Trấn lột khách 'nhà quê'

Trấn lột khách 'nhà quê'
Qua nhiều ngày tìm hiểu, phóng viên Tuổi Trẻ đã phát hiện hàng chục băng nhóm chuyên móc túi, trấn lột và lừa đảo tập trung trong khu vực từ bến xe miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) ra quốc lộ 13, quốc lộ 1A đoạn thuộc Q.Thủ Đức và H.Dĩ An (Bình Dương).

Trấn lột khách 'nhà quê'

Qua nhiều ngày tìm hiểu, phóng viên Tuổi Trẻ đã phát hiện hàng chục băng nhóm chuyên móc túi, trấn lột và lừa đảo tập trung trong khu vực từ bến xe miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) ra quốc lộ 13, quốc lộ 1A đoạn thuộc Q.Thủ Đức và H.Dĩ An (Bình Dương).

Quốc (bìa phải) đang bắt anh Công (thứ hai từ phải qua) phải trả tiền xe ôm, tiền vé xe đi Đà Lạt.Ảnh: Tuổi Trẻ
Quốc (bìa phải) đang bắt anh Công (thứ hai từ phải qua) phải trả tiền xe ôm, tiền vé xe đi Đà Lạt.Ảnh: Tuổi Trẻ.

Tại bến xe miền Đông - nơi rất nhiều người “nhà quê” bị lừa, bị trộm, cướp tài sản mỗi ngày, chúng tôi ghi nhận có hàng chục đối tượng chia làm nhiều nhóm nhỏ “hành nghề”.

Giới chạy xe ôm, tài xế xe khách gọi các nhóm này là “cò lôi” - tức khi khách tới bến mua vé đi xe, các tay “cò” sẽ tìm mọi cách lôi khách ra ngoài để lấy tiền “hoa hồng”. Những khách “yếu bóng vía” sẽ là con mồi ngon để các nhóm này tiếp tục trấn lột tiền, vàng, điện thoại...

Cướp ngày

Sáng sớm 19-11, chúng tôi theo chân băng của Quốc “móm”, một trong các băng hoạt động hăng nhất trong ngón nghề “cò lôi” kiêm trấn lột tại bến xe miền Đông. Con mồi của băng Quốc “móm” là một thanh niên khoảng 18-20 tuổi tên Công, tới bến xe miền Đông để đi Đà Lạt.

Vừa thấy Công đặt chân vào cổng bến xe, Quốc tỏ vẻ thân mật hỏi: “Em trai! Em về đâu?”. Biết Công đi Đà Lạt, Quốc xuýt xoa: “Xe Cúc Tùng vừa chạy được 10 phút, em muốn đi liền để anh gọi xe chờ rồi có xe ôm chở em ra”.

Miệng nói tay làm, Quốc gọi một “xe ôm” dắt xe Yamaha Sirius gần đó ra để chở Công đuổi theo “xe Cúc Tùng”.

Theo lời nạn nhân kể lại, trên đường từ bến xe miền Đông ra quốc lộ 13, gã xe ôm tên Phú - một thành viên trong băng của Quốc - tỏ ra hết sức thân thiện, tử tế với Công.

Xe chạy tới một cây xăng bỏ hoang trên quốc lộ 13 (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) thì dừng lại, ít phút sau Quốc và Trí “khùng” (đàn em của Quốc) xuất hiện. Vừa tới nơi, thái độ của Quốc liền thay đổi, gằn giọng đòi 200.000 đồng tiền xe đi Đà Lạt. Công ngoan ngoãn móc ví, chìa ra tờ 200.000 đồng đưa cho Quốc. Nhận tiền, Quốc quát: “Thêm trăm tám tiền xe ôm”.

Nhìn vẻ mặt bặm trợn của Quốc, thêm Trí “khùng” đang ngáp ngắn ngáp dài trong cơn nghiện ngập, Công sợ hãi rút thêm một tờ 200.000 đồng đưa cho Quốc. Vừa cầm tờ tiền thứ hai, Quốc lại quát: “Đưa tao thêm năm trăm chích xì ke!”. Công không đưa.

Ngay lúc này, Trí “khùng” thò tay vào túi móc ra vật gì giống kim tiêm tiến sát lại phía Công trong khi đó Quốc giật ngay chiếc ví trên tay Công, móc hết tiền bên trong. Sau đó Quốc còn sờ nắn khắp người Công lấy nốt chiếc điện thoại Nokia trong túi quần, tháo sim trả lại, còn máy thì bỏ túi.

Lấy hết gần 2 triệu đồng của Công, Quốc tỏ vẻ an ủi: “Mày yên tâm, tao sẽ cho mày tiền đi xe”. Nói xong, Quốc trả lại Công 200.000 đồng và đứng dậy đưa cho Phú 50.000 đồng, dặn vẻ hăm dọa: “Mày đứng đây chờ bắt xe cho thằng này, bắt được mới về nghe chưa!”. Nói rồi Quốc và Trí lên xe bỏ đi.

Sau khi lấy hết tiền, Quốc bắt anh Công đứng dậy để sờ nắn tìm tiền hoặc các vật dụng khác. Ảnh: Tuổi Trẻ
Sau khi lấy hết tiền, Quốc bắt anh Công đứng dậy để sờ nắn tìm tiền hoặc các vật dụng khác. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Từ đầu tới cuối gã xe ôm Phú tỏ ra chỉ là người chứng kiến, ra vẻ sợ hãi trước hai tên cướp. Khi Quốc đi khỏi, Phú mới quay ra an ủi, động viên Công và trả 50.000 đồng Quốc đưa, nói: “Anh trả mày, anh không lấy tiền xe đâu!”.

Một lúc sau, Công lên xe đi Đà Lạt, Phú lại quay về bến, thay quần áo và tiếp tục diễn trò cũ. Chỉ trong buổi sáng 19-11, nhóm của Quốc đã làm trót lọt bốn vụ, trong đó có hai người trung niên và một cô gái trẻ.

Quốc lấy nốt chiếc điện thoại trong túi quần anh Công. Ảnh: Tuổi Trẻ
Quốc lấy nốt chiếc điện thoại trong túi quần anh Công. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Trong nhiều ngày theo dõi, ngoài nhóm của Quốc, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp tương tự khác do các nhóm của Hải “đen”, Trường, Tí, Phương và một nhóm do ba ông già thực hiện. Con mồi của các băng nhóm này có đủ thành phần, từ nam nữ thanh niên cho tới những người trung niên.

Khi đã lột sạch của nạn nhân, Quốc và Trí (bìa phải) bỏ đi. Ảnh chụp từ camera (Tuổi Trẻ)
Khi đã lột sạch của nạn nhân, Quốc và Trí (bìa phải) bỏ đi. Ảnh chụp từ camera (Tuổi Trẻ).

Phân lãnh địa, chia lĩnh vực

T. - một “giang hồ gác kiếm” đang làm việc tại bến xe miền Đông - cho biết các băng nhóm nhiều như vậy nhưng mạnh ai nấy làm, nhóm nào dụ được khách thì làm, không tranh giành nhau. Dù được gọi là nhóm nhưng các đối tượng hoạt động khá độc lập, ăn chia sòng phẳng ngay sau khi cướp và nếu thiếu người, có thể thay thế người khác vì đó là “quy trình” làm ăn hằng ngày.

Trường hợp của Công, may là nạn nhân ngoan ngoãn lên xe đi, nếu có ý định quay lại tố cáo là ăn đòn ngay. Ngày 18-11, băng của Vũ, Tiến và Hùng (ngụ ngay gần bến xe) “lôi” một vị khách từ bến ra ngoài, trấn lột được khá nhiều tiền. Sau khi bị cướp, vị khách định trở lại bến xe để tố cáo nhưng trên đường đi đã bị nhóm này chặn lại, đánh một trận thừa sống thiếu chết.

Các băng nhóm “cò lôi” trong bến xe chỉ trấn lột, cướp của khách dưới đường, còn trên xe lại thuộc “lĩnh vực” của một số băng nhóm khác. Các đối tượng làm “cò lôi” thường mạnh ai nấy sống, nhưng cánh móc túi, cướp trên xe khách lại có lãnh địa khá rạch ròi.

Từ đoạn trước cửa bến xe miền Đông tới khu hồ bơi Lao Động (Q.Thủ Đức) và hướng đi Bình Dương, Bình Phước thuộc các băng nhóm ngụ Q.Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM), Dĩ An, Thuận An (Bình Dương). Trong đó nổi lên một “đàn anh” là H. “lambada” - từng có “số má” trong làng trấn cướp vừa mãn hạn tù ra hoạt động trở lại.

Nhóm của H. “lambada” có trên mười đối tượng, lên xe rải rác từ khu vực cửa ra bến xe miền Đông trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh tới ngã tư Bình Phước. Trên các chuyến xe đông khách, nhóm này giở ngón nghề móc túi, chuyền tay nhau giấu “hàng”, nếu bị phát hiện hoặc phản ứng lại là sẵn sàng đánh dằn mặt.

Đối với những xe vắng khách, nhóm của H. thẳng tay dồn những vị khách có vẻ mặt “nai tơ” xuống hàng ghế cuối, sau đó tập trung đe dọa, trấn lột hết tài sản. Nhóm này cũng “nhân đạo”, thường chừa tiền đi đường hoặc trả tiền xe cho nạn nhân.

Nhiều nhóm khác hoạt động trong khu vực từ bến xe miền Đông - ngã tư Bình Phước thì có hai đối tượng “kè” khách ngay từ khi khách chờ dưới lề đường, hỏi nơi khách đến, sắp xếp đưa khách lên xe rồi cùng lên chung. Trên xe lúc nào cũng có hai đối tượng chờ sẵn, trấn lột tiền của khách xong là có đồng bọn đi theo đón.

Theo Gia Minh
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.