Thấy gì qua kết luận điều tra bổ sung lần hai?

Thấy gì qua kết luận điều tra bổ sung lần hai?
TP - Ngày 20/5/2008, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C17) đã có Bản kết luận điều tra bổ sung lần hai về vụ án “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý” liên quan đến vũ trường New Century.

Điều dễ nhận thấy là nhiều yêu cầu đặt ra từ cơ quan công tố và từ các cơ quan công luận đã không được giải quyết thỏa đáng...

Không rõ được ý thức chủ quan của Nguyễn Đại Dương!

Ý thức chủ quan của chủ vũ trường Nguyễn Đại Dương trong việc để lọt một số đối tượng sử dụng ma tuý trong vũ trường New Century (NC) là đề tài được hàng loạt tờ báo nói đến trong thời gian qua.

Làm rõ được vấn đề này mới có căn cứ chắc chắn để kết luận: Nguyễn Đại Dương phạm tội hay không phạm tội “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý”?

Trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung lần hai, Viện KSNDTC nhấn mạnh: “Đây là vấn đề rất quan trọng, đề nghị CQĐT cần phải làm rõ. Nội dung này đã được Viện KSNDTC yêu cầu tại Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung lần một (21/12/2007), nhưng Bản Kết luận điều tra bổ sung (KLĐTBS) lần một vẫn chưa làm rõ”.

Bản KLĐTBS lần hai đã trích dẫn một số lời khai của các đối tượng từng thừa nhận có sử dụng thuốc lắc, những lời khai này cho rằng việc sử dụng thuốc lắc trong vũ trường NC “không ai nhắc nhở, ngăn cản”, “nếu nhắc thì sợ mất khách”, “rất an toàn do không bị cơ quan chức năng kiểm tra”...

Ngoài những lời khai đầy cảm tính (thực ra không mới, vì chúng đã có trong hồ sơ trước khi Viện KSNDTC yêu cầu điều tra bổ sung), Bản KLĐTBS lần hai không đưa ra được tài liệu cụ thể nào để chứng minh ý thức chủ quan của Nguyễn Đại Dương “biết nhưng làm ngơ” cho các đối tượng ma túy.

Đặc biệt, Bản KLĐTBS lần hai không chỉ ra được trong các bảo vệ, nhân viên phục vụ của vũ trường, ai là người đồng phạm với Dương trong việc “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”.

Dễ nhận thấy cũng giống như Bản KLĐTBS lần một, Bản KLĐTBS lần hai không thực hiện được yêu cầu đặt ra từ cơ quan công tố. Sau khi được nhận Bản KLĐTBS lần hai, bị can Nguyễn Đại Dương tiếp tục có đơn kêu oan.

Bị can này cho rằng khi ông ta đã đề ra các quy định công khai thưởng phạt đối với tất cả nhân viên trong việc phòng chống ma tuý, và thực tế vũ trường NC đã thực hiện tốt việc thưởng phạt đó trong nhiều năm qua, thì dù có muốn, chủ vũ trường cũng không thể thực hiện được hành vi “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý” mà không cần đến bất cứ đồng phạm nào khác.

Nguyễn Đại Dương lập luận: giả sử Dương muốn “làm ngơ” cho nhóm khách nào đó sử dụng ma tuý trong vũ trường, nhưng không cho các nhân viên biết đó là “người của chủ vũ trường”; khi đó các nhân viên vũ trường vẫn sẽ bắt giữ những vị khách này - đơn giản là để được lĩnh thưởng, và như thế thì việc “làm ngơ” của Dương không thể đạt được kết quả!

Về hai nhân viên vũ trường có đơn kêu oan

Tiền phong đã nêu việc hai nhân viên của vũ trường NC bị bắt giữ nhiều ngày, rồi được tạm tha và không được nêu trong Kết luận điều tra. Trong Bản KLĐTBS lần hai, CQĐT đã nói tới hai trường hợp này.

Về thủ quỹ vũ trường Nguyễn Lý Hương, Bản KLĐTBS lần hai viết: “CQĐT thấy Hương có dấu hiệu đồng phạm trong việc tẩu tán tài sản, tài liệu, vật chứng vụ án, nên đã ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp”;

 “Quá trình đấu tranh từ 22/5 đến 31/5/2007, Hương khai: Ngày 26/4/2007, trước khi nghỉ để xây dựng gia đình, trong két sắt của Hương còn khoảng 90 triệu đồng.

Hương đã giao số tiền này cho Vũ Nam Sơn, nên két sắt không còn tiền, còn Hương không biết gì về việc tẩu tán tài sản, tài liệu tại phòng kế toán của vũ trường”.

Về thủ kho vũ trường Vũ Nam Sơn, Bản KLĐTBS lần hai viết: “Ngày 31/5/2007, CQĐT triệu tập Sơn, Sơn khai: Chiều 26/4/2007, Hương có đưa cho 100 triệu đồng.

Số tiền này Sơn tự chi cho anh Cường bộ phận biên tập vũ trường 20 triệu đồng, còn 80 triệu đồng Sơn luôn mang theo người, hiện đang để ở cốp xe máy. Việc Sơn nhận tiền của Hương, Sơn không báo cho Phùng Lam Sơn và Trần Quốc Minh là hai người quản lý vũ trường biết. CQĐT đã yêu cầu Sơn nộp số tiền trên cho CQĐT chờ xử lý”;

“Quá trình khai báo thấy Sơn có biểu hiện gian dối, cản trở cho việc thu thập chứng cứ, truy tìm hai máy vi tính của phòng kế toán của vũ trường bị tẩu tán. Ngày 31/5/2007, CQĐT đã ra lệnh bắt khẩn cấp Vũ Nam Sơn về hành vi khai báo gian dối”.

Bản KLĐTBS lần hai viết tiếp “không phát hiện được đầu mối ai đã tẩu tán tài liệu, chứng từ, hai đầu máy CPU quản lý toàn bộ kinh doanh của vũ trường, chưa đủ căn cứ để khởi tố bị can đối với Nguyễn Lý Hương và Vũ Nam Sơn”.

Như vậy, việc bắt giữ Nguyễn Lý Hương và Vũ Nam Sơn là do CQĐT nghi ngờ họ có hành vi “tẩu tán tài sản, tài liệu, vật chứng của vụ án”.

Tuy nhiên, phân tích kỹ sẽ thấy lý do này hoàn toàn không thoả đáng, bởi Hương giao tiền cho Sơn nhiều ngày trước khi CQĐT khám xét vũ trường NC, nên hành vi của họ không thể là “tẩu tán tài sản” để đối phó với CQĐT (và vì vậy việc thu giữ 80 triệu đồng của họ là không có cơ sở, chưa nói số tiền này cần phải được đưa vào tài khoản tạm giữ, và phải nêu rõ hướng xử lý trong Kết luận điều tra).

Hương và Sơn cũng không phải nhân viên bộ phận kế toán, không được giao quản lý sổ sách chứng từ, nên việc cho rằng họ “tẩu tán tài liệu, vật chứng của phòng kế toán” là không có cơ sở, nếu không có các bằng chứng chắc chắn.

Việc bắt giữ các đối tượng tình nghi Nguyễn Lý Hương và Vũ Nam Sơn đã khiến nhiều người không khỏi e ngại, vì nhận thấy các quyết định của CQĐT trong vụ án được dư luận và công luận đặc biệt quan tâm này có gì đó quá vội vàng, nặng về cảm tính, thiếu các chứng cứ pháp lý chắc chắn.

 Tổ PV ANQP

MỚI - NÓNG