Tiếp tục hoãn phiên xử cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng

Tiếp tục hoãn phiên xử cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng
TPO - Đây là lần thứ 2 vụ án liên quan ông Vũ Huy Hoàng được đưa ra xét xử nhưng đều phải hoãn ngay từ phần làm thủ tục vì sự vắng mặt của một số người liên quan.

Ngày 18/1, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử vụ án thất thoát 2.713 tỷ đồng tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử tiếp tục hoãn phiên tòa. Chủ tọa cho biết, ngày 7/1, tòa án đã mở phiên tòa và phải hoãn vì vắng mặt một số bị cáo, người liên quan. Ngày 18/1, tòa án đã triệu tập hợp lệ nhưng một số người liên quan và giám định viên Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn vắng mặt không có lý do khách quan. Căn cứ đề nghị của luật sư, bị cáo và kiểm sát viên, Hội đồng xét xử tiếp tục hoãn phiên tòa và thời gian mở lại được thông báo sau.

Tại tòa, chủ tọa cho biết thêm, bị cáo Nguyễn Hữu Tín – nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM vẫn vắng mặt vì lý do sức khỏe. Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang bào chữa cho bị cáo Tín trình bày, thân chủ của bà không thể đến tòa vì bị bệnh tim vàm việc này đã được giám định.

Luật sư Trang đề nghị tòa không nên hoãn xét xử chỉ vì vắng mặt ông Tín do lần sau mở lại, bị cáo này vẫn sẽ vắng mặt. Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Tín đã có lời khai nhận tội tại giai đoạn điều tra.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đề nghị hoãn phiên toà nhưng cho rằng lần tới, cần triệu tập 3 cựu lãnh đạo của Sabeco bởi sự có mặt của họ rất quan trọng trong việc đánh giá các chứng cứ liên quan việc chuyển đất công thành đất tư và chuyển hợp đồng nguyên tắc thành hợp đồng hợp tác, chuyển chủ đầu tư…

Vụ án có 10 bị cáo hầu tòa trong đó, các ông Vũ Huy Hoàng (SN 1953) – cựu Bộ trưởng Bộ Công thương; Phan Chí Dũng (SN 1957) – nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Tám người khác bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” gồm ông Nguyễn Hữu Tín (SN 1957) – nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM; Lâm Nguyên Khôi (SN 1955) – nguyên Phó GĐ Sở KH&ĐT TP.HCM; Đào Anh Kiệt (SN 1957) – nguyên Phó GĐ Sở TN&MT TP.HCM; Lê Văn Thanh (SN 1962) – nguyên Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM; Lê Quang Minh (SN 1957) – nguyên Trưởng phòng thuộc Sở KH&ĐT TP.HCM; Nguyễn Thanh Chương (SN 1974) – nguyên Trưởng phòng Đô thị thuộc UBND TP.HCM; Trương Văn Út (SN 1970) – nguyên Phó phòng thuộc Sở TN&MT TP.HCM; Nguyễn Lan Châu (SN 1975) – nguyên chuyên viên Sở TN&MT TP.HCM.

Theo cáo trạng, Sabeco lập liên doanh SABECO Pearl để xây dựng dự án cao ốc, văn phòng tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TPHCM). Trong đó, Sabeco giữ 26% vốn; còn lại thuộc các công ty tư nhân gồm Attland (23%), Hà An (25,5%), Mê Linh (25,5%).

Ông Vũ Huy Hoàng và các cấp dưới tại Bộ Công Thương đồng ý việc này và UBND TPHCM cũng chấp thuận cho xây dựng trên khu đất. Tuy nhiên, đến năm 2016, các doanh nghiệp tư nhân đề nghị Sabeco thoái vốn khỏi liên doanh và được Sabeco cùng Bộ Công Thương đồng ý. Như vậy, khu đất số 2-4-6 từ sở hữu nhà nước bị các công ty tư nhân thâu tóm với giá rẻ, gây thiệt hại 2.713 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG