Tội không tố giác tội phạm: Chỉ vì thương mới ra nông nỗi…

Tội không tố giác tội phạm: Chỉ vì thương mới ra nông nỗi…
Chỉ vì tình cảm, quan hệ cùng sự thiếu hiểu biết pháp luật mà khá nhiều người phải trả giá bằng một bản án nghiêm khắc cho hành vi nông nổi của mình…
Một bị cáo phải hầu tòa vì phạm tội không tố giác tội phạm
Một bị cáo phải hầu tòa vì phạm tội không tố giác tội phạm.

Đổ lỗi vì người phạm tội là người thân

Ngày 25-6, TAND thành phố Hà Nội đã mở phiên toà xét xử vụ án “Dùng điện bẫy người” và tuyên án đối với bị cáo Đỗ Văn Toản (SN 1963, trú tại thôn Nhân Trang, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hoà) 7 năm tù giam với tội danh giết người. Chỉ vì không muốn chuột phá đám mạ đang gieo trên đất nhà mình, Toản đã tìm cách bẫy chuột bằng dây điện khiến một người cùng xã bị điện giật chết ngay tại chỗ.

Lo sợ chồng mắc trọng tội, Đỗ Thị Vân (vợ Toản) đã cùng chồng bàn cách chôn giấu xác nạn nhân. Cả hai đã chở thi thể đến cách đồng Man, thôn Đông Đình, xã Đại Cường (cách đó khoảng 700m) đào hố giấu xác.

Như vậy, chỉ vì thương chồng cùng với thiếu hiểu biết pháp luật, Vân đã vô tình phạm vào tội “Che giấu tội phạm”. Tại phiên tòa, HĐXX nhận định: “Xét thấy bị cáo còn phải nuôi mẹ già 80 tuổi và đứa con nhỏ, chồng thì bị án tù nên bị cáo Vân được giảm nhẹ hình phạt…”, tuyên phạt Đỗ Thị Vân mức án 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Một vụ án “Không tố giác tội phạm” khác cũng đã được TAND quận Hoàng Mai đưa ra xét xử đầu tháng 7 vừa qua. Theo truy tố, thấy bố mẹ không đáp ứng tiền ăn tiêu và mua xe máy cho mình, Nguyễn Đình Việt (SN 1986, trú tại 94 Trương Định, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) đã bỏ nhà đến ở cùng với người yêu là Dương Quỳnh Anh (SN 1987, trú tại 146, tổ 13, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng).

Quỳnh Anh đã có chồng và một con nhỏ 3 tuổi nhưng lại ra thuê trọ ở đường Tam Trinh, phường Mai Động, quận Hoàng Mai. Sống cùng “cô bồ” chỉ một thời gian ngắn Việt dần bí bách tiền tiêu.

Trong lúc “túng thế”, Việt đã nghĩ ra cách moi tiền của bố mẹ bằng việc cho người đến gia đình đòi nợ… chính mình. Việt hi vọng bố mẹ vì thương mình phải trả nợ và Việt sẽ có tiền để tiếp tục ăn chơi. Việt đã lên “kế hoạch” cùng đồng phạm tại phòng trọ với sự có mặt của Quỳnh Anh. Dù biết dự định của bạn trai nhưng Quỳnh Anh không hề ngăn cản mà thậm chí còn đứng bên ngoài chờ Việt và những tên đồng phạm đến nhà “đóng kịch” hăm dọa gia đình.

Đến khi mẹ Việt không kịp vay đủ tiền trước giờ hẹn, lo sợ đám người đòi nợ làm hại con mình nên bà đã báo công an. Khi CQĐT vào cuộc thì mẹ Việt mới “ngã ngửa” vì kẻ chủ mưu lại chính là cậu quý tử của mình. Việt và đồng phạm đã phải lĩnh án tù với tội cưỡng đoạt tài sản còn Quỳnh Anh tuy thoát tội đồng phạm nhưng cũng phải nhận mức án 15 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Không tố giác tội phạm”.

Vẫn còn thiếu hiểu biết pháp luật

Nói về hành vi phạm tội của mình trước HĐXX, Quỳnh Anh vẫn thản nhiên cho rằng: “Bị cáo không dám tố giác vì sợ ảnh hưởng đến tình cảm giữa bị cáo và Việt”. Không chỉ Vân, Quỳnh Anh đều không nhận thức được hành vi phạm tội của mình mà trên thực tế đã chứng minh trình độ hiểu biết luật pháp của rất nhiều người dân vẫn còn rất thấp với hành vi này.

Chính vì vậy, không ít người khi phải ra toà nhưng vẫn ngơ ngác, không hiểu mình đã phạm phải tội gì. Thậm chí, nhiều bị cáo còn lớn tiếng: “Tôi không có tội gì cả. Bị cáo Y. trực tiếp gây ra vụ án thì phải xử bị cáo Y. chứ không phải xử tôi. Vì Y. là người thân tôi không thể báo cho CQĐT được”. Chỉ đến khi nghe HĐXX giải thích về hành vi phạm tội của mình thì những bị cáo này mới thực sự hối hận.

Luật sư Nguyễn Mai Anh (thuộc đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: “Hành vi “Che giấu tội phạm” và “Không tố giác tội phạm” thuộc hai dạng. Dạng thứ nhất là do trình độ hiểu biết về pháp luật kém nên không hề nhận thức được việc im lặng của mình lại là cơ sở để cấu thành tội phạm.

Dạng thứ hai là do đối tượng hiểu biết pháp luật nhưng do thủ phạm là người thân nên vì sự thân thiết, gắn bó mà cố tình che giấu hành vi phạm tội ấy. Một điều đáng nói là số người phạm vào tội danh trên không phải ít trong các vụ án hình sự và điều kiện sống của họ thuộc mức trung bình hoặc khá ngay giữa đô thị. Xét về trình độ nhận thức, bản thân những bị cáo này đều có học thức nhưng nhận thức về pháp luật lại bằng không…”.

“Trên thực tế, loại tội phạm này đang ở mức đáng báo động, do vậy cần có sự quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân. Đặc biệt với những trường hợp khi biết người phạm tội (là người thân quen, người yêu hoặc vợ, chồng…) thì người đó sẽ biết cách khuyên nhủ người phạm tội ra đầu thú và thành khẩn khai nhận tội. Suy cho cùng, bản thân người biết sự việc sẽ tránh được tội không tố giác, che giấu tội phạm mà cũng sẽ không còn điệp khúc “giá như biết trước…” - luật sư Mai Anh đề nghị.

Nguyễn Hiếu
Theo An ninh thủ đô

Điều 21 - BLHS quy định về tội “Che giấu tội phạm”.

Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.

Điều 22 - BLHS quy định về tội “Không tố giác tội phạm”.

Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 313 của Bộ luật này. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 313 của Bộ luật này.

 
MỚI - NÓNG