Trại tạm giam C.A Hoà Bình: Tử tù mang thai để thoát án tử hình

Trại tạm giam C.A Hoà Bình: Tử tù mang thai để thoát án tử hình
Chuyện nữ tử tù Nguyễn Thị Oanh đang bị biệt giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Hoà Bình mang thai đang là một sự cố hy hữu và có lẽ là đầu tiên trong lịch sử thi hành án của Việt Nam.

Bởi theo một chuyên gia pháp luật, trong trường hợp này, tử tù sẽ thoát án tử hình. Nhưng vì sao đã là tử tù, ở phòng biệt giam lại có thể mang thai?

Tử hình vì buôn ma tuý

Ngày 28.4.2006, Toà án Nhân dân Tối cao đã tuyên phạt Nguyễn Thị Oanh tử hình về tội mua bán trái phép chất ma tuý. Tiếp đó, trong các tháng 5 và tháng 7.2006, TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao đã có văn bản khẳng định không kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 453 ngày 28.4.2006 đối với Nguyễn Thị Oanh. Như vậy, tử tù Nguyễn Thị Oanh chỉ còn chờ ngày ra pháp trường để thi hành án tử hình.

Nhưng bất ngờ ngày 12.9.2006, các cơ quan tố tụng của tỉnh Hoà Bình nhận được văn bản của Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự, được sự uỷ quyền của người nhà tử tù Nguyễn Thị Oanh gửi khiếu nại đến các cơ quan tố tụng. Văn bản có nội dung phản ánh tử tù Nguyễn Thị Oanh đã mang thai trong khi bị biệt giam chờ ngày thi hành án tử hình.

Theo bản án của Toà án Nhân dân Tối cao, ngày 24.10.2004, Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1967), có hộ khẩu thường trú tại thôn Khuôn Lạc, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên đã mang theo 1 tỉ đồng lên chợ Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình mua heroin về bán kiếm lời. Trên đường về Hà Nội, đến địa phận huyện Cao Phong (Hoà Bình) thì gặp tổ tuần tra kiểm soát giao thông công an huyện yêu cầu dừng xe kiểm tra giấy tờ và tạm giữ.

Sau đó, Nguyễn Thị Oanh bị Công an tỉnh Hoà Bình khởi tố về tội mua bán trái phép chất ma tuý. Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hoà Bình đã ra cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Oanh về tội mua bán trái phép chất ma tuý theo điểm B, khoản 4, điều 194 BLHS. Tại phiên toà sơ thẩm ngày 20.12.2005 và phiên toà phúc thẩm ngày 28.4.2006, TAND tỉnh Hoà Bình và TAND Tối cao đã tuyên phạt Nguyễn Thị Oanh tử hình.

Biệt giam sao vẫn có thai?

Để đảm bảo quyền lợi cho tử tù Nguyễn Thị Oanh, các cơ quan tố tụng của tỉnh Hoà Bình đã khẩn trương vào cuộc. Ngày 18.9, Trại tạm giam Công an Hoà Bình có báo cáo gửi Toà án Nhân dân Hoà Bình về việc Nguyễn Thị oanh có thai. Ngày 19.9, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Hoà Bình báo cáo về việc điều tra xác minh làm rõ việc nêu trong đơn kiến nghị của Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự.

Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định và tại bản giám định pháp y số 131 ngày 15.9, Trung tâm Giám định pháp y kết luận: "Hiện tại phạm nhân Nguyễn Thị Oanh mang thai 11 tuần 2 ngày, tình trạng thai nhi phát triển bình thường, có tổn thương viêm âm đạo cổ tử cung".

Nhưng vấn đề đặt ra là trong khi tử tù Oanh bị biệt giam tại sao lại vẫn có thai? Ai là "tác giả" của thai nhi trong khi chồng Nguyễn Thị Oanh đang thụ lý án tù giam tại trại Tân Lập, tỉnh Vĩnh Phúc?

Sự việc hy hữu này đang được giới chuyên môn bình luận theo hướng tử tù Oanh chủ động có thai để thoát án tử hình. Một cán bộ ngành tư pháp cho biết, việc tử tù Nguyễn Thị Oanh (39 tuổi), bị mang thai trong điều kiện biệt giam là một sự cố hy hữu, có lẽ là duy nhất từ trước tới nay trong lịch sử thi hành án hình sự Việt Nam.

Theo Minh Anh
Lao động

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.