Thêm một Vụ phó Thanh tra Chính phủ bị bắt giam

Thêm một Vụ phó Thanh tra Chính phủ bị bắt giam
TP - Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Bùi Xuân Bảy - nguyên Vụ phó Vụ Thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế tổng hợp của Thanh tra Chính phủ.
Thêm một Vụ phó Thanh tra Chính phủ bị bắt giam ảnh 1
Ông Bùi Xuân Bảy

Tương tự Vụ phó Vụ 2 Lương Cao Khải và Vụ phó Vụ 4 Dương Văn Lực bị bắt trước đó, ông Bảy bị khởi tố về tội “Lợi dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 281 Bộ luật Hình sự.

Lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi làm việc ông Bảy được Cơ quan ANĐT tiến hành đồng loạt vào lúc 11h trưa 21/2, trước sự chứng kiến của ông Bảy và đại diện cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Ngay sau đó, bị can Bùi Xuân Bảy được dẫn giải về Trại tạm giam B14 Bộ Công an.

Cùng thời gian này, một tổ công tác khác của cơ quan ANĐT đồng thời tiến hành khám xét khẩn cấp nhà riêng của ông Bảy, tại số 18 ngõ 161 ngõ Hoa Bằng, tổ 29 phường Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội. Việc khám xét diễn ra dưới sự chứng kiến của vợ, hai con trai và con dâu ông Bảy.

Sau hơn 1 giờ khám xét, Cơ quan ANĐT đã thu giữ tại nhà riêng ông Bảy 107 đầu tài liệu, gồm một số báo cáo thanh tra, tài liệu, sổ sách và một số văn bản viết tay...

Theo phản ánh của một số người dân phường Yên Hoà, ngôi nhà này gia đình ông Bảy mới mua khoảng tháng 8/2004. CA phường Yên Hoà xác nhận gia đình ông Bảy mới chuyển về đây sinh sống được gần một năm.

Trước đó, ông Bảy trú tại phòng 304 B1 khu tập thể Dầu khí, phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội. Một số người cho biết, ngôi nhà này là cơ quan cũ phân cho ông Bảy vì ông Bảy và vợ trước đây đều công tác trong ngành dầu khí.

Có điều trùng hợp là, cũng như các bị can Lương Cao Khải và Dương Văn Lực đã bị bắt trước đây, sai phạm của ông Bảy cũng nằm trong việc thanh tra các dự án trong ngành dầu khí.

Cùng ngày, Bí thư Đảng ủy cơ quan Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình đã ký Quyết định số 07, đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với đảng viên Bùi Xuân Bảy. Tổng thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh cũng ký Quyết định số 426, tạm đình chỉ công tác với ông Bảy.

Trao đổi với PV, ông Quách Lê Thanh cho biết, trước đó Tổng thanh tra Chính phủ đã gọi ông Bảy lên làm việc, song ông Bảy đã tỏ ý phản đối và không chịu thừa nhận có sai phạm.

Cơ quan ANĐT cũng đã từng triệu tập ông Bảy đến làm việc, song ông Bảy đã thiếu thành khẩn và tỏ thái độ bất hợp tác.

Sai phạm của ông Bảy chủ yếu ở quá trình thanh tra dự án “tuyến ống, kho cảng LPG Thị Vải”, do Tổng Cty Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Đây là một trong 4 dự án mà bị can Lương Cao Khải làm Trưởng đoàn Thanh tra.

Ban đầu, đoàn thanh tra đã kiến nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Bì Văn Tứ, Phó Giám đốc Cty PVGAS, kiêm Phó Giám đốc Ban quản lý dự án “tuyến ống, kho cảng”, và ông Đậu Hồng Lạc, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án.

Đoàn thanh tra cũng kiến nghị chuyển hồ sơ hai vụ việc làm trái qui định pháp luật về nhận thầu và quản lý kinh tế đối với hai doanh nghiệp khác sang cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, sau khi công bố bản dự thảo cho đơn vị bị thanh tra, Petro VN đã có kiến nghị giải trình, đề nghị không chuyển hồ sơ xử lý ở mức truy cứu trách nhiệm hình sự các cá nhân trên, đồng thời đề nghị làm việc lại với đoàn thanh tra trước khi xem xét xử lý kỷ luật các đơn vị thành viên tham gia dự án.

Trên thực tế, bản dự thảo kết luận trên đã được ông Bùi Xuân Bảy với tư cách Phó đoàn Thanh tra, sửa chữa lại, gạch bỏ nội dung đề nghị xử lý hình sự đối với các ông Bì Văn Tứ, Đậu Hồng Lạc, gạch bỏ kiến nghị chuyển hồ sơ về 2 doanh nghiệp sang cơ quan CA.

Các nội dung trên đều được ông Trần Quốc Trượng (Phó Tổng Thanh tra) thông qua bằng bút phê. Bản kết luận thanh tra cuối cùng do Trưởng đoàn Lương Cao Khải ký cũng chấp nhận theo hướng xử lý này, đồng thời giảm số tiền phải thu về ngân sách còn 134,8 tỷ đồng, số tiền phải xuất toán còn 8,2 triệu đồng (trong dự thảo ban đầu, hai con số này là 135,6 tỷ đồng và 13,3 tỷ đồng).

Theo thông tin ban đầu, ông Bùi Xuân Bảy đã hưởng lợi 27 triệu đồng từ đối tượng bị thanh tra trong vụ việc này.

Liên quan đến vụ việc, một nguồn tin cũng cho biết, nguyên Trưởng đoàn thanh tra Lương Cao Khải trước khi bị bắt đã giao nộp số tiền 110 triệu đồng được hưởng lợi từ đối tượng thanh tra cho lãnh đạo cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Số tiền này sau đó đã được lập biên bản giao nộp cho cơ quan điều tra vào khoảng tháng 10/2005.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình:

Người ký kết luận thanh tra sẽ bị liên đới trách nhiệm

Thêm một Vụ phó Thanh tra Chính phủ bị bắt giam ảnh 2
Ông Mai Quốc Bình
Trao đổi với báo chí, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình nói: “Theo tôi, những người vi phạm chỉ là cá biệt. Tuy nhiên, ngành thanh tra cũng cần phải suy ngẫm, phải xây dựng đội ngũ mạnh mẽ về chuyên môn, có “sức đề kháng” để vượt qua những khó khăn, cám dỗ và hoàn thành tốt công việc”.

Nói riêng ở cơ quan Thanh tra Chính phủ, qua những vụ tiêu cực trên, trách nhiệm của người đứng đầu như thế nào, thưa ông?

Việc này cần phải được căn cứ trên kết luận của cơ quan điều tra. Theo tôi, nếu đoàn thanh tra hoàn thành tốt công việc, lãnh đạo đoàn hoàn thiện một bản báo cáo tốt, thì lãnh đạo ngành ký kết luận sẽ tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu kết luận không chuẩn mà lãnh đạo ký thì chắc chắn sẽ bị liên đới trách nhiệm...

Vậy Thanh tra Chính phủ đã kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chưa, thưa ông?

Đương nhiên sẽ có sự kiểm điểm, ai liên đới trách nhiệm sẽ phải kiểm điểm một cách nghiêm túc. Sự việc cũng là cơ hội để ngành thanh tra củng cố lại toàn ngành, phát huy tinh thần làm việc để xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh...

Xin cảm ơn ông! 

MỚI - NÓNG