Tiền tỷ thất thoát, giám đốc vô can

Tiền tỷ thất thoát, giám đốc vô can
TP - Hơn 10 tỷ đồng của Nhà nước bị thất thoát, nhưng người đứng đầu Cty Cổ phần đường Quảng Ngãi vẫn vô can. Dư luận cho rằng, xử lý vụ việc này rất khó, vì cựu giám đốc Cty này (thập niên 90) đang là sếp “bự” của tỉnh.
Tiền tỷ thất thoát, giám đốc vô can ảnh 1
Ba nồi nấu đường trị giá 20 tỷ đồng thuộc dự án mở rộng NMĐ Quảng Phú cũng không được quyết toán

Năm 2000, Cty đường Quảng Ngãi (nay là Cty Cổ phần đường Quảng Ngãi) nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Hào quang qua mau, “bệnh nan y” nợ nần của ngành mía đường cũng không chừa Cty này. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm “giải cứu” Cty khỏi phá sản, nhưng không hiệu quả.

Đến nay, vấn đề dư luận địa phương quan tâm là số tiền thất thoát hơn 10 tỷ đồng từ các nhà máy đường (NMĐ) thuộc Cty (gồm các nhà máy: NMĐ Quảng Phú, NMĐ Phổ Phong và NMĐ An Khê) trách nhiệm thuộc về ai?

NMĐ Quảng Phú là dự án mở rộng của NMĐ Quảng Ngãi, tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng (khởi công tháng 2/1998, hoàn thành tháng 6/2000). Nhiều sai sót từ công tác khảo sát thiết kế, lập dự toán, ký hợp đồng tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, đấu thầu sai quy định của Chính phủ, cung cấp thiết bị không dùng được đã được cơ quan chức năng chỉ ra.

Nổi cộm là trong quá trình xây dựng, lãnh đạo nhà máy đã quyết toán sai khối lượng công trình, thanh toán  vượt  giá trị hợp đồng gần 4,5 tỷ đồng cho: Cty XDCT GT 504 (thuộc Cienco 5), Cty Xây lắp hóa chất chi nhánh miền Trung, Cty Lắp máy 7; Cty Cơ khí lâm nghiệp (Formach), Cty Xây lắp số 3, Ban quản lý Cty đường Quảng Ngãi.

Tại NMĐ Phổ Phong cũng xảy ra sai phạm hàng loạt. Nhà máy này khởi công tháng 12/1995, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 4/1997; tổng vốn đầu tư khoảng 119 tỷ đồng; nhà thầu xây lắp là Cty Đầu tư - Phát triển GTVT (thuộc Bộ GTVT).

Con số quyết toán vốn đầu tư sai gần 3,5 tỷ đồng, trong đó thanh toán không đúng quy định cho nhà thầu gần 2,3 tỷ đồng. NMĐ An Khê khởi công tháng 10/2000, đưa vào sử dụng tháng 12/2001, nhưng đến ngày 27/2/2003 mới tổ chức nghiệm thu tổng vốn hơn 63 tỷ đồng. Số tiền thanh toán vượt khối lượng, bị cơ quan chức năng phát hiện lên tới hơn 2,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, do dựa vào các hồ sơ khối lượng hoàn thành để thanh toán khi chưa được thẩm định, nên chỉ riêng gói thầu số 4  thanh toán cho nhà thầu (Cty Zamil) vượt quá khối lượng thực tế gần 1,2 tỷ đồng.

Nguy hiểm hơn, khi thi công gói thầu số 4, số thép cần là 390.829 kg nhưng thực tế số sắt có tại chân công trình chỉ là 243.517,05 kg, nghĩa là công trình bị “rút ruột”.

Sai phạm khó xử lý?

Liên quan sai phạm tại Cty này, ngày5/4/2005, Bộ NN&PTNT đã có công văn yêu cầu Cty gửi hồ sơ quyết toán để thẩm tra phê duyệt. Ngày 1/3/2006, Bộ lại có công văn nêu rõ: Bộ vẫn chưa nhận được đủ hồ sơ.

Cụ thể: Dự án mở rộng NMĐ Quảng Phú, chủ đầu tư thiếu biên bản nghiệm thu thiết bị chạy thử tổng hợp; Biên bản tổng nghiệm thu công trình để đưa vào sử dụng; Báo cáo của chủ đầu tư về chất lượng xây dựng công trình; Thanh lý hợp đồng thiết bị ngoại nhập…

Dự án NMĐ An Khê, đến nay chủ đầu tư cũng chưa có báo cáo quyết toán dự án hoàn thành...

Trước những sai phạm trên tại 3 nhà máy, ngày 13/5/2005, Văn phòng Chính phủ có văn bản chỉ đạo Cty làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật từng cá nhân vi phạm.

Sau đó, Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ quản của Cty đường Quảng Ngãi, cũng đã có văn bản yêu cầu Cty tổ chức kiểm điểm các cơ sở, chi bộ Đảng, xử lý sai phạm đến từng cá nhân.

Xin lưu ý, đặc điểm của Cty CP đường Quảng Ngãi là các nhà máy phụ thuộc vào Cty nên việc đầu tư các dự án là do Giám đốc Cty quyết định, chịu trách nhiệm tất cả các khâu. Cho nên, trách nhiệm cao nhất thuộc về Giám đốc Cty.

Trong các cuộc họp công đoàn Cty, nhất là tại đại hội CNVC tháng 7/2005, những người tâm huyết với sự lành mạnh của Cty đã yêu cầu lãnh đạo phải xử lý, thu hồi các khoản nợ, chi vượt, chi khống, để tránh tình trạng khi chuyển sang cổ phần hóa bắt cổ đông phải chịu.

Văn bản ngày 16/12/2005 của Bộ NN&PTNT (do Thứ trưởng Diệp Kính Tần ký), ngoài việc cho Cty tổ chức đại hội cổ đông để lập Cty cổ phần, đã yêu cầu báo cáo quyết toán thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển sang cổ phần.

Tại đại hội cổ đông lần thứ nhất (ngày 21-23/12/2005), chuyện này đã được nhắc lại kèm kiến nghị Bộ xử lý. Rồi, Cty CP đường Quảng Ngãi ra đời, chính thức đi vào hoạt động ngày 1/1/2006.

Đơn khiếu nại, kiến nghị của cổ đông, không “chạy” lòng vòng thì cũng không được hồi âm. Ai cũng biết, việc không khoanh nợ, xử lý dứt điểm số tiền trên, mà lặng lẽ đưa hết sang cổ phần hóa là vi phạm Luật Doanh nghiệp.

Thế nhưng, trách nhiệm của người đứng đầu ra sao, đến bây giờ câu hỏi này vẫn bị bỏ lửng. Dư luận địa phương cho rằng, xử lý vụ này khó lắm, bởi vị cựu Giám đốc Cty (thập niên 90), nay đang là sếp “bự” của tỉnh.

MỚI - NÓNG