Tình yêu dừng bước giang hồ

Tình yêu dừng bước giang hồ
TP- Triệu Tiến Phủ, 39 tuổi, ở bản người Dao, làng Yên Sơn, xã Ba Vì (Ba Vì, Hà Tây) được nhắc đến như một “giang hồ rẽ lối hoàn lương” làm lại cuộc đời và là tấm gương vươn lên làm kinh tế giỏi.

Triệu Tiến Phủ, bước ra đón chúng tôi trên sườn dốc với nụ cười hiền khô. Khó có thể tin, người có nụ cười ấy từng mang biệt danh Phủ “con rơi” và là “đại ca” của đám đàn em chuyên đi cướp bóc, phạm tội, vào tù...

Quậy phá dưới núi Ba Vì

Ông Lý Sinh Vượng - Trưởng Công an xã Ba Vì cho hay, Triệu Tiến Phủ sinh ra trong dòng họ có hủ tục đẻ vỡ kế hoạch lạc hậu nhất bản người Dao nên Phủ bị bỏ rơi.

Lớn lên, không người định hướng tương lai nên anh đã đi vào con đường phạm tội. Những hủ tục đáng buồn ấy đã khiến bao lớp trai bản hư hỏng, lâm cảnh nghiện ngập, trong đó Phủ là “có số” nhất.

Nhà Triệu Tiến Phủ có 8 anh chị em, Phủ là con thứ sáu nên bị “bỏ rơi” như những anh chị em kế người anh cả (thời điểm ấy người Dao còn có hủ tục chỉ tập trung chăm lo cho người con cả).

Từ nhỏ, những đứa trẻ đã không được chăm sóc, dạy dỗ. Phủ sinh ra và lớn lên như con thú hoang giữa rừng già. Anh ngang ngạnh, thích thể hiện sức mạnh, xưng hùng, xưng bá một thời.

Lớn lên chút nữa, Phủ theo bạn bè, tụ tập rượu chè, quậy phá, trộm cắp. Anh đã từng có nhiều tiền sự và tiền án, rồi đi tù 2 năm ở tận Nghệ An... Ra tù, Phủ bỏ nhà “đi bụi” ở các thành phố kiếm sống nhưng tay trắng vẫn hoàn trắng tay.

Anh lại về quê sống lêu lổng, trộm cắp, trấn lột, trở thành nỗi khiếp đảm của bà con trong vùng và khách du lịch.

Năm 1990, Phủ về quê ngoại và vô tình gặp và bén duyên với cô gái đất Tổ (Phú Thọ) tên là Triệu Thị Lan. Họ trở thành chồng vợ trong sự ngờ vực của đôi bên gia đình vì Phủ lấy vợ nhưng vẫn được giới giang hồ trong vùng tôn xưng và dựa dẫm.

Cuộc sống vợ chồng với 2 bàn tay trắng, ăn còn chẳng đủ, Phủ tiếp tục lún sâu hơn vào con đường phạm tội.

Dưới chân núi Ba Vì, khu du lịch Ao Vua đang phát triển mạnh, khách du lịch thập phương nô nức đổ về, thiên hạ hái ra tiền nhờ đủ thứ dịch vụ. Phủ nhằm vào những đối tượng có tiền đó, chỉ đạo đám đàn em móc túi, lừa khách, thu tiền bảo kê...

Chủ kinh doanh nào không chịu nộp “phí” Phủ cho đám đàn em đến quậy phá, đuổi khách. Khi cơ quan công an đến can thiệp thì “quân” của Phủ đã rút êm.

Sự lộng hành của Phủ và nhóm đàn em khiến người dân trong vùng khiếp sợ, không ai dám chống trả. Suốt một thời gian dài Phủ “làm ăn” rất khấm khá, hái ra tiền. Nhưng kiếm được bao nhiêu tiền, Phủ đều dốc vào ăn chơi trác táng và nghiện ngập.

Chồng ngày càng dấn sâu vào con đường xấu, Lan khéo bề can ngăn, nhưng mỗi lần như thế, Lan đều bị Phủ đánh chửi thậm tệ. Lan kể: “Sau mấy năm tôi tích cóp được ít tiền, định bụng mua thêm con trâu, con lợn tăng gia sản xuất, nào ngờ sểnh ra một tí, chỗ tiền đã không cánh mà bay.

Tôi ra điều can ngăn liền bị anh ấy đuổi đánh cả đêm, may mà có chị em trong Hội phụ nữ kịp thời can thiệp. Những lúc như thế tôi chỉ muốn chết, chẳng muốn sống nữa”.

Tung hoành ngang dọc rồi cũng đến ngày Phủ phải “trả nợ”. Còn nhớ hôm đó, vào buổi sáng sớm, đang chuẩn bị lên nương ngô, Phủ nhận được tin báo có đôi trai gái sang trọng đang lạc giữa rừng.

Sau mấy phút suy nghĩ, Phủ cùng đệ tử xách dao đi “tiếp sức” cho đám đàn em “hoa tiêu”. Đến nơi, nhóm của Phủ dùng dao khống chế, cướp tư trang. Phi vụ này, bọn Phủ lột được chục triệu đồng và chiếc máy ảnh đắt tiền.

Nhưng chưa đi được bao xa, thì bị dân và bảo vệ Ao Vua đuổi theo. Cả đám của Phủ bỏ chạy thục mạng lên rừng ẩn náu. Phủ và đồng bọn đã bị bắt sau đó.

“Sau đó lại là những ngày sống trong tù. Đây là thời gian tôi bị dày vò nhất, mỗi khi nhớ lại những việc làm phạm pháp trong quá khứ. Đang ngồi tù thì nhận được vợ tôi bụng mang dạ chửa, hàng tuần phải băng rừng đi bộ hàng chục cây số đưa đồ tiếp tế.

 Đồ tiếp tế đó cũng chẳng có gì, chỉ có vài nắm cơm, nghĩ lại thấy thương vợ vô cùng. Tôi ăn miếng cơm trong nước mắt “ - Phủ nhớ lại. Nhờ cải tạo tốt, Phủ được khoan hồng và tha tù trước thời hạn.

Khi ấy, Phủ về nhà và ngẫm lại đời mình thấy ân hận, thấy có lỗi với vợ con, với tất thảy mọi người. Rồi lại thêm được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, Phủ quyết tâm “hoàn lương”, làm lại cuộc đời trước khi chưa quá muộn.

Năm đó, xã Ba Vì có chương trình vận động thanh niên đi xây dựng vùng kinh tế mới, giao đất giao rừng, thế là vợ chồng Lan- Phủ khăn gói chọn sườn núi Yên Sơn làm nơi lập nghiệp.

Đây là vùng toàn cỏ lau, cây dại nên không có nông dân nào cải tạo được. Quyết tâm của Phủ đã làm Lan động lòng. Dựng túp lều tranh, Phủ đi khai hoang lấy đất trồng lúa, trồng sắn. Hiềm nỗi, đất hoang, cây khó lớn và chẳng đủ ăn...

Nhiều lần anh chán nản định bỏ xuống núi với đám bạn liên tục mời gọi. Lúc ấy, vợ anh dùng đủ mọi cách để giữ chân chồng, thậm chí dọa tự tử nếu anh xuống núi quay lại đường cũ.

Rồi Lan đi mua sách hướng dẫn cây trồng, mô hình VAC cho Phủ cùng đọc, chỗ nào không hiểu thì xuống núi hỏi thêm, cứ thế họ học cách làm. Một vụ, hai vụ... rồi thành công đã đến với họ.

Dĩ vãng lùi xa

Nay trong trang trại xanh ngắt một màu của cây ăn quả, sườn núi kế bên là những thửa ngô dài tít tắp, xanh mơn mởn, Phủ chậm rãi kể chuyện cho chúng tôi nghe.

Anh đã thực sự “lột xác” để đạt được những thành quả làm giàu cho bản thân mình và quê hương bằng mồ hôi và nước mắt của mình. Bây giờ khi có tiền, Phủ còn cho một số bà con khó khăn vay vốn để tăng gia sản xuất.

Có trường hợp như Tân, vốn là “đàn em” thời sống giang hồ cũng được anh cho vay 20 triệu đồng để làm kinh tế theo mô hình vườn ao chuồng. Tân bảo: “Anh Phủ làm được, em tin em cũng sẽ thành công”.

Bây giờ, trong nhà Phủ có 10 người làm, trong đó 4 lao động vốn là những đàn em “dưới trướng” của Phủ ngày xưa nay “rửa tay gác kiếm” theo anh Phủ hoàn lương và được trả công 1,2 triệu/tháng.

Phủ bảo, sang năm sẽ nhận thêm nhiều người làm và có việc ổn định. Nếu thanh thiếu niên hư hỏng nào muốn xin vào làm anh cũng sẵn lòng, bởi anh rất hiểu họ, anh tin họ sẽ trở thành người tốt nếu có quyết tâm cao.

Đang mải ngồi kể chuyện với chúng tôi, điện thoại của Phủ đổ chuông. Nghe máy xong, Phủ nói đó là khách hàng dưới Ao Vua gọi lên đặt mua măng.

Trong những ngày bị quản thúc tại địa phương, Phủ đã khai hoang trồng được 1.000 gốc bương lấy măng, hàng ngàn gốc bạch đàn, chè Ô long và Quế. Mỗi năm trang trại của Phủ cung cấp cho khu du lịch Ao Vua vài ba tấn măng, thu hàng chục triệu đồng.

Ngoài ra, Phủ trồng ngô phục vụ chăn nuôi. Trong làng ai cũng bảo vợ chồng Lan-Phủ mát tay, hàng năm xuất chuồng 10 - 15 tấn lợn hơi. Nhờ đó, vợ chồng Phủ đã trang trải hết nợ nần, sắm được những đồ dùng tiện nghi.

“Nếu không có Lan và tình yêu của cô ấy luôn ở bên tôi động viên, an ủi, chắc đời tôi không bao giờ rút chân được khỏi vũng bùn đen tối, lầy lội ấy...”, Phủ tâm sự.  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.