“Chết oan” vì ma trận biển báo giao thông

Thiếu phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng

Taxi đỗ tại biển cấm đỗ cấm dừng
Taxi đỗ tại biển cấm đỗ cấm dừng
TP - Liên quan đến nhiều tấm biển báo giao thông không rõ ràng hoặc không đúng quy định khiến không ít người tham gia giao thông bị xử lý oan, theo tìm hiểu của PV, có sự thiếu hợp tác chặt chẽ của các đơn vị chức năng.

CSGT: Không được thông báo việc nhổ biển báo

Liên quan đến biển giao thông nửa vời tại ngã tư Trường Chinh – Tôn Thất Tùng nhưng CSGT vẫn xử lý người tham gia giao thông, ông Hoàng Văn Đạo, Đội trưởng CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an Hà Nội), hứa sẽ bồi thường cho những người tham gia giao thông bị xử phạt oan nếu họ có hồ sơ chứng minh được mình bị oan.

Trường hợp cán bộ CSGT nào xử lý oan cho người tham gia giao thông sẽ xử lý nghiêm. Ông Đạo cũng không biết cụ thể đơn vị thi công tại khu vực đã chuyển tấm biển cấm ô tô rẽ trái từ bao giờ, nhưng chỉ áng chừng khoảng một tuần nay, vì không nhận được thông báo từ đơn vị thi công cũng như Sở GTVT Hà Nội.

Đến nay, tại ngã tư Trường Chinh - Tôn Thất Tùng hướng ra Ngã Tư Sở chỉ còn lại tấm biển phụ hình chữ nhật với dòng chữ “Cấm ô tô rẽ trái”. Tấm biển trên không đủ cơ sở pháp lý để xử phạt người tham gia giao thông, nếu xảy ra ách tắc lực lượng CSGT chỉ nhắc nhở hướng dẫn để tránh mất an toàn cho người tham gia giao thông.

“Việc không nhận được thông báo di dời biển cấm ô tô rẽ trái đã gây khó khăn cho lực lượng CSGT hướng dẫn và xử lý phương tiện tham gia giao thông. Trong khi Đội CSGT số 3 có đến hơn 100 chiến sỹ rất khó kiểm soát khi thay ca giao ca làm việc tại ngã tư trên. Sau khi báo Tiền Phong phản ánh, chúng tôi đã nghiêm túc chấn chỉnh cán bộ và trực tiếp thông báo với cán bộ của mình là không xử lý người tham gia giao thông khi rẽ trái hướng Trường Chinh - Lê Trọng Tấn” - ông Đạo nói.

Sở GTVT: Trường hợp cá biệt

PV Tiền Phong đặt hàng loạt câu hỏi với lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, như việc biển cấm rẽ trái tại ngã tư Trường Chinh - Tôn Thất Tùng bị tháo dỡ từ khi nào, có thông báo cho lực lượng CSGT hay không? Hằng năm, Sở GTVT chi bao nhiêu tiền cho việc lắp mới, duy tu biển báo? Quá trình thanh kiểm tra phát hiện bao nhiêu biển báo không còn hiệu lực hoặc thiếu rõ ràng? Những trường hợp bị xử phạt oan do biển báo không rõ ràng ai sẽ chịu trách nhiệm?

Thiếu phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng ảnh 1

Ông Hoàng Văn Đạo, Đội trưởng Đội CSGT số 3

Trả lời Tiền Phong, Sở GTVT cho biết, Hà Nội có khoảng 34.000 biển báo (gồm biển cấm, biển cảnh báo, biển chỉ dẫn…) các loại; hệ thống sơn tổ chức giao thông 506.000m2.

Trong quá trình quản lý duy tu đường bộ, đội ngũ công nhân tuần đường đã thường xuyên rà soát, kiểm tra các sự cố trên đường (bao gồm các khu vực sụt lún, mất biển báo, biển báo nghiêng lệch,…) để thông báo với các đơn vị duy tu chuyên ngành tổ chức thay thế sửa chữa. Các biển báo giao thông được cắm theo các quyết định tổ chức giao thông liên ngành Sở GTVT và Công an TP Hà Nội phù hợp với hình thức tổ chức giao thông trên tuyến đường, nút giao thông.

Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, biển báo cấm ô tô rẽ trái tại nút Tôn Thất Tùng - Trường Chinh bị mất, là trường hợp cá biệt, do khu vực này có dự án đang thi công đó là dự án đường Vành đai II đoạn Ngã tư Sở - Ngã tư Vọng, chủ đầu tư là Ban QL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội. Trong bối cảnh vừa phải triển khai thi công, vừa phải điều tiết đảm bảo giao thông, đơn vị thi công đã tháo dỡ biển báo để triển khai thi công. Về việc này, Sở GTVT Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng thanh tra, Ban Quản lý dự án duy tu hạ tầng giao thông và Phòng Quản lý giao thông đô thị đã lập biên bản xử lý và đã tổ chức lắp đặt lại.

Theo quan sát của PV, tại tuyến đường Trần Quang Khải; Trần Hưng Đạo; Lý Thường Kiệt… hàng loạt tấm biển báo giao thông vừa cắm biển cấm đỗ vừa cắm biển làm chỗ đỗ xe bất hợp lý gây hoang mang cho người tham gia giao thông và thiệt hại tiền bạc cho Nhà nước.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.