Thi hành án dân sự: Còn trên 83.000 tỷ đồng chưa thu hồi

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh Việt Văn.
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh Việt Văn.
TPO - Từ đầu năm 2017 đến nay, thi hành án dân sự đã thu hồi trên 30.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, số tiền và tiền có điều kiện thi hành án nhưng chưa thi hành xong, phải chuyển sang kỳ sau còn trên 83.000 tỷ đồng.

Ngày 24/7, tại TPHCM, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả thi hành án để cải thiện môi trường kinh doanh”.

Xác minh tài sản gặp khó

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp cụ thể giúp nâng cao hiệu quả thi hành án, góp phần rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng và giải quyết phá sản.

Ông Hồ Quân Chính, Phó Phòng nghiệp vụ 1 (Cục Thi hành án dân sự TPHCM) nói rằng, một trong những lý do thi hành án gặp nhiều khó khăn đó là việc xác minh tài sản để thi hành án. Bởi hiện nay cơ chế quản lý tài sản chưa công khai, minh bạch các nguồn thu nhập, tài sản của người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, thủ tục niêm yết, kê biên tài sản rườm rà, phức tạp dẫn đến kéo dài thời gian. Nhất là trong các vụ việc liên quan đến bất động sản của người phải thi hành án được chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp hoặc cho người khác thuê trước khi bản án có hiệu lực dẫn đến khó khăn trong việc kê biên, xử lý tài sản.

“Để xử lý xong một tài sản, chấp hành viên phải thông báo, niêm yết các văn bản không dưới 30 lần”, ông Chính cho biết.

Luật sư Nguyễn Chính (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng hiện nay người được thi hành án đi xác minh tài sản của người phải thi hành án là rất khó khăn. Nếu phía cơ quan thi hành án trực tiếp xác minh tài sản thì việc thi hành án thuận lợi và nhanh hơn.

Ngoài ra, ông Trần Hồng Quang, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hải Phòng cho rằng hiện này còn quá nhiều thủ tục rườm rà áp dụng cho người phải thi hành án.

Nêu thực trạng về vấn đề thi hành án, ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được thì thi hành án dân sự còn nhiều mặt hạn chế, khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm 2017, số tiền và tiền có điều kiện thi hành án nhưng chuyển sang kỳ sau còn trên 210.000 vụ việc (tương ứng 83.000 tỷ đồng), tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2016 (tăng trên 45%).

Sự kéo dài trì hoãn trong việc thi hành án dẫn đến thứ hạng còn thấp trong xếp hạng tín nhiệm của các nền kinh tế thế giới. Thứ hạng của Việt Nam trong khối Asean (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) còn khiêm tốn, chỉ xếp 6/10 về thời gian thi hành án và 8/10 về phá sản doanh nghiệp.  Hiện Việt Nam xếp hạng 69 và 125 trong các chỉ số lần lượt là “Thực thi hợp đồng” và “Giải quyết phá sản”.

“Để cải thiện thứ hạng cũng như môi trường kinh doanh, Nghị quyết 19/2017 của Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan phải rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng từ 400 ngày xuống còn 300 ngày trong năm 2017 và xuống 200 ngày vào năm 2020. Rút ngắn thời gian giải quyết phá sản từ 60 tháng xuống dưới 30 tháng trong năm 2017 và xuống dưới 24 tháng vào năm 2020”, ông Lực cho biết.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, kết quả thi hành án dân sự trên toàn quốc tăng so với cùng kỳ năm 2016 cả về số vụ việc và tiền (tăng 2.2% về số vụ việc và 9,86% về tiền thi hành án), đã giải phóng được trên 30.000 tỷ đồng cho nền kinh tế.

Đặc biệt trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, nữa năm 2017 đã thi hành án xong trên 10.000 tỷ đồng chỉ góp phần tích cực xử lý nợ xấu qua đó góp phần làm lạnh mạnh hóa nền kinh tế, giải lãi suất cho vay, khơi thông nền kinh tế. 

MỚI - NÓNG