Tình tiết ngoài vụ án đứa con 'nghịch tử' tại Hải Dương

Tình tiết ngoài vụ án đứa con 'nghịch tử' tại Hải Dương
Nghe tòa tuyên án, Nghiêm Viết Thành như được sinh ra lần thứ hai, hắn mừng mừng, tủi tủi, cổ họng ứa nghẹn. Còn về phần bà Nguyên, cái cảm giác thật khó tả khi con được tha tội chết.Bà chẳng biết nói gì hơn nữa, chỉ biết nói rằng: “Cảm ơn lòng vị tha của xã hội…”.

Nghe tòa tuyên án, Nghiêm Viết Thành như được sinh ra lần thứ hai, hắn mừng mừng, tủi tủi, cổ họng ứa nghẹn. Còn về phần bà Nguyên, cái cảm giác thật khó tả khi con được tha tội chết.Bà chẳng biết nói gì hơn nữa, chỉ biết nói rằng: “Cảm ơn lòng vị tha của xã hội…”.

Bà Nguyên thở phào khi con được tha tội chết
Bà Nguyên thở phào khi con được tha tội chết.

Nỗi lòng người mẹ

Tòa sơ thẩm tuyên án tử hình đối với “nghịch tử” hạ sát cha, bà Nghiêm Thị Nguyên (SN 1963, vợ của nạn nhân và cũng là mẹ của hung thủ) chết lặng. Cả đời bà lam lũ bên xứ người, cũng chỉ với mong muốn vun trồng, bồi đắp cho gia đình hạnh phúc, đủ đầy. Gánh nặng áo cơm khiến bà quên mất phần trách nhiệm quan trọng trong việc nuôi nấng, dạy bảo, bồi đắp tinh thần cho con. Nhưng giờ tất cả đã hết… Bà cố chạy theo, mong được cầm tay con một lần, rồi lại ngất lịm.

Thương cảm cho nỗi lòng của bà, nhiều người dân đã dìu bà vào phía cánh gà nhà văn hóa, bởi bà không còn đủ sức để đứng vững trước một loạt thảm họa giáng xuống gia đình. Nỗi đau xé lòng, khi chồng bị chết thảm, con trai duy nhất thì đang chuẩn bị đối mặt với cái chết, nhưng bà Nguyên đã cố gượng dậy, đưa đơn xin giảm nhẹ hình phạt đối với Nghiêm Viết Thành.

Theo trình bầy của bà Nguyên: “Do hoàn cảnh gia đình, nên tôi và ông Nghiêm Viết Yên (chồng tôi) đã đi lao động tại cộng hòa Séc từ khi cháu Thành còn rất nhỏ, khiến cháu phải sống trong sự thiếu thốn tình cảm của cả mẹ và cha. Khi Thành được 15 tuổi, ông Yên về nước để chăm sóc hai đứa con và trông nom gia đình. Do cha con xa cách nhiều năm và một phần do cách sống của ông Yên chưa được gương mẫu. Trong cuộc sống hàng ngày cách dậy bảo con rất hà khắc, chưa đúng mực, lấy chửi mắng, đánh đập là phương pháp duy nhất để dạy bảo con, nên đã làm cho Thành ức chế cao độ.

Bên cạnh đó, Thành đang ở lứa tuổi “nhạy cảm”, chuẩn bị bước sang tuổi làm “người lớn”, vì vậy tâm sinh lý phát triển “thất thường” và không nhận thức được hậu quả của hành vi trong khi phạm tội. Trong khi đó, về bên họ nội của gia đình tôi chỉ còn một mình Thành là con trai duy nhất. Gia đình, dòng tộc cũng đã có đơn xin giảm hình phạt cho Thành về tội “Giết người”. Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị tòa xem xét vì bản thân tôi là bị hại và cũng là mẹ đẻ của bị cáo. Tôi quá đau khổ và có lẽ không thể sống nổi khi cả chồng và con trai phải chết một cách thảm khốc”.

Bị cáo Nghiêm Viết Thành như được sinh ra lần thứ 2
Bị cáo Nghiêm Viết Thành như được sinh ra lần thứ 2.

Đứa con 'nghịch tử' được tái sinh

Sau khi nhận được đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Nghiêm Viết Thành của đại diện bên bị hại và nhận được đơn kháng cáo của bị cáo, TAND Tối cao đã mở phiên phúc thẩm. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, trình bầy của bị cáo và những người tham gia tố tụng, HĐXX xét thấy, do xa cách nhiều năm nên tình cha con của ông Yên và Nghiêm Viết Thành không được sâu sắc gắn bó. Bản thân Thành lại ham chơi game, lười học nên ông Yên chửi bới, mắng con, thậm chí đánh Thành vì những lỗi rất nhỏ nhặt như không tắt đèn trước khi đi ngủ. Trong gia đình, giữa Thành và ông Yên luôn căng thẳng.

Ông Yên luôn dạy bảo bằng cách thức nói nhiều và dùng lời lẽ coi thường, sỉ vả Thành. Nhưng để chống đối cha, Thành đã lấy game làm nơi trút bỏ tất cả những bức bách của tuổi mới lớn. Kết quả học tập sa sút của Thành là do một phần thiếu trách nhiệm của cả cha và mẹ trong việc giáo dục con cái. Vợ chồng ông Yên đã vì cuộc sống mưu sinh mà buông lỏng sự dạy bảo con từ khi chúng còn quá nhỏ, để cho bị cáo sống tự do, không nề nếp từ gốc.

Bên cạnh đó, sau nhiều năm xa quê hương, tết năm 2008, bà Nguyên về nước phát hiện chồng có quan hệ ngoại tình và đã xảy ra xô xát. Chứng kiến cảnh cha đánh mẹ, Thành càng căm uất, không tôn trọng cha. Bị ông Yên đánh chửi, khiến bị cáo đã nhiều lần muốn nhảy lầu tự tử nhưng được mọi người can ngăn kịp thời.

Từ những mâu thuẫn ấy, đến 22h30 ngày 6-5-2009, Thành đi chơi game về thì lại bị ông Yên chửi tục. Biện minh lý do về muộn, sau đó Thành đi về phòng ngủ. Tuy nhiên, ông Yên vẫn chửi, khiến Thành bực tức và dùng dao để trên bàn hạ sát cha đẻ của mình. Nhằm che dấu hành vi, bị cáo đã chặt xác cha thành năm mảnh vứt xuống sông phi tang.

Suy nghĩ và hành vi của bị cáo là quá non nớt, thể hiện sự không hiểu biết, nhưng lại lo sợ về hậu quả mình gây ra nên đã có hành vi làm tăng trách nhiệm hình sự. Bị cáo phạm tội khi mới 18 tuổi 16 ngày, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, sát hại chính cha đẻ của mình hết sức tàn ác.

Ở trường, học bạ của Thành các năm học đều có học lực kém, nhưng không có dấu hiệu thể hiện là học sinh cá biệt, trong học bạ đều nhận xét là học sinh ngoan, lễ phép với thầy cô giáo. Thế nhưng, với cha đẻ, Thành thực hiện hành vi mất hết nhân tính, điều đó cho thấy sự ức chế tâm lý ở độ đuổi của bị cáo đã vượt ngưỡng chịu đựng. Điều đó cho thấy, bị hại là cha của bị cáo cũng mắc sai lầm trong việc nuôi dạy con.

Xét theo kháng cáo bà Nguyên và chị gái bị cáo cũng là đại diện hợp pháp của bị hại xin giảm hình phạt về tội giết người cho Thành với lý do trong gia đình chồng, cha đã chết, nay bị cáo bị kết án tử hình, đó là cái chết trong hoàn cảnh đau thương, gia đình chỉ còn hai người phụ nữ, sẽ không thể sống nổi khi thảm họa sụp xuống mà họ là người phải gánh chịu nặng nề về tinh thần. Chính vì vậy, mà HĐXX thấy có sơ sở để áp dụng tính nhân đạo của pháp luật, giảm hình phạt về tội giết người cho bị cáo và xét thấy, tội cướp tài sản mà tòa sơ thẩm tuyên là có căn cứ.

Với những chứng cứ và viện dẫn trên, HĐXX tòa phúc thẩm đã tuyên giảm từ tử hình xuống chung thân đối với bị cáo Nghiêm Viết Thành (SN 1991, trú tại 312 đường Điện Biên Phủ, phường Bình Hàn, TP Hải Dương) về tội giết người và 4 năm tù về tội cướp tài sản. Tổng mức hình phạt đối với bị cáo là chung thân.

Nghe tòa tuyên án, Thành như được sinh ra lần thứ 2, hắn mừng mừng, tủi tủi, cổ họng ứa nghẹn. Còn về phần bà Nguyên, bà chẳng biết nói câu gì hơn nữa, chỉ biết nói rằng: “Cảm ơn lòng vị tha của xã hội và cảm ơn chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước…”

Theo Phương Tâm
Pháp luật&Xã hội

MỚI - NÓNG