Tổng giám đốc ''giấy'' và cú lừa ngoạn mục

Tổng giám đốc ''giấy'' và cú lừa ngoạn mục
Không một đồng vốn trong tay nhưng Chu Thế Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phong Phú (thuê trụ sở tại 44 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại trúng được 4 gói thầu tầm cỡ tại tỉnh Hà Tây.
Tổng giám đốc ''giấy'' và cú lừa ngoạn mục ảnh 1
Trụ sở của công ty cổ phần Phong Phú

Nếu thi công 4 dự án này, Tâm phải có trong tay hơn 3.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế vị Tổng Giám đốc này không có một đồng xu dính túi, thậm chí còn đang mắc nợ hàng trăm nghìn đôla.

Nếu nhìn bề ngoài, “đại gia đình Phong Phú”, với 1 công ty “mẹ” và 2 công ty “con” do Chu Thế Tâm, 34 tuổi, làm Tổng giám đốc, quả là một “tập đoàn kinh tế” hùng mạnh, vì có số vốn tới hàng trăm tỷ đồng.

Trong đó doanh nghiệp “mẹ”, Công ty cổ phần Phong Phú, có số vốn: 200 tỷ đồng. 2 công ty “con”, gồm: Công ty Vàng bạc Phong Phú, do bà Nguyễn Thị Nhâm làm Giám đốc, vốn 30 tỷ đồng; Công ty cổ phần đầu tư tài chính Phong Phú, do ông Đặng Quốc Thắng làm Giám đốc vốn 50 tỷ đồng.

Thực tế đó chỉ là những con số trên giấy. Điều lạ là mặc dù có số vốn lớn như vậy, ngành nghề kinh doanh lại rất phong phú, nhưng cả công ty “mẹ” và công ty “con” đều chẳng làm ăn gì, doanh thu thể hiện trong sổ sách kế toán chỉ là con số không.

Không có doanh thu, nhưng lương của 20 nhân viên từ Bắc chí Nam của Công ty Phong Phú, kẻ ít cũng 5 triệu đồng, người nhiều là 16 triệu đồng. Còn ông chủ Chu Thế Tâm thì rủng rỉnh, đi làm bằng chiếc xe Mercedes S500 đời mới trị giá tiền tỷ, suốt ngày ăn nhậu, tiệc tùng và thi thoảng lại tới sân golf để giải khuây.

Thực ra, sự khuếch trương của Chu Thế Tâm là có mục đích. Bằng việc tự “đánh bóng mình”, nên nhìn vào, ai cũng bảo “đại gia đình Phong Phú” đang ăn nên làm ra. Đây là nguyên nhân giải thích vì sao, Tâm “tay không” mà “bắt” được 4 dự án tầm cỡ của tỉnh Hà Tây.

Dự án thứ nhất là đường Tế Tiêu - Yến Vỹ (từ thị trấn Tế Tiêu vào chùa Hương) dài 10,5 km, tổng kinh phí dự án 135 tỷ đồng, UBND tỉnh đã duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi ngày 19/3/2004, nhưng tới nay vẫn là “dự án treo” chưa có kinh phí thực hiện.

Dự án thứ hai là đường Đỗ Xá - Quan Sơn (điểm đầu từ nút Vạn Điểm, điểm cuối giáp với đường Hồ Chí Minh ở Kim Bôi, Hoà Bình), dài 29 km, tổng vốn đầu tư là 975 tỷ đồng. Hồ sơ dự án này đang được các cơ quan chức năng thẩm định từ 2004.

Dự án thứ ba là khu du lịch hồ Quan Sơn tại huyện Mỹ Đức, tổng giá trị đầu tư là 960 tỷ đồng, UBND tỉnh Hà Tây đã duyệt quy hoạch từ năm 2004.

Dự án thứ tư là khu đô thị mới Vạn Minh, huyện Thường Tín, Hà Tây; có tổng mức đầu tư là 1.050 tỷ đồng. UBND tỉnh đã duyệt quy hoạch chi tiết từ tháng 5/2004. Mặc dù các dự án mới nằm trên giấy, nhưng Công ty Phong Phú đã quảng cáo bằng panô tại khu vực dự án, và phát tờ rơi giới thiệu về dự án tại Hà Nội và TP HCM để... mời khách.

Ngoài dự án đường Tế Tiêu - Yến Vỹ đã được phê duyệt báo cáo khả thi, 3 dự án còn lại đang bị mắc vì các Sở chức năng của tỉnh Hà Tây có nghi ngờ về khả năng tài chính của Công ty Cổ phần Phong Phú, nếu thi công cả 4 dự án này, đòi hỏi “nhà tài phiệt” Chu Thế Tâm phải có vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, nhưng phân tích báo cáo tài chính của “đại gia đình Phong Phú” thì lại rất mập mờ!

Để “vẽ ra tiền” làm tin với các cấp quản lý, Tâm phịa thêm một “công ty con” thứ 3 có tên là Công ty Cổ phần Phong Phú Embassy, trụ sở 35 Nguyễn Trung Trực, quận 1, TP HCM, có vốn 270 tỷ đồng và một nguồn tài sản khác là toà nhà 85 Nguyễn Du, quận 1, TP Hồ Chí Minh trị giá 300 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tâm còn phịa là đang có trong tay bất động sản trị giá 850 tỷ đồng, trong đó trữ lượng vàng miếng SJC là 26.000 lạng (gần 1 tấn vàng, trị giá 156 tỷ đồng), tiền mặt 90 tỷ đồng, động sản 16 tỷ đồng... Tổng vốn giải trình là 1.971 tỷ.

Trong lúc “nhà tài phiệt” Chu Thế Tâm đang “khua môi, múa mép” về năng lực tài chính “trên giấy” của mình, thì Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Hà Nội đã xác minh không có Công ty Cổ phần Phong Phú Embassy.

Trụ sở 35 Nguyễn Trung Trực,TP HCM là khách sạn mang tên Embassy do Ban Tài chính quản trị Thành ủy TP HCM quản lý, Công ty Phong Phú thuê lại từ ngày 18/12/2003, giá 45.000 USD/tháng. Nhưng khi ký hợp đồng xong, Công ty Phong Phú không kinh doanh gì, mà chỉ ký lại cho hai Công ty Kim Hạnh và Hoàng Chê thuê một phần rất nhỏ mặt bằng kinh doanh...

Vì vậy, ngày 1/7/2004, Ban Tài chính quản trị Thành ủy TP HCM đã khởi kiện ra Toà án quận 1, đòi thu hồi lại nhà. Toà án đã buộc Công ty Phong Phú phải trả lại khách sạn và phải thanh toán 189.000 USD và 334 triệu đồng cho Ban Tài chính... (tiền thuê mặt bằng, tiền gây hư hỏng tài sản toà nhà).

Tuy nhiên, trong thời gian cho thuê lại nhà, Công ty Phong Phú đã chiếm giữ của Công ty Hoàng Chê 16.500 USD và 233 triệu đồng; chiếm giữ của Công ty Kim Hạnh 15.600 USD và 48 triệu đồng bằng cách buộc 2 công ty này phải đặt cọc, nộp tiền thuê trước thời hạn, trả tiền điện nước...

Tại cơ quan điều tra, Chu Thế Tâm thừa nhận không có năng lực tài chính theo giải trình với các cơ quan chức năng. Như vậy, “đại gia đình Phong Phú” thực tế chỉ là một con “hổ giấy”, vậy mà Công ty này lại được tin tưởng giao cho thực hiện 4 dự án tiền tỷ.

Sau khi Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ Công an TP Hà Nội có công văn thông báo những khuất tất trong hoạt động của Công ty Cổ phần Phong Phú, thì UBND tỉnh Hà Tây đã có quyết định dừng việc thực hiện dự án đối với Công ty Cổ phần Phong Phú.

Ngày 15/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội và Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã thống nhất nhận định đây là một vụ lừa đảo nghiêm trọng, sẽ áp dụng một số biện pháp tố tụng để làm rõ hành vi của Chu Thế Tâm trước pháp luật.

Như vậy, ngoài vi phạm đã rõ của Chu Thế Tâm đối với Ban Tài chính quản trị TP HCM, Công ty Hoàng Chê và Kim Hạnh, CQĐT đang làm rõ hành vi của Chu Thế Tâm trong việc ký hợp đồng kinh tế với một số đơn vị để lừa đảo khoảng 2 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...