Trưởng Ban chuyên án trải lòng sau vụ thảm sát tại Bình Phước

"Trả nợ" xong cho các nạn nhân, vẫn còn lại nỗi xót xa

Cảnh sát điều tra khám nghiệm hiện trường vụ án thảm sát ở Bình Phước. Ảnh: Trần Tiến
Cảnh sát điều tra khám nghiệm hiện trường vụ án thảm sát ở Bình Phước. Ảnh: Trần Tiến
TP - “Tôi cùng đồng đội đã trả “món nợ” cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân nhưng vẫn canh cánh nỗi xót xa. Hậu quả vụ án nặng nề và thảm khốc quá. Đây không phải là chiến công, mà là trách nhiệm. Gia đình nạn nhân chỉ còn lại một cháu bé 18 tháng tuổi. Hương khói vẫn còn, nỗi đau vẫn còn...".

Chiều 13/7, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an, Trưởng ban chuyên án vụ thảm sát ở Bình Phước xảy ra rạng sáng 7/7, chia sẻ với PV Tiền Phong và một số báo về những vấn đề phía sau vụ thảm án.

Hơn 1.000 cán bộ, chiến sỹ vào cuộc

Trung tướng Phan Văn Vĩnh cho biết, ông nhận tin về vụ án khi đang dự hội nghị tại Lâm Đồng, ngay lập tức, ông đặt vé bay ngay về Bình Phước. Với chỉ đạo của Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an - là tập trung tất cả các nguồn lực để khám phá vụ án, cử những cán bộ tinh nhuệ về hiện trường để chung lòng, chung sức phá án... Có tổng cộng hơn 1.000 cán bộ, chiến sỹ cùng các tướng lĩnh công an được huy động.

Trong số này, 14 “cánh quân” thuộc các đơn vị Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát từ Hà Nội và TPHCM; lãnh đạo Công an 10 tỉnh, thành lân cận cũng vào tham gia, cùng nhau thảo luận tổ chức điều tra. Đó là chưa kể tới quân số của Công an tỉnh Bình Phước và 100% lãnh đạo Công an các huyện. “Tất cả các lực lượng chúng tôi xung trận với quyết tâm điều tra, khám phá nhanh chóng vụ án để các nạn nhân, gia đình nạn nhân và dư luận xã hội được yên lòng” - Tướng Vĩnh chia sẻ.

Cũng theo Trung tướng Phan Văn Vĩnh, để nhanh chóng khám phá vụ án, không còn cách nào khác là sự tận tâm, chắt chiu, để “dựng khung, dựng hình” vụ án. Không có con đường nào khác là cả nghìn cán bộ được đưa vào “trận đánh” này phải đồng tâm hiệp lực. Có những đồng chí tận tụy ở ngoài hiện trường nắng mưa, có đồng chí tận tụy trong phòng nghiên cứu, có đồng chí tận tụy rong ruổi theo đuổi các băng ổ nhóm...

“Riêng hiện trường vụ án này, chúng tôi khám nghiệm tới 4 lần, cứ khám xong, thấy có điểm chưa an tâm lại làm lại từ đầu. Làm việc căng thẳng đến mức anh Phúc (đại tá Trần Thắng Phúc, Giám đốc Công an Bình Phước - PV) 3 ngày đêm chỉ mặc duy nhất một bộ quân phục, vì không có thời gian để thay quần áo” - Tướng Vĩnh kể.

Hàng nghìn thông tin từ quần chúng

“Sự đồng thuận thể hiện bằng việc cùng vận dụng sự mưu trí, vận dụng hết các kinh nghiệm có được để cùng thảo luận phá án. Đơn cử như cuộc họp khẩn của Ban chuyên án trong đêm 8/7, cùng với sự góp mặt của rất nhiều tướng lĩnh, những người có kinh nghiệm trong điều tra, song chúng tôi trân trọng cả những ý kiến của một đồng chí thượng sỹ” - ông Vĩnh nói.

"Trả nợ" xong cho các nạn nhân, vẫn còn lại nỗi xót xa ảnh 1

Trung tướng Phan Văn Vĩnh: "Ngay khi đến nơi, tôi đã thọc tay vào găng nilon để cùng anh em khám nghiệm hiện trường". Ảnh: Lê Dương

Ngoài sức mạnh tổng hợp, sự đoàn kết cùng nhau kề vai sát cánh của lực lượng công an, Tướng Vĩnh cũng không quên nhắc tới sức mạnh quần chúng nhân dân. Ông cho rằng, muốn “đánh gục” tội phạm nhất thiết phải có những căn cứ có giá trị pháp lý; phải huy động được sức mạnh, sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân, càng nhiều càng tốt.

 “Ban chuyên án đã nhận được hàng nghìn thông tin từ quần chúng nhân dân, trong đó có thông tin rất có ích cho quá trình phân tích điều tra. Thậm chí cả một đối tượng có tiền án tiền sự cũng nhắn tin cung cấp thông tin để Ban chuyên án đánh giá, phân tích” - ông Vĩnh tiết lộ.

Về những khó khăn khi điều tra vụ án, Trung tướng Phan Văn Vĩnh nói: “Không có vụ án nào dễ, tội phạm đã muốn gây ra vụ án thì không dễ gì chúng tự tra tay vào còng. Các đối tượng luôn tìm cách che giấu hành vi phạm tội, né tránh sự phát hiện của cơ quan điều tra. Cụ thể, trong vụ án tại Bình Phước, thủ phạm có động cơ rõ rệt là giết người, sau đó cướp tài sản. 1,7 tỷ đồng còn lại ở hiện trường không lấy được là nằm ngoài mong muốn của các hung thủ. Bởi số tiền này được giấu kín trong tủ tường và chìa khóa tủ bỏ ngay dưới giường ngủ của bé Na. Cũng từ động cơ giết người cướp tài sản có từ đầu, nên hung thủ đã tìm mọi cách để che giấu hành vi, chưa kể vụ án quá thảm khốc, đã có hàng ngàn người đến chia buồn, khiến hiện trường ít nhiều xáo trộn gây khó khăn cho lực lượng công an.   

Sáng 13/7, Trung tướng Ksor Nham - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an làm việc với ban chuyên án vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng giết 6 người tại tỉnh Bình Phước. Trung tướng Ksor Nham chúc mừng thành công của chuyên án và thay mặt Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật trao tặng ban chuyên án 50 triệu đồng.                   

         Ngô Bình

Trải lòng với PV Tiền Phong sau vụ án, ông Vĩnh cho biết: “Tâm trạng của tôi lúc đó rất xót xa, vừa nhận thấy đây là trách nhiệm của mình, trước đây là vụ án Lê Văn Luyện giờ lại thêm vụ ở Bình Phước, rất trăn trở, vừa lo chỉ đạo, huy động sức mạnh điều tra sớm nhất, lo trả được “món nợ” cho các nạn nhân, sớm tìm ra thủ phạm... Sau vụ án, “món nợ” mình cùng đồng đội đã trả, nhưng vẫn canh cánh nỗi buồn, hậu quả nặng nề và thảm khốc quá. Đây không phải là chiến công, mà là trách nhiệm. Hương khói vẫn còn. Sau vụ án chỉ còn một cháu bé 18 tháng tuổi sống sót, thật quá thương tâm!”.

MỚI - NÓNG