Thôi miên lừa bán hạt hạnh nhân để… làm đẹp?

Thôi miên lừa bán hạt hạnh nhân để… làm đẹp?
Nhằm vào những phụ nữ bị các bệnh như tóc bạc sớm, nám má, quầng mắt, mụn thịt... các đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn bán thuốc chữa bách bệnh đã phân công nhau tìm cách dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân đi mua thuốc chữa bệnh để chiếm đoạt tài sản.
Thôi miên lừa bán hạt hạnh nhân để… làm đẹp? ảnh 1

Các đối tượng trong ổ nhóm lừa bị Công an quận Cầu Giấy bắt giữ.

Có người còn mang cả sổ tiết kiệm đi rút tiền tại ngân hàng để đổi lấy những gói thuốc chỉ là... hạt hạnh nhân. Theo một số bị hại, họ đã bị các đối tượng đánh thuốc mê, dùng thủ thuật thôi miên.

Kịch bản lừa của những nhóm tội phạm chuyên nghiệp

Thôi miên lừa bán hạt hạnh nhân để… làm đẹp? ảnh 2
Hạt hạnh nhân các đối tượng sử dụng để lừa đảo

Ngày 30/4, Viện kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội đã phê chuẩn Lệnh tạm giam 4 đối tượng trong ổ nhóm lừa đảo bán "thần dược" chữa bách bệnh trên địa bàn quận Cầu Giấy do Đinh Thị Nga (54 tuổi) ở Tân An, Lộc Hòa, Nam Định cầm đầu.

Trung tá Trần Anh Quân, Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận Cầu Giấy cho biết, sau khi bắt giữ nhóm lừa đảo bán thuốc chữa bệnh do Đinh Thị Nga cầm đầu, quá trình xác minh tại địa phương nơi các đối tượng cư trú, được biết tại Nam Định hình thành nhiều nhóm tội phạm hoạt động lừa đảo với phương thức thủ đoạn tương tự. Chính quyền địa phương thông tin, các đối tượng này không về địa phương mà thuê trọ ở các tỉnh, gây án xong bỏ đi địa bàn khác để tránh bị phát hiện.

Đáng chú ý, Đinh Thị Nga đã từng có 1 tiền án cách đây 13 năm, cũng về hành vi lừa đảo bán thuốc chữa bệnh. Sau khi ra tù, Nga vẫn tiếp tục "hành nghề". Tuy nhiên, lần này đã có "kinh nghiệm" nên Nga không ra mặt mà bày cách cho "đàn em" thực hiện kịch bản lừa. Nga thu nạp những phụ nữ không nghề cùng quê gồm Vũ Thị Hương (41 tuổi), Trần Thị Thu Hoài (27 tuổi), Trần Thị Hiên (58 tuổi)  thành một nhóm, lên Hà Nội gây án.

Chúng đến phố Lãn Ông mua hạt hạnh nhân với giá 90.000 đồng/kg, chia thành gói nhỏ. Đinh Thị Nga chau chuốt, nhuộm lại mái tóc đã điểm sợi bạc của mình cho đen nhánh để hợp với vai diễn, sau đó dẫn đàn em đến các chợ cóc trên địa bàn Hà Nội, săn tìm những phụ nữ tóc bạc sớm để lừa đảo.

Vờ làm người nội trợ đi mua sắm, Đinh Thị Nga tìm cách bắt chuyện với những phụ nữ này, khoe mái tóc đen nhánh quảng cáo do sử dụng "thần dược" và gạ dẫn đi mua thuốc. Chúng bố trí cho một đối tượng giữ thuốc đứng ở một nơi vắng vẻ. Khi Nga dẫn "con mồi" về, các đối tượng còn lại sẽ giả làm người mua thuốc, trả tiền để người mua tin tưởng.

Điều tra viên thụ lý vụ án cho biết, sau khi Báo Công an nhân dân đăng bài phản ánh thủ đoạn lừa đảo của nhóm đối tượng trên, đến nay đã có trên 10 người bị hại đến Công an quận Cầu Giấy trình báo việc bị lừa bán thuốc chữa bách bệnh. Người bị lừa ít nhất cũng 4-5 triệu đồng, người bị lừa nhiều nhất khoảng 20 triệu đồng. Có người do không có tiền mặt, các đối tượng gợi ý lấy sổ tiết kiệm ra ngân hàng rút tiền để trả cho chúng.

Thiếu tá Quách Tuấn, Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTXH cho biết, trước đó, năm 2009, Đội CSĐT tội phạm về TTXH đã khám phá ổ nhóm lừa đảo bán thuốc chữa bách bệnh với thủ đoạn tương tự gồm 4 đối tượng: Bùi Thị Nhung (32 tuổi), Nguyễn Đức Chiến (33 tuổi), Nguyễn Thị Tám (40 tuổi) và Nguyễn Thị Nga (52 tuổi), cùng ở Nam Định.

Theo khai nhận của kẻ cầm đầu Bùi Thị Nhung, chúng bàn bạc đi đến các chợ trên địa bàn Hà Nội tìm những phụ nữ có bệnh biểu hiện ra ngoài như bạc tóc, nám má, quầng mắt, mụn thịt... để lừa bán thuốc chữa bệnh. Khi gặp những người trên, một đối tượng bắt chuyện, nói trước kia cũng bị bệnh tương tự, đã chữa khỏi và giới thiệu biết người bán thuốc chữa bệnh. Một đối tượng khác giả vờ làm người cần mua thuốc, nhờ dẫn đi. Nếu người bị hại không mang tiền, một đối tượng vờ làm người mua thuốc đã sử dụng hiệu quả đứng ra cho vay rồi theo người bị hại về nhà lấy tiền trả.

Để người bị hại tin tưởng, Nguyễn Đức Chiến giả vờ làm người Lào, đưa ra các gói hạt hạnh nhân đóng trong túi nilon, nói là hạt Cốc Tinh Thảo trồng ở Lào, rất quý hiếm, bán với giá 11 triệu đồng/gói. Trong lúc người mua còn phân vân thì đồng bọn sẽ vờ tạo ra sự khan hiếm thuốc, tranh mua để kéo người bị hại vào cuộc.

Để tránh bị người dân cảnh giác phát hiện, với thủ đoạn dẫn người bệnh đến nhà bác sỹ, các đối tượng tìm cách đưa bị hại đi vòng vèo, đến những khu vực vắng vẻ để lấy tiền. Các đối tượng "chân gỗ" còn có nhiệm vụ cản đường cho đồng bọn tẩu thoát  nếu bị người dân phát giác.

Có hay không việc thôi miên?

Theo đồng chí Quách Tuấn, trong các vụ án lừa đảo bán thuốc chữa bệnh, sở dĩ có rất nhiều người mắc bẫy bọn lừa đảo trong khi tỷ lệ phát hiện, bắt giữ tội phạm rất ít, là do khi bán thuốc, các đối tượng đều rỉ tai người mua phải giữ bí mật thì việc chữa bệnh mới có hiệu quả, thuốc phải uống vào buổi tối, khi mọi người đã đi ngủ hết và đặc biệt không được cho người khác biết việc uống thuốc. Tin vào cách chữa bệnh "thần bí" như vậy, nhiều người lỡ mua thuốc khi biết mình bị lừa đành cay đắng chấp nhận, không dám kể cho ai biết.

Đồng chí Quách Tuấn cũng phủ nhận thông tin cho rằng, các đối tượng lừa đảo này đã sử dụng thuốc mê hoặc thôi miên người bị hại để đưa tiền cho chúng. Khi bắt giữ các đối tượng, cơ quan công an không phát hiện dấu hiệu sử dụng thuốc ngủ hoặc thuốc mê. Bản thân các đối tượng gây án khai nhận khi bị "bắt" đúng bệnh, chúng đã tạo niềm tin đối với người bị hại, từ đó dễ dàng đưa họ vào bẫy.

Mặt khác, nếu bị sử dụng các loại thuốc này, người bị hại sẽ không đủ tỉnh táo để trả tiền  hoặc dẫn các đối tượng về nhà lấy tiền. Phân tích ở góc độ tâm lý, khi mất tiền, người bị hại rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ, không biết loại thuốc vừa mua có tác dụng chữa bệnh thật hay không bởi nếu nói ra sẽ lộ "thiên cơ". Chính vì vậy, nhiều người bị hại cho rằng, đã bị đối tượng lừa đảo sử dụng bùa mê, có khả năng thôi miên, điều khiển họ làm theo ý của chúng.

Thực tế để đánh trúng, bắt gọn những ổ nhóm tội phạm lừa đảo này, Công an quận Cầu Giấy đã chú trọng công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm trong nhân dân. Chính vì vậy, khi phát hiện có người bị lừa, người dân đã nhanh chóng thông tin, phối hợp Công an quận bắt gọn các đối tượng tham gia lừa đảo. Nếu chỉ bắt giữ được 1-2 đối tượng nhỏ lẻ, sẽ rất khó khăn cho việc xử lý truy tố các đối tượng.

Theo cơ quan Công an, tình trạng các đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn bán thuốc chữa bách bệnh đã diễn ra khá lâu trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên vẫn còn nhiều người nhẹ dạ mắc bẫy. Để phòng ngừa hiệu quả loại tội phạm này, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trước những đối tượng làm quen giới thiệu chữa bệnh. Khi phát hiện cần tố giác ngay cho cơ quan Công an phối hợp bắt giữ. Những ai là người bị hại trong vụ án lừa đảo bán thuốc chữa bệnh trên, đề nghị liên hệ Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận Cầu Giấy để thông tin tố giác tội phạm.

Trong y học, hạt hạnh nhân mà các đối tượng sử dụng để lừa đảo, thực chất là hạt khô của quả cây mơ, có tác dụng chỉ khái bình suyễn, nhuận tràng thông tiện; chủ trị các chứng ho do phong hàn hoặc phong nhiệt, ho suyễn do phế nhiệt, táo bón do tràng táo, không có tác dụng chữa bách bệnh, cải tạo sắc đẹp như quảng cáo của các đối tượng lừa đảo.

Theo CAND

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.