Thiếu hiểu biết hay coi thường chính quyền?

Thiếu hiểu biết hay coi thường chính quyền?
TP - Khi xảy ra tranh chấp đất đai trong dân, chính quyền cấp cơ sở lập biên bản, yêu cầu các bên liên quan giữ nguyên hiện trạng tài sản tranh chấp, chờ phán quyết của cơ quan có thẩm quyền. Nhiều người dân không chấp hành yêu cầu này, khiến tranh chấp kéo dài, uy tín của chính quyền giảm sút.

> Ba lần bị cưỡng chế dỡ nhà oan, đã thấy công lý
> Tranh chấp đất đai, bổ cuốc vào đầu hàng xóm

Công an vào cuộc, vẫn vi phạm tiếp

Ông Nguyễn Thanh Th. trú tại Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội, nhà bốn anh em trai. Năm 1994, bố mẹ ông Th. chia cho ông Th. và ba người em mỗi người một thửa đất. Gia đình lập biên bản, vẽ sơ đồ, đăng ký với chính quyền địa phương. Trên thực địa có xây tường ngăn cách, có cổng đi riêng. Căn cứ vào đó, chính quyền địa phương lập bản đồ đánh số bốn thửa đất đứng tên bốn hộ khác nhau, thu thuế theo diện tích từng hộ.

Mới đây, nhà nước xây khu đô thị sát nhà ông Th., thửa đất của ông đang từ trong cùng trở thành mặt đường. Thế là phát sinh tranh chấp! Ba người em ông Th. thuê người đổ đất, lấp béng cái ao 300m2 của ông Th. và chiếm giữ luôn. Ông Th. làm đơn kêu cứu. Xã cho người đến lập biên bản, yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng, rồi tổ chức hòa giải. Do hòa giải không thành, xã chuyển hồ sơ lên huyện đề nghị tiếp tục xử lý.

Các em ông Th. không chịu “giữ nguyên hiện trạng”, cho đóng cọc chăng lưới thép khoanh giữ thửa đất tranh chấp. Ông Th. làm đơn ra Công an huyện, tố cáo bị mất toàn bộ cá trong ao, một số cây lâu năm cũng bị hủy hoại.

Trong lúc Công an huyện gọi đôi bên lấy lời khai, tranh thủ dịp nghỉ lễ, các em ông Th. gọi thợ dựng thêm cái nhà tạm. Ông Th. tuyên bố nếu xây sẽ có đổ máu, nhóm thợ thấy căng thẳng bèn rút lui. Hiện tại gia đình ông Th. sống trong tình trạng phấp phỏng, đêm đêm thường có trận mưa “vật thể lạ” dội vào nhà.

Cán bộ phường cũng vi phạm

Một sự việc khác cũng được bạn đọc phản ánh tới Tiền Phong. Đó là vụ tranh chấp giữa hộ ông Chu Đình P. và hộ bà Lê Thị Tuyết M., ở phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh. Diện tích đất tranh chấp không lớn, tuy nhiên nhận được đơn của ông P., chính quyền phường Quang Hanh kịp thời cử cán bộ đến hiện trường lập biên bản, yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng.

Dễ nhận thấy trong hai vụ việc trên, các bên tranh chấp không chỉ không tôn trọng nhau, mà một số người trong họ còn không tôn trọng chính quyền. Thái độ coi thường pháp luật, coi thường chính quyền kiểu đó khiến việc giải quyết tranh chấp bị kéo dài, gây bất bình cho người dân địa phương, ảnh hưởng uy tín của chính quyền cơ sở.

Tương tự vụ việc nêu trên, sau khi chính quyền yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, bà M. không chấp hành, mà lợi dụng ngày nghỉ cho người xây bờ tường quây lấy phần đất đang có tranh chấp. Gia đình ông P. lại làm đơn kêu cứu, lần này gửi đi khắp nơi.

Trong vụ việc này, điều đáng buồn và đáng trách, bà M. là người đã tốt nghiệp đại học luật, từng là luật sư; thời điểm xảy ra tranh chấp, bà M. đang là cán bộ tư pháp phường Quang Hanh!

UBND phường Quang Hanh không bênh bà M., bước đầu ra văn bản trả lời ông P., nhận định việc ông tố cáo bị lấn chiếm đất là có căn cứ, yêu cầu bà M. “tự tháo dỡ phần đã xây dựng, trả lại nguyên trạng ban đầu”. Do ông P. ghi âm được những lời lẽ tục tằn của bà M. gửi cho phường, văn bản của phường còn yêu cầu bà M. “không được có những lời nói, hành động gây mất an ninh trật tự, mất văn minh nơi khu phố, tổ dân”.

Đừng để cái sảy nẩy cái ung!

Những vụ việc trên đây đang bị đẩy đi xa, trong khi chúng có thể và rất nên phải dừng lại ở mức hòa giải dân sự. Vụ việc của ông Th. ở Thanh Trì - Hà Nội, theo đơn của ông Th., số tài sản của gia đình ông bị hủy hoại lên tới hơn 50 triệu đồng. Nếu qua xác minh thấy việc phá hủy tài sản là có căn cứ, rất có thể vụ án hủy hoại tài sản sẽ được khởi tố.

Vụ việc của ông P. ở Cẩm Phả - Quảng Ninh, được biết đơn khiếu nại của ông P. đang được UBND TP Cẩm Phả thụ lý, cơ quan này đã cử cán bộ làm việc với ông P., và sẽ phối hợp với UBND phường Quang Hanh xử lý dứt điểm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG