Tranh luận nóng về “quyền im lặng”

Ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do sau 10 năm chịu án oan. Ảnh: Hoàng Hải
Ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do sau 10 năm chịu án oan. Ảnh: Hoàng Hải
TP - Chứng minh tội phạm là nghĩa vụ của cơ quan tố tụng, quyền im lặng là quyền con người, không cần luật pháp phải ghi nhận, vẫn có tính khả thi…

Đó là những nội dung quan trọng được các chuyên gia pháp lý khẳng định tại hội thảo “Công nhận quyền im lặng và việc ghi âm ghi hình trong hỏi cung - Tác động đa chiều”, do Hội Luật gia Việt Nam cùng các bên liên quan tổ chức ngày 15/9, tại Hà Nội.

“Im lặng” không có nghĩa là không nói gì

Mở màn cuộc hội thảo, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho hay, quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, do còn có nhiều cách hiểu khác nhau, do vậy, việc tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia pháp lý được cho là rất quan trọng, trong công tác đóng góp vào câu chuyện lập pháp. 

Cũng tại hội thảo, GS. TSKH Đào Trí Úc – Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Chính sách công và Pháp luật (Liên hiệp các Hội khoa học & kỹ thuật Việt Nam) cho hay, quyền im lặng vốn không phải khái niệm pháp lý, đó là quyền của người bị buộc tội không khai báo, là quyền được cảnh báo để tự bảo vệ mình, xuất phát từ quyền con người.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến (Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho rằng, phải hiểu “im lặng” không có nghĩa là không nói gì. Vấn đề đặt ra là, khi thực hiện quyền im lặng nó phải gắn liền với những quyền được hiến pháp và pháp luật quy định. 

Đó là quyền tự bào chữa, quyền không buộc mình chống lại mình. Và như vậy, quyền này cũng phù hợp với nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, quy định tại Điều 10, Bộ luật Tố tụng hình sự.

Theo luật sư Chiến, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền, nhưng không có nghĩa vụ chứng minh là mình vô tội. 

“Xuất phát từ quy định mang tính hàn lâm này, có thể dẫn tới những cách hiểu khác nhau. Do vậy, lần sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự lần này nên theo hướng cụ thể hóa những quy định của hiến pháp vào từng điều luật cụ thể, qua đó đảm bảo quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” - ông Chiến nói.

Chính là quyền con người

GS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương cho hay, trên thế giới, quyền im lặng được ghi nhận ở hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia, tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội và truyền thống pháp luật của từng lãnh thổ. 

Đơn cử như Mỹ, được xem là quốc gia ghi nhận quyền im lặng đầu tiên trên thế giới, thể hiện bản chất chính là quyền con người, được thông qua ở phán quyết đầu tiên của Tòa án tối cao năm 1966. Theo đó, quyền im lặng thể hiện những nội dung căn bản, như việc nghi phạm có quyền không khai báo để tự buộc tội mình. 

Hoặc, họ có quyền thuê luật sư để hỗ trợ pháp lý, thậm chí khi lấy lời khai đầu tiên, những nghi phạm này có quyền được mời luật sư chứng kiến. Chính vì vậy, khi thẩm vấn, các điều tra viên, công tố viên phải giải thích cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền khai báo sau khi đã được giải thích về quyền im lặng.

Bổ sung ý kiến này, GS Nguyễn Đăng Dung - Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, đây là quyền đương nhiên có, nghĩa là không cần quy định trong luật. Ngoài ra, các chuyên gia pháp lý còn cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng có rất nhiều công cụ, chuyên môn cùng kinh nghiệm trong việc đấu tranh, làm rõ bản chất vụ án. 

Đó chính là những quyền lực công, được Nhà nước giao phó để thực hiện quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Trong khi đó, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo chỉ có những quyền được pháp luật thừa nhận, trong đó quyền im lặng chính là một trong những lợi thế nho nhỏ để bảo vệ những lợi ích chính đáng của họ.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến hiến kế, giả thiết luật có quy định về quyền im lặng thì những thông tin về nội dung này phải được in thật to, rõ ràng, thậm chí treo ở ngay buồng hỏi cung để chính người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hiểu được quyền lợi chính đáng của mình. Qua đó, sẽ góp phần chống án oan, sai.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.