Thủ tướng: Tòa án là 'thành trì bảo vệ công lý'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
TPO - Thủ tướng đề nghị, cần phấn đấu xây dựng các tòa án xứng đáng là “Thành trì bảo vệ công lý”, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và sự mong đợi của nhân dân.

Sáng 21/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021 của TAND Tối cao. Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ…

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các tòa án có đóng góp to lớn tới xã hội. Số lượng các vi phạm, tội phạm, tranh chấp, khiếu kiện ngày càng tăng tỷ lệ thuận với quy mô dân số và nền kinh tế.

Đặc biệt, số lượng các vụ việc phải thụ lý, giải quyết tăng mạnh, trung bình mỗi năm tăng khoảng 10% nhưng tòa án các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp để giải quyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong đó, nhiệm kỳ vừa qua, các tòa án đã giải quyết, xét xử trên 1.100 vụ với 2.600 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, đạt tỉ lệ 98% và đã thu hồi hàng nghìn tỷ đồng, nhiều nhà cửa, đất đai và các tài sản khác.

Thủ tướng cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, nhà nước đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 78 trụ sở tòa án mới khang trang, hiện đại với tổng kinh phí đầu tư gần 5.400 tỷ đồng; cơ bản các toà án đã có trụ sở làm việc đáp ứng yêu cầu xét xử.

Thủ tướng: Tòa án là 'thành trì bảo vệ công lý' ảnh 1

Các đại biểu dự Hội nghị.

Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nổi lên là tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm dù có nhiều tiến bộ và năm sau đạt tỉ lệ cao hơn năm trước nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Thời gian giải quyết nhiều vụ án kinh doanh, thương mại, yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp còn kéo dài; chất lượng giải quyết chưa cao…

Thủ tướng cho rằng phải tiếp tục cải cách, đổi mới để nền tư pháp Việt Nam phát triển hiện đại, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới. Đây là thử thách lớn đối với hệ thống tòa án, phải xác định cải cách tư pháp chính là động lực phát triển để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tòa án.

Thủ tướng đề nghị, hoạt động của tòa án phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Qua đó, đem lại lẽ phải, sự công bằng cho xã hội, tạo được niềm tin của người dân vào công lý, vào nền tư pháp.

Hoạt động của hệ thống tòa án cũng phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; loại trừ oan sai và như vậy, tòa án mới thực sự giữ vị trí là trung tâm của hệ thống tư pháp.

Trong công tác giải quyết các vụ án hình sự, hệ thống tòa án phải bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; kiên quyết khắc phục cả hai xu hướng “hình sự hóa” các quan hệ, tranh chấp dân sự, kinh tế và xu hướng “dân sự hóa” các hành vi vi phạm pháp luật hành chính, hành vi phạm tội hình sự.

Trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, cần có giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử, nhất là các vụ án kinh doanh, thương mại; các yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp; bảo đảm không để án quá hạn theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng lưu ý, hệ thống tòa án cần đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Công tác xét xử cần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng thông qua việc chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng cho Nhà nước ngay từ giai đoạn xét xử và thi hành án.

Ngoài ra, hệ thống tòa án cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng khoa học, hiện đại, tinh gọn; bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thực tế... phấn đấu xây dựng TAND xứng đáng trở thành “Thành trì bảo vệ công lý”, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và sự mong đợi của nhân dân.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.