Sắp xét xử phúc thẩm vụ “Thai nhi bị chết tại Bệnh viện phụ sản Quốc tế Sài Gòn”:

Thai nhi bị chết vì bác sĩ cho uống sai thuốc?

Thai nhi bị chết vì bác sĩ cho uống sai thuốc?
Ngày 25/3/2005 tới, TAND TPHCM sẽ đưa vụ “thai nhi bị chết tại Bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn - BVPSQTSG” ra xét xử phúc thẩm. Sau gần 3 năm, vụ kiện vẫn chưa kết thúc do sự … lòng vòng của cơ quan chức năng!

Lúc 11 giờ 25 phút, ngày 26/11/2002, chị Nguyễn Thị Thơ (ngụ phường 1, quận Tân Bình, TPHCM) mang thai 22 tuần tuổi vào BVPSQTSG vì những cơn đau ở vùng bụng dưới, do bị hở ngoài cổ tử cung.  Sau khi thăm khám, bác sĩ Nguyễn Anh Danh đã khâu eo cổ tử cung cho bệnh nhân, lúc 13 giờ 30 phút, đồng thời dùng thuốc Salbutamol và tiêm Spasfon theo đường tĩnh  mạch nhằm giảm cơn co tử cung. Lúc này, tình trạng tim thai vẫn bình thường.

Tuy nhiên, 30 phút sau, qua monitor theo dõi, người ta phát hiện bà Thơ có triệu chứng thai gò. Trong 10 phút bệnh nhân có đến 4 cơn co mạnh, đe dọa sẩy thai. Trong tình huống này, nếu không cắt cơn kịp, bệnh nhân có thể sẽ dẫn đến suy thai, thai chết, rách cổ tử cung, gây nguy hiểm cho tính mạng của chị Thơ.

Bấy giờ,  bác sĩ Phạm Thành Đức – Phó Giám đốc (GĐ) BVPSQTSG, đã kê toa cho chị Thơ ngậm hết 4 viên Adalate. Khi ngậm đến viên thứ 2, chị Thơ cảm thấy khó chịu nên xin không ngậm nhưng y tá không đồng ý và chị phải tiếp tục ngậm hết viên thứ 4. Quả nhiên, cơn co thắt giảm dần nhưng hậu quả đã xảy ra, tim thai cũng ngừng đập!

Quá đau đớn trước niềm hy vọng tìm kiếm đứa con cho mình, chị Thơ và gia đình cho rằng,  bác sĩ Đức đã cho bệnh nhân sử dụng thuốc Adalate có hàm lượng Nifedipine – thuốc độc nhóm B, chỉ điều trị bệnh cao huyết áp và tim mạch, chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và cho con bú, bất chấp khuyến cáo của nhà sản xuất, dẫn đến cái chết thai nhi.

Chị Thơ làm đơn khởi kiện BVPSQTSG ra toà án. ở cấp sơ thẩm (TAND quận 1, TPHCM), đã tuyên bác đơn kiện của chị Thơ và kết luận thuốc Adalate không là nguyên nhân gây ra cái chết của thai nhi. Tuy nhiên, có nhiều căn cứ cho thấy, phán quyết ở cấp sơ thẩm là không thuyết phục bởi những điều viện dẫn chỉ căn cứ vào những tài liệu có tính chất tham khảo, không có giá trị pháp lý!

Bộ y tế… tự mâu thuẫn?

Trong lúc thụ lý hồ sơ, cấp phúc thẩm – TAND TPHCM, đã yêu cầu Bộ Y tế có kết luận cụ thể vụ việc.  Thế nhưng, phúc đáp văn bản này, Bộ Y tế chỉ trả lời một cách lòng vòng, khó hiểu: “Do không mổ xác thai nhi nên không xác định được nguyên nhân chết của thai nhi. Nên không có cơ sở khoa học kết luận thai nhi chết là do hậu quả sử dụng Nifedipine (Adalate)…Thuốc Adalate từng được nhiều công trình trên thế giới nghiên cứu trong điều trị dọa sinh non…”.

Ngày 18/10/2004, Bộ Y tế lại khẳng định: “Việc sử dụng Adalate trong điều trị dọa sinh non cho bà Nguyễn Thị Thơ tại BVPSQTSG là đúng và có đầy đủ các cơ sở khoa học... Bộ Y tế không có quy định cấm sử dụng Adalate trong điều trị dọa sinh non” (?!). Tuy nhiên điều này lại mâu thuẫn, bởi chính tài liệu “Hướng dẫn chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” (HDCQG) được Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 3367/QĐ-BYT, ngày 12/9/2002. Tại phần hướng dẫn điều trị “dọa đẻ non”, chỉ cho phép bác sĩ dùng thuốc Salbutamol cho bệnh nhân “ngậm viên 2mg (ngày 2 viên) hoặc Papaverine 40-80mg tiêm bắp hàng ngày”..., hoàn toàn không có quy định nào cho phép sử dụng thuốc Adalate.

Thuốc Nifedipine được HDCQG cho phép sử dụng điều trị khi sản phụ lâm vào trường hợp “Tiền sản giật” (trường hợp bà Nguyễn Thị Thơ bị “dọa đẻ non”, không phải “tiền sản giật”). Mới đây nhất, ngày 24/1/2005, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 03/2005/QĐ-BYT ban hành “Danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu tại các cơ sở khám chữa bệnh”. Trong đó, thuốc Nifedipine được  chỉ định trong phần danh mục thuốc điều trị tăng huyết áp (số thứ tự 350) và thuốc này tuyệt nhiên không có trong phần được chỉ định dùng để điều trị …. chống đẻ non (số thứ tự 601-604).

Vấn đề đến đây coi như đã tỏ. Tuy nhiên, việc bác sĩ Phạm Thành Đức – Phó GĐ BVPSQTSG có tự ý cho bệnh nhân ngậm Adalate, dẫn đến thai nhi bị tử vong hay không? Nó không còn là vấn đề đạo đức mà  còn mang một ý nghĩa pháp lý cực kỳ quan trọng trong phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 25/3/2005.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.