Thông tư của Chánh án: Có dấu hiệu vi phạm luật

TP - Từ ngày 16/6/2014, Thông tư 01/2014/TT-CA của Chánh án TAND Tối cao quy định về Nội quy phiên tòa có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, phản ứng của báo giới về quy định tại văn bản này có rất nhiều ý kiến không đồng tình. PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với luật gia Minh Trí.

Có nhiều ý kiến đã đăng trên các báo cho rằng Thông tư 01/2014/TT-CA của Chánh án TAND Tối cao không phù hợp với Nghị định số 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Luật Báo chí). Xin cho biết ý kiến của luật gia về vấn đề này?


Tôi cũng nhận thấy Thông tư số 01/2014/TT-CA (Thông tư 01) của Chánh án TAND Tối cao vừa có hiệu lực thi hành không phù hợp với Nghị định số 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, quy định tại Điều 4 của “Nội quy phiên tòa” ban hành kèm theo Thông tư 01 (liên quan đến việc tác nghiệp của các nhà báo tại phiên tòa) chưa phù hợp với quy định tại Điều 8 của Nghị định 51. Tuy nhiên, trước hết tôi muốn khẳng định Thông tư 01 có dấu hiệu vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BHVBQPPL).

Ông có thể nói rõ hơn?

Thông tư 01 là một văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy việc ban hành văn bản này phải tuân thủ các quy định của Luật BHVBQPPL. Ngay ở phần “căn cứ” của Thông tư 01, tôi thấy có nêu các Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hành chính, nhưng hoàn toàn không nêu Luật Báo chí, trong khi một trong những đối tượng bị Thông tư 01 tác động trực tiếp là các nhà báo. Điều này cho thấy việc tham chiếu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khi xây dựng Thông tư 01 chưa được thực hiện đầy đủ, vi phạm khoản 1, Điều 3 Luật BHVBQPPL.

Ngoài việc không tham chiếu Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành, Thông tư 01 còn có những vi phạm Luật BHVBQPPL nào khác không, thưa luật gia?

Cũng ở phần “căn cứ” của Thông tư 01, tôi thấy có nêu Điều 18 của Luật BHVBQPPL, song lại không nêu Điều 70 của Luật BHVBQPPL, theo tôi cũng là chưa đầy đủ. Khoản 2 của Điều 70 Luật BHVBQPPL quy định “Tùy theo tính chất và nội dung của dự thảo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định gửi dự thảo Thông tư để lấy ý kiến của Tòa án nhân dân địa phương, Tòa án quân sự và cơ quan, tổ chức có liên quan”. Tôi tin rằng nếu dự thảo Thông tư 01 được lấy ý kiến của Bộ Thông tin Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam, thì sẽ không có chuyện “vênh” giữa Thông tư 01 và Nghị định 51.

Giả sử Thông tư 01 vi phạm Luật BHVBQPPL, thì hướng khắc phục là thế nào, thưa luật gia?

Việc này được quy định tại các Điều từ 87 đến Điều 93 Luật BHVBQPPL. Một cách ngắn gọn, có thể trích dẫn khoản 1 Điều 91 Luật BHVBQPPL: “Khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành trái pháp luật thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tự mình bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật khác thay thế”.

Theo quy định của Thông tư 01, các nhà báo khi tác nghiệp tại phiên tòa phải xuất trình Thẻ nhà báo và Giấy giới thiệu, còn theo quy định tại Nghị định 51 thì các nhà báo chỉ cần xuất trình Thẻ nhà báo.


MỚI - NÓNG