Sau kết luận thanh tra Tập đoàn Cao su Việt Nam:

Thủ tướng chỉ đạo chuyển hồ sơ sang công an

TP - “Đối với một số vụ việc vi phạm pháp luật, có dấu hiệu phạm tội thì Thanh tra Chính phủ (TTCP) chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định”. Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau khi xem xét báo cáo của TTCP về kết quả thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Thủ tướng chỉ đạo chuyển hồ sơ sang công an ảnh 1

Văn phòng Chính phủ vừa ra văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý sau thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với nội dung kết luận và kiến nghị của TTCP tại văn bản số 2341/KL – TTCP; yêu cầu các Bộ NN&PTNT, KH&ĐT, Tài chính và VRG tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của TTCP.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính hướng dẫn VRG và một số đơn vị thành viên nộp ngân sách nhà nước hơn 42,9 tỷ đồng - tiền thuế thu nhập doanh nghiệp chưa nộp theo quy định. Đối với một số vụ việc vi phạm pháp luật có dấu hiệu phạm tội, TTCP chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.

Như Tiền Phong đã đưa tin, sau quá trình thanh tra VRG, TTCP kiến nghị xử lý về kinh tế tổng số tiền hơn 8.366 tỷ đồng; đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, VRG chỉ đạo việc xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có trách nhiệm liên quan vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản. Bên cạnh đó, TTCP đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để xử lý những sai phạm có tính phức tạp, nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về kinh tế.

Điển hình như dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong việc quyết định đầu tư góp vốn, sử dụng nguồn vốn đầu tư vào Cty Cổ phần XNK Thủy sản Đồng Tháp (DSEC); việc DSEC ký kết và thực hiện hợp đồng với Cty Cổ phần Công nghiệp và XNK Cao su có nhiều vi phạm, gây hậu quả thiệt hại về vốn cho Nhà nước hơn 144 tỷ đồng và dư nợ không có khả năng thanh toán hơn 253 tỷ đồng. 

Cụ thể, Cty DSEC được thành lập năm 2007, vốn điều lệ 169 tỷ đồng, các cổ đông là Cty TNHH MTV Cao su Đồng Nai, Phú Riềng và một số cá nhân là lãnh đạo VRG. TTCP xác định, các đơn vị khi quyết định đầu tư góp vốn đã không xây dựng đề án, không có ý kiến đồng ý của VRG; một số đơn vị dùng quỹ phúc lợi của đơn vị để đầu tư góp vốn vào Cty “sân sau” của lãnh đạo, vi phạm Quy chế Quản lý tài chính được ban hành kèm theo Nghị định số 199/2004/NĐ-CP của Chính phủ. 

Mặt khác, việc một số cán bộ là lãnh đạo VRG và một số đơn vị thành viên đã tham gia góp vốn của cá nhân, gia đình để lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động của DSEC như: Nguyên Chủ tịch HĐQT VRG kiêm Chủ tịch HĐQT DSEC; Tổng giám đốc Cty Cổ phần Công nghiệp và Xuất nhập khẩu Cao su (gọi tắt Cty XNK Cao su) kiêm Tổng giám đốc DSEC… vi phạm Luật Doanh nghiệp 2005. 

Đáng chú ý, dù Cty DSEC từ khi thành lập đến nay liên tục làm ăn thua lỗ, mất hết vốn điều lệ và dư nợ không có khả năng thanh toán hơn 253 tỷ đồng, song nhiều đơn vị vẫn tiếp tục cho Cty “sân sau” của lãnh đạo ngành cao su vay tiền với những hợp đồng, hồ sơ không đủ căn cứ pháp lý như Cty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam, Cty TNHH MTV Cao su Đồng Nai, Phú Riềng. Cá biệt, ngoài việc sử dụng nhiều khoản vay sai mục đích, DSEC còn chiếm dụng vốn của Cty XNK Cao su bằng việc ký hợp đồng, nhưng không thực hiện. Hiện DSEC còn nợ Cty XNK Cao su gần 199 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi, nhưng không có khả năng thanh toán.

TTCP cũng đề nghị CQĐT Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra đối với những sai phạm trong hoạt động huy động và sử dụng vốn tại Cty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam.

Sau khi thanh tra VRG, TTCP kiến nghị xử lý về kinh tế hơn 8.366 tỷ đồng; đề nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan. Bên cạnh đó, TTCP đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để xử lý những sai phạm có tính phức tạp, nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về kinh tế.

MỚI - NÓNG