, nhưng đó chỉ là trách nhiệm dân sự.

Về tội “Trốn thuế”, TANDTC đã trả hồ sơ về TAND tỉnh Thái Bình để “giải quyết lại từ giai đoạn điều tra”. Thế nhưng để chờ được điều này ông Phi đã phải ngồi tù oan 35 tháng và mất hết tài sản…

Vụ việc nhỏ - án tuyên khó

Vụ thứ hai đang nổi cộm là vụ tranh chấp 156 m2 đất giữa ông Vũ Quang Tinh – nguyên quán thôn Phương La (Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình) và dòng họ Đinh sở tại. Sự việc sẽ trở nên đơn giản nếu không có những phán quyết khó hiểu của các vị “cầm cân, nảy mực”.

Vụ việc như sau: Từ các chứng cứ là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ trích lục mới nhất số 320 lập năm 1992 và bản đồ số 299 cũ nhất được lập năm 1986, cũng như căn cứ theo nguồn gốc lịch sử đã khẳng định khu đất này là của cụ Uyển (bố ông Tinh) đã sống 92 năm trên mảnh đất này.

Trong khi đó cơ sở pháp lý phía họ Đinh đưa ra chỉ là một số nhân chứng cho rằng: Phía trước khu đền có một khoảng đất rộng, nhưng rộng bao nhiêu, mốc giới đến đâu… thì lại không biết.

Thế là TAND huyện Hưng Hà quay sang chứng minh theo cái lý “Đền thì phải có sân”. Mặc dù đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị HĐXX công nhận quyền sử dụng hợp pháp thửa đất 156 m2 là của cụ Uyển, nhưng HĐXX lại cho rằng “đề nghị của VKS chỉ căn cứ vào thủ tục hành chính pháp lý mà không căn cứ vào nguồn gốc lịch sử của thửa đất vì vậy không có căn cứ để chấp nhận”.

Từ những lập luận này HĐXX đã công nhận thửa đất này thuộc quyền sử dụng của ngôi đền họ Đinh.

Viện KSND huyện Hưng Hà đã kháng nghị bản án trên, đề nghị TAND tỉnh Thái Bình đưa ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm theo hướng bác đơn yêu cầu của họ Đinh đòi quyền sử dụng đất 156 m2 mang tên cụ Uyển.

TAND tỉnh Thái Bình đã đưa ra xét xử vụ án tranh chấp trên và sửa một phần rất nhỏ trong án sơ thẩm đó là họ Đinh có trách nhiệm thanh toán cho ông Vũ Quang Tinh số tiền 13.790.000 đồng.

Tuy nhiên, bản án này đã bị TANDTC tuyên hủy vì qua 2 cấp xét xử đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Mảnh đất trên mang tên cụ Uyển, nhưng khi xét xử không đưa những người con của cụ tham gia tố tụng là thiếu sót.

Sau nhiều lần tạm hoãn, ngày 21/7/2005, TAND tỉnh Thái Bình đưa vụ án ra xử, buộc ông Vũ Quang Tinh phải trả lại cho họ Đinh 42 m2 đất trước cửa đền.

Thế nhưng theo kết quả xác minh ngày 29/10/2005 của luật sư bảo vệ  quyền lợi cho ông Tinh với chính quyền xã Thái Phương thì trong phần đất 42 m2 có đến 22,4 m2 đất nằm trong diện tích 156 m2 mang tên cụ Vũ Văn Uyển đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Số đất còn lại là 19,6 m2 lại nằm trong diện tích 285 m2 mang tên ông Trần Văn Đấu cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 28/12/2005, tại trụ sở TAND tỉnh Thái Bình, TANDTC đưa vụ án ra xét xử và tuyên hủy án sơ thẩm mà TAND Thái Bình đã tuyên trước đó, trả lại hồ sơ cho Tòa sơ thẩm điều tra lại từ đầu.

Theo lập luận và đánh giá của HĐXX TANDTC: Trong tổng số 42 m2 đất mà Tòa sơ thẩm buộc ông Tinh phải trả cho họ Đinh có 19,6 m2 của ông Trần Văn Đấu, nhưng TAND Thái Bình không đưa ông Đấu tham gia tố tụng là một thiếu sót.

Hơn nữa, tại phiên tòa cả nguyên đơn và bị đơn đều có chung ý kiến đề nghị TANDTC hủy kết quả bản án của Tòa sơ thẩm.

Từ những thiếu sót của Tòa án các cấp ở Thái Bình đã đặt ra vấn đề năng lực chuyên môn, cũng như cái tâm của các thẩm phán còn nhiều điều đáng lo ngại.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.