Thực thi Hiến pháp để củng cố “ý Đảng, lòng dân”

Thực thi Hiến pháp để củng cố “ý Đảng, lòng dân”
TP - Ngày 02/01/2014, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt UBTV Quốc hội ký ban hành Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13, kèm theo Nghị quyết là Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Bản kế hoạch này khá cụ thể, chi tiết, nhằm phổ biến, tuyên truyền Hiến pháp 2013 đến với mọi cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; đặc biệt, bản kế hoạch này đề ra những công việc cụ thể để toàn bộ hệ thống chính trị Nhà nước ta cùng tổng rà soát lại các văn bản pháp luật hiện hành, từ đó sẽ bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật sao cho phù hợp quy định của Hiến pháp.

Đông đảo người dân cả nước đang rất quan tâm đến việc thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đã được Hiến pháp quy định. Người dân rất phấn khởi khi thấy UBTV Quốc hội ban hành một kế hoạch cụ thể, làm tiền đề cho việc ra đời các sắc luật sửa đổi, bổ sung, hoặc ban hành mới các sắc luật liên quan đến lĩnh vực này.

Theo Nghị quyết của UBTV Quốc hội, các bộ luật cơ bản như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự sẽ được xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung trong các năm 2014 - 2016.

Cũng trong các năm 2014 - 2016, các dự luật sửa đổi, bổ sung của Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Về hội, Luật Tạm giữ, tạm giam, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo… cũng sẽ được xây dựng. Đặc biệt, hai sắc luật quan trọng và được nhiều người cho là “khá nhạy cảm” là Luật Trưng cầu ý dân và Luật Biểu tình, cũng sẽ được xây dựng dự án trong hai năm 2015-2016, cơ quan chủ trì thực hiện hai dự án luật này là Chính phủ.

Thực thi Nghị quyết của UBTV Quốc hội, ngày 13/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 251/QĐ-TTg, kèm theo đó là Kế hoạch của Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Theo đó, hầu hết các dự án luật được nêu trong Kế hoạch của UBTV Quốc hội thuộc trách nhiệm Chính phủ chủ trì thực hiện, đã được cụ thể hóa với một lộ trình thời gian phù hợp, với các cơ quan chủ trì soạn thảo cụ thể như Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ…

Tuy nhiên, những người quan tâm đến việc thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhận thấy trong Kế hoạch của Chính phủ có hai dự án luật tiến độ thực hiện chưa đúng như Nghị quyết của UBTV Quốc hội đã đề ra, đó là dự án Luật Biểu tình và dự án Luật Trưng cầu ý dân.

Về Luật Biểu tình (chính sắc luật Thủ tướng Chính phủ từng có ý kiến phải sớm ban hành), theo Nghị quyết của UBTV Quốc hội, dự án luật này phải được trình trước Quốc hội muộn nhất trong năm 2016. Tuy nhiên, trong Kế hoạch của Chính phủ, dự án luật này lại được “du di” khá dài, với thời gian muộn nhất đến tận năm 2020 (cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công an).

Riêng dự án Luật Trưng cầu ý dân chưa có trong bản Kế hoạch của Chính phủ, trong khi theo Nghị quyết của UBTV Quốc hội, nó phải được xây dựng muộn nhất là trong năm 2016.

Hiến pháp 2013 được đánh giá là kết tinh của “ý Đảng, lòng dân”, là sự kết hợp giữa cương lĩnh của Đảng trong tình hình mới với các bản Hiến pháp từ ngày lập nước đến nay.

Việc xây dựng Hiến pháp 2013 được thực hiện trong một thời gian dài, với hàng chục triệu ý kiến đóng góp của đông đủ các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, người dân hết sức mong muốn nội dung của Hiến pháp phải được cụ thể hóa trong các sắc luật, trong đó có Luật Biểu tình và Luật Trưng cầu ý dân.

Thực thi Hiến pháp chính là biện pháp tốt nhất để tăng cường khối đoàn kết toàn dân, giữ vững ổn định chính trị, từ đó mới có thể thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền đất nước.

MỚI - NÓNG