Trở lại kỳ án “Trò sai, bắt thầy đi tù”

Trở lại kỳ án “Trò sai, bắt thầy đi tù”
TP - Sau khi Tiền Phong đăng bài Trò sai, bắt thầy đi tù?!, TAND TP Đồng Hới, Quảng Bình một lần nữa trả hồ sơ cho cơ quan công tố, yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ trách nhiệm của nguyên hiệu trưởng Phạm Đình Trung.

Trong Quyết định trả hồ sơ ngày 5/9/2008, thẩm phán Lê Duần của TAND TP Đồng Hới đã phân tích: Trong 28 trường hợp hồ sơ gian lận, có 12 trường hợp khi đến xác minh ở trường phổ thông mới phát hiện ra điểm gốc lưu ở trường không đủ điểm chuẩn xét vào Trường Trung cấp Y tế Quảng Bình (TCYTQB).

Trong học bạ các học sinh này nộp cho Trường TCYTQB có việc sửa điểm, song về hình thức việc sửa chữa tuân thủ đúng đủ các quy định của Bộ GD&ĐT.

Các học sinh này trúng tuyển “không thể hiện lỗi của Phạm Đình Trung - nguyên Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh”, mà lại “thể hiện rõ lỗi của lãnh đạo các trường THPT nơi có học sinh học tập, và lỗi của cơ quan công chứng, chứng thực học bạ”.

Quá trình kiểm tra hồ sơ học sinh trúng tuyển, Trường TCYTQB yêu cầu học sinh mang học bạ gốc đến để đối chiếu với bản sao đã nộp. Có 8 trường hợp đã học xong trở về địa phương hoặc đã bỏ học, không quay lại nộp học bạ gốc để đối chiếu.

Tuy không có căn cứ chắc chắn để khẳng định 8 trường hợp này gian lận hồ sơ, song Trường TCYTQB vẫn quy trách nhiệm cho các học sinh, và đã xử lý kỷ luật bằng hình thức hủy kết quả tuyển sinh.

Những trường hợp này, thẩm phán Duần nhận định “lỗi hoàn toàn thuộc về phía học sinh”, “họ không thể là người bị hại”, “số tiền thiệt hại không thể quy kết cho nguyên Hiệu trưởng Trường TCYTQB”.

Với những nhận định trên, thẩm phán Duần yêu cầu: “Điều tra rõ lỗi của phía học sinh hay lỗi của của người có nghĩa vụ cung cấp tài liệu”.

Tổng cộng 28 học sinh bị quy là gian lận hồ sơ đã nộp cho Trường TCYTQB 124,5 triệu đồng học phí (hầu hết họ đã học xong). Cơ quan điều tra và cơ quan công tố cho rằng đây là số tiền “thiệt hại” nguyên Hiệu trưởng Phạm Đình Trung đã gây ra cho 28 học sinh, và đương nhiên phải... bồi thường(!?).

Về việc này, thẩm phán Duần yêu cầu phải xác định rõ “khi người bị hại không có yêu cầu bồi thường, thì việc giải quyết trách nhiệm dân sự số tiền 124,5 triệu đồng trong vụ án hình sự này như thế nào?”.

Tội của trò, thầy phải chịu?!

Ngày 6/11/2008, Công an tỉnh Quảng Bình đã có bản Kết luận điều tra bổ sung. Văn bản này không nêu ra được sai phạm cụ thể của hội đồng tuyển sinh trong việc “để lọt” 28 trường hợp hồ sơ gian lận (chẳng hạn chấp nhận học sinh chỉ nộp bản sao, không cần trình bản gốc để đối chiếu).

Song bản Kết luận điều tra bổ sung vẫn giữ quan điểm: “Phạm Đình Trung - nguyên Chủ tịch hội đồng tuyển sinh Trường TCYTQB đã không tổ chức kiểm tra đối chiếu tính hợp pháp của hồ sơ sau khi thí sinh nhập học, nên đã dẫn đến sai phạm của học sinh không được phát hiện kịp thời để xử lý nghiêm túc”.

Ông Trương Duy Đức, nguyên thư ký hội đồng tuyển sinh, nguyên bị can của vụ án (hiện đã được đình chỉ) trình bày với PV Tiền Phong: Yêu cầu đặt ra đối với thí sinh xét tuyển vào Trường TCYTQB là phải nộp bản sao học bạ có công chứng hoặc chứng thực, và phải mang theo bản gốc để hội đồng tuyển sinh đối chiếu.

Ông Đức khẳng định hội đồng tuyển sinh đã làm đúng quy định, không trường hợp nào trúng tuyển vào Trường THYTQB thiếu bản sao học bạ, hoặc thiếu học bạ gốc để đối chiếu.

Ông Đức cho biết thêm, trong 28 trường hợp bị quy là gian lận hồ sơ, một số học sinh đã sửa điểm tinh vi (kiểu chữa số 3 thành số 8), cơ quan công chứng trước đó kiểm tra không phát hiện ra nên đã xác nhận, vì vậy những hồ sơ này đã “qua mắt” được hội đồng tuyển sinh.

Theo ông, phần lớn trường hợp sai phạm  là học bạ được sửa chữa “hợp lệ” theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT (có chữ ký của giáo viên và đóng dấu xác nhận của trường THPT nơi học sinh đã học), gian lận kiểu này không chỉ hội đồng tuyển sinh mà ngay cả các cơ quan công chứng, chứng thực cũng không thể phát hiện.

Công an tỉnh Quảng Bình đã dựa trên kết quả xác minh của một hội đồng kiểm tra hồ sơ do Trường TCYTQB lập ra. Không phải cơ quan tiến hành tố tụng, nên việc xác minh của hội đồng này có giá trị pháp lý thấp, thậm chí bỏ lọt tội phạm.

Chẳng hạn trường hợp học sinh Phạm Vương T., nguyên học sinh trường THPT Nguyễn Du - huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, được xét tuyển vào lớp Dược sỹ 3C (khóa học 2005-2007) của Trường TCYTQB. Hội đồng kiểm tra hồ sơ đã về kiểm tra, kết quả: “Theo xác nhận của trường, con dấu trong học bạ không phải là dấu của trường, chữ ký của hai hiệu phó Trần Văn H. và Nguyễn Thị T. là chữ ký giả”.

Kết luận con dấu và chữ ký trong học bạ của học sinh T. là “giả”, nếu chỉ dựa vào xác nhận của trường THPT Nguyễn Du, là không đủ giá trị pháp lý và không khách quan (không loại trừ trường này xác nhận như vậy vì né tránh trách nhiệm).

Trường hợp này, cơ quan điều tra cần trưng cầu giám định học bạ của T. Nếu cơ quan giám định kết luận con dấu và chữ ký trong học bạ của T. là thật, cần làm rõ trách nhiệm của những cán bộ có liên quan của trường THPT Nguyễn Du.

Còn nếu cơ quan giám định kết luận là giả, rõ ràng học sinh T. đã có dấu hiệu giả mạo tài liệu, giả mạo con dấu, hành vi và hình phạt đã được quy định tại Bộ luật Hình sự.

Mặc dù đã nhận được yêu cầu từ phía cơ quan xét xử, Công an tỉnh Quảng Bình chưa điều tra các đối tượng liên quan đến sai phạm của học sinh T. Việc quy trách nhiệm cho nguyên Hiệu trưởng đồng thời là Chủ tịch hội đồng tuyển sinh Trường TCYTQB (hiện đang là bị can phải “bồi thường thiệt hại” cho những học sinh như T.) là chưa thỏa đáng và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Cần nói thêm, khi phát hiện sai phạm trong công tác tuyển sinh của Trường TCYTQB, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long đã có văn bản chỉ đạo: “Đối với những cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên có liên quan đến việc sửa chữa điểm làm sai lệch kết quả học tập trong học bạ của học sinh đều phải xử lý kỷ luật nghiêm túc.

Trường TCYTQB qua kiểm tra, xác minh, phát hiện các trường hợp sai phạm nêu trên phải chuyển danh sách đến các cơ sở giáo dục có thẩm quyền để xử lý và báo cáo về Bộ GD&ĐT”. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, đến nay chưa ai thực hiện yêu cầu trên đây của lãnh đạo Bộ GD&ĐT.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Đối tượng Thành tại cơ quan công an.
Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố
TPO - Ngày 19/4, Công an thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho biết, vừa ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Trung Thành (SN 2000, trú tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng) về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.