TPHCM : Hàng ngàn người mua hồ sơ xin việc giả

TPHCM : Hàng ngàn người mua hồ sơ xin việc giả
Các bộ hồ sơ xin việc giả được thực hiện với công nghệ copy giống y như thật. Đã có hàng trăm doanh nghiệp trở thành nạn nhân của những đường dây gian lận này…
TPHCM : Hàng ngàn người mua hồ sơ xin việc giả ảnh 1
Giấy tờ, con dấu giả của công ty Nhật Tùng.

Trong tháng 11/2006, Công an quận Bình Tân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng chính trong đường dây "làm giả con dấu, làm giả tài liệu của cơ quan Nhà nước" nhằm hợp thức hóa hồ sơ xin việc làm do Lê Thanh Tùng (28 tuổi), quê Đồng Tháp, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại  dịch vụ Nhật Tùng, có trụ sở tại khu phố 8, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, và đồng bọn thực hiện.

Lê Thanh Tùng được mời về trụ sở Công an trong khi đang đôi co với Lưu Vũ Linh (18 tuổi, quê Bạc Liêu) để đòi chi phí làm giả giấy tạm vắng mà Tùng đã làm cho Linh và một số người khác.

Tại cơ quan điều tra, Tùng khai nhận: Không chỉ làm và kinh doanh giả giấy tạm vắng, Tùng và đồng bọn còn làm giả CMND, sổ hộ khẩu, sơ yếu lý lịch, giấy khám sức khỏe, bằng tốt nghiệp… để làm hồ sơ giả bán cho những ai có nhu cầu xin việc tại các công ty, xí nghiệp.

Để thực hiện việc này, Tùng móc nối với  Lê Tấn Kiều (26 tuổi, quê Quảng Ngãi) mua hồ sơ giả với giá 90.000đ/bộ và bán lại cho người có nhu cầu tìm việc giá 150.000đ/bộ để hưởng chênh lệch. Tùng lấy CMND của những người thiếu nợ, cầm cố cho Tùng rồi bóc hình, dán hình của "khách hàng" vào và thay đổi tên họ.

Với thủ đoạn trên, Tùng đã "giới thiệu" được nhiều đối tượng có việc làm. Khám xét tại Công ty Nhật Tùng, cơ quan Công an thu được nhiều bộ hồ sơ giả và những tài liệu liên quan đến thủ tục xin việc làm cho người lao động.

Từ lời khai của Tùng, thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của Lê Tấn Kiều, cơ quan Công an cũng đã thu giữ 1 bộ máy tính, 1 máy in và nhiều CD mẫu cùng hàng trăm giấy tờ gồm: Sơ yếu lý lịch, sổ hộ khẩu, đơn xin việc làm, giấy khám sức khỏe, bản photo CMND, bằng tốt nghiệp cấp THCS, THPT… đã được đóng dấu khống ở khắp các địa phương từ miền Trung tới miền Tây. Tại đây còn có cả con dấu và 3 cuốn sổ ghi địa chỉ các công ty, xí nghiệp cần người lao động.

Tiếp tục khám xét tại nhà Bùi Tá Huệ (25 tuổi, quê Quảng Ngãi) cùng trong đường dây làm hồ sơ xin việc giả, cơ quan Công an cũng thu giữ nhiều giấy tờ giả mạo liên quan đến hồ sơ xin việc làm, Huệ chưa kịp mang đi tiêu thụ. Ngoài ra, cũng để mở rộng địa bàn hoạt động, Kiều đã móc nối với các trung tâm giới thiệu việc làm ở các khu vực vùng ven, chủ yếu là Bình Tân và Bình Chánh để nhận làm hồ sơ với giá 90.000đ/bộ Sau đó, Kiều giao cho Tâm làm với giá 60.000đ/bộ để hưởng chênh lệch.

Trước đó, cũng tại địa bàn quận Bình Tân, Công an Bình Tân đã triệt phá một đường dây làm hồ sơ xin việc giả với quy mô lớn do Võ Công Giàu (36 tuổi, ngụ tại xã Hòa Khánh Tây, Đức Hòa, Long An) cầm đầu. Với những thủ đoạn gian lận rất tinh vi, các đối tượng trong đường dây đã móc nối với 9 TTGTVL đóng trên địa bàn quận Bình Tân và từ các TTGTVL này, hàng ngàn bộ hồ sơ xin việc giả cho người lao động đã được tiêu thụ, phân tán khắp các doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP.

Điều nguy hiểm là các vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan Nhà nước đã được các đối tượng trong các đường dây làm giả hồ sơ thực hiện bằng các thủ thuật tinh vi, rất khó phát hiện. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng đã sản xuất ra hàng ngàn bộ hồ sơ giả, tiêu thụ khắp nơi mà không bị phát hiện.

Trong số đó, ngoài những người có nhu cầu thật sự về việc làm, cũng không thể loại trừ những thành phần bất hảo, côn đồ, sử dụng những bộ hồ sơ giả mạo như là phương tiện để "hợp thức hóa" hay việc tẩy xóa, tráo hình, đổi tên trong CMND tạo điều kiện cho các đối tượng phạm tội có nơi ẩn náu an toàn, chờ thời cơ gây án. Những hành vi này thật sự gây khó khăn, phức tạp trong việc quản lý tình hình an ninh trật tự của chính quyền địa phương.

Thực tế cho thấy, việc thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP HCM một phần là do việc tuyển lao động quá gắt gao, một phần là do tay nghề của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng. Áp lực này khiến cho một số người lao động phải cần sự trợ giúp của hồ sơ giả mạo để kê khống những chỉ tiêu phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Để ngăn chặn mọi họat động của các đường dây "sản xuất" hồ sơ xin việc "dỏm" đang có chiều hướng lan rộng, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động cần thận trọng hơn trong việc xem xét, thẩm định các giấy tờ liên quan đến hồ sơ xin việc làm. Điều này cũng góp phần giúp các cơ quan chức năng ổn định tình hình ANTT trên địa bàn, đồng thời giúp người lao động tránh khỏi rủi ro do bọn lừa đảo gây ra.

Theo CAND

MỚI - NÓNG