Thừa Thiên - Huế: Kỳ án 'chia... tỷ lệ thương tật'

Thừa Thiên - Huế: Kỳ án 'chia... tỷ lệ thương tật'
TP - Một nữ tiểu thương Đông Ba (TP Huế) bị hai nhân viên bảo vệ chợ đánh đập, gây thương tích 13%. Song cơ quan điều tra đã...”chia tỷ lệ thương tật” của nạn nhân để không khởi tố vụ án.
Thừa Thiên - Huế: Kỳ án 'chia... tỷ lệ thương tật' ảnh 1
Người bị hại Ngô Thị Diệu Huế - Ảnh: H.T

Sau hơn một năm “xới đi, lật lại” của công luận, vụ án được khởi tố. Tòa mở phiên sơ thẩm, nhưng tội phạm đã bị bỏ lọt “nhờ... chia tỷ lệ thương tật” (?!).

Chia tỷ lệ thương tật để... không khởi tố

10 giờ đêm 22/6/2006, Ban quản lý chợ Đông Ba tiến hành mở niêm phong các lô hàng cho tiểu thương.

Trong khi thi hành, bà Lê Thị Ánh Tuyết - cán bộ của Ban quản lý chợ phát ngôn có nội dung thách thức rằng sẽ niêm phong hết các lô kinh doanh sai mặt hàng.

Chị Ngô Thị Diệu Huế (SN 1976, chủ một quầy hàng trong chợ) đã tranh cãi với bà Tuyết về việc đó.

Giữa lúc hai người đang lời qua tiếng lại thì Đinh Xuân Khánh và Nguyễn Văn Thừa là hai nhân viên BQL chợ Đông Ba đã bất ngờ xông vào quầy đánh đập chị Huế.

Ngay sau đó, chị Huế viết đơn tố cáo hành vi đánh người của Thừa và Khánh.

Ngày 3/7/2006, Tổ chức giám định pháp y tỉnh Thừa Thiên-Huế có kết luận số 166-06 như sau: “1. Đa chấn thương và xây xát phần mềm cơ thể 3%; 2. Trạng thái tâm căn suy nhược sau chấn thương 10% TT. Tỷ lệ tổn hại sức khỏe 13% tạm thời” đối với bà Ngô Thị Diệu Huế. 

Ngày 15/8/2006, Công an TP Huế ra Quyết định số 54 do Trung tá Đoàn Quang Sơn - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT ký với nội dung “Không khởi tố vụ án hình sự các nhân viên bảo vệ chợ Đông Ba đánh đập gây thương tích cho bà Huế”.

Và để “biện hộ” cho quyết định trên, chỉ 1 ngày sau, 16/8, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế có Thông báo số 771 về việc không khởi tố vụ án hình sự do ông Đoàn Quang Sơn ký gửi bà Ngô Thị Diệu Huế với lý do:

“Hành vi dùng tay chặn cổ, đánh người của Đinh Xuân Khánh đã gây thương tích cho bà Huế là 3%; hành vi túm giật tóc của Nguyễn Văn Thừa đã gây thương tích 10%; hành vi của Khánh và Thừa không đồng phạm nên đều không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Ngày 7/9/2006, ông Trần Lý Thảo-Viện trưởng Viện KSND TP Huế ký quyết định số 151 khẳng định: “Khánh và Thừa đã gây thương tích cho bà Huế là 13%, và việc đó chỉ bị xử lý hành chính là thỏa đáng; tuyên bố giữ nguyên quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 54 ngày 15/8/2006 của Cơ quan CSĐT Công an TP Huế”.

Nạn nhân Huế vẫn tiếp tục kêu kiện đến các cơ quan Trung ương, kiên định đòi khởi tố vụ án, xử lý nghiêm những kẻ coi thường tính mạng người khác, vi phạm pháp luật.

Phải chăng, việc chia tỷ lệ thương tật theo cách lý giải của 2 cơ quan bảo vệ pháp luật này là một kiểu “lách luật” để bỏ lọt tội phạm? Và đây là một trường hợp hy hữu ở tỉnh Thừa Thiên- Huế!

Bỏ lọt tội phạm  

Trước sức ép của dư luận và công luận, các cơ quan bảo vệ luật pháp tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phải xem xét lại toàn bộ vụ việc. Vụ án đã được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Và phải sau hơn 1 năm, vụ án mới được đưa ra xét xử.

Ngày 27/2/2007, Cơ quan CSĐT Công an Thừa Thiên-Huế đã ra Quyết định số 01/PC16 do Thượng tá Hồ Quang Minh-Phó thủ trưởng Thường trực ký khởi tố bị can đối với Đinh Xuân Khánh-nhân viên BQL chợ Đông Ba vì đã có hành vi gây thương tích cho Ngô Thị Diệu Huế theo Điều 104 BLHS.

Cáo trạng của Viện KSND Thừa Thiên-Huế tại phiên toà ngày 15/8/2007 ngoài việc khẳng định bị can Khánh đã quyết tâm phạm tội đến cùng khi thực hiện hai lần đánh đập gây thương tích cho chị Huế còn nêu rõ về trường hợp Nguyễn Văn Thừa:

“Thừa đã cầm tay và túm tóc ấn đầu chị Huế xuống trong thời điểm chị Huế đang bị Khánh đánh, đã tạo điều kiện cho Khánh quay lại đánh chị Huế lần hai và cũng góp một phần gây thương tích cho chị Huế”.

Theo Khoản 1 Điều 104 BLHS thì người nào cố ý gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc trong những trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (a. Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b. Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c. Có tính chất côn đồ...).

Trong khi đó tỷ lệ thương tật của chị Huế lên đến 13%, song Cơ quan Công an và Viện KSND TP Huế vẫn cho rằng chưa đến mức phải khởi tố vụ án.

Điều này đã gây bất bình trong dư luận.

Trước toà, Thừa nhận đã túm tóc, đè đầu chị Huế và đã gây thương tích cho nạn nhân Huế. Điều này hoàn toàn phù hợp với kết luận ban đầu của cơ quan điều tra là chính Thừa đã gây thương tích 10% trong tổng số 13% cho chị Huế.

Và nó cũng phù hợp với lời khai của bị cáo Khánh tại toà rằng Khánh có đánh chị Huế nhưng không hề túm tóc, đè đầu chị Huế.

Các nhân chứng có mặt tại toà cũng xác nhận chính Thừa là người đã túm tóc, đè đầu, túm tay chị Huế lại để cho Khánh đánh, trong khi các cán bộ của BQL chợ thì... ngồi nhìn (?!).

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Khánh, bị hại Huế đều đã tiến hành thẩm vấn và làm bật lên một sự thật: Nguyễn Văn Thừa có tham gia đánh chị Huế với vai trò đồng phạm; một số luật sư khẳng định rằng cơ quan tố tụng đã bỏ lọt tội phạm khi chỉ triệu tập Thừa đến toà với tư cách là... nhân chứng (!).

Và mức án 15 tháng tù cho hưởng án treo đối với bị cáo Khánh là không đảm bảo tính công minh, nghiêm minh của pháp luật. Người bị hại Ngô Thị Diệu Huế ngày 7/10/2007 cho biết chị đã có đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.