Trở lại những bất thường ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Trở lại những bất thường ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
TP - Tiền Phong số 161 nêu trong việc cải tạo cơ sở hai Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có dấu hiệu nhiều khối lượng công việc và vật tư bị quyết toán khống hoặc sai so với thực tế.
Trở lại những bất thường ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ảnh 1
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Về việc này, tại Công văn số 31 gửi báo Tiền Phong, ông Trương Quốc Bình (nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) chỉ nêu chung chung, rằng Tiền Phong “tiếp tục đăng tải những thông tin sai lệch”, mà không chỉ rõ những thông tin nào.

Về việc cải tạo cơ sở hai

Tại buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo và phóng viên Tiền Phong, ông Bình phát biểu, việc cải tạo cơ sở hai Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã được kiểm toán, kết quả không thấy có khai khống, khai sai khối lượng; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không sử dụng báo cáo của tổ giám sát do tổ này không đủ chuyên môn, tư cách để giám sát; tổ giám sát từng có chuyện “nhũng nhiễu bên B”...

Tiền Phong xin trao đổi lại, như sau: Về việc kiểm toán, dễ thấy cán bộ kiểm toán chỉ xem xét số liệu trên hồ sơ; nếu không tham khảo ý kiến, tài liệu của cán bộ giám sát thi công, sẽ không thể phát hiện được những khối lượng, vật tư hồ sơ thể hiện sai so với thực tế.

Về chức năng của tổ giám sát, căn cứ quyết định thành lập của Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họ không giám sát kỹ thuật, chỉ giám sát vật tư, khối lượng công việc thi công trong thực tế. Việc này không cần chuyên môn xây dựng, chỉ cần cẩn thận và trung thực.

Những người trong tổ giám sát mà phóng viên Tiền Phong đã gặp vẫn giữ những quyển nhật ký giám sát. Về việc tổ giám sát “nhũng nhiễu bên B”, ông Trương Quốc Bình không đưa ra bằng chứng.

Về việc lãng phí

Tiền Phong số 162 đã nêu, các dự án âm thanh, ánh sáng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thực hiện có dấu hiệu lãng phí, sử dụng không hiệu quả số tiền nhà nước đầu tư. Trong Công văn số 31, ông Trương Quốc Bình cũng không chỉ ra được bài viết của Tiền Phong “thông tin sai lệch” ở điểm nào.

Chỉ trong buổi làm việc trực tiếp, ông Bình mới phát biểu rằng, các thiết bị âm thanh mua về đang được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sử dụng bình thường, còn dàn đèn gỡ ra từ dự án ánh sáng đang được lắp ở một số phòng, “không hề có chuyện lãng phí”.

Tiền Phong trao đổi lại như sau: Về dự án âm thanh, một số cán bộ tham gia quản lý và sử dụng thiết bị khẳng định, trong dự án hệ thống này phải có chức năng chuyển ngữ; tuy nhiên, các thiết bị mua về hoàn toàn không có chức năng chuyển ngữ.

Thực tế, các thiết bị này hầu như không sử dụng đến, theo nhiều cán bộ đang công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Về dự án ánh sáng, ông Trương Quốc Bình có dẫn lãnh đạo và phóng viên Tiền Phong vào một số căn phòng, để tận mắt thấy các dàn đèn tháo ra trước đây đã được lắp lại.

Nhiều cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, những căn phòng này mới được cải tạo, dàn đèn cũng mới được lắp lại (khi có nhiều đơn thư tố cáo về việc lãng phí); trước đó, suốt thời gian dài, chúng được cất trong kho.

Về bất minh trong sử dụng tiền dịch vụ

Trong buổi làm việc với lãnh đạo và phóng viên Tiền Phong, ông Trương Quốc Bình và bà Trần Thị Tùng Chi (Kế toán trưởng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) quả quyết không có chuyện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không công khai tài chính trong việc thu - chi từ các hoạt động dịch vụ.

Bà Chi khẳng định, quy chế chi tiêu nội bộ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được thực hiện tốt, những người không rõ thu chi tài chính chỉ là số ít, không đại diện cho số đông.

Về việc này, các phóng viên Tiền Phong đã gặp nhiều cán bộ, nhân viên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Thiết nghĩ ý kiến của họ (được trích đăng kèm bài viết này) là không thể bỏ qua.

Trong buổi làm việc trực tiếp, đại diện của Tiền Phong đề nghị và ông Trương Quốc Bình đã đồng ý sẽ cung cấp tài liệu, văn bản chứng minh các luận điểm mà ông đưa ra trong các công văn gửi Tiền Phong và trong buổi làm việc. Tuy nhiên, sau đó, khi Tiền Phong có công văn chính thức hóa đề nghị trên thì ông Bình lại đổi ý.

Hy vọng, với việc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có giám đốc mới, những dấu hiệu sai phạm được Tiền Phong nêu sẽ được làm sáng tỏ trong thời gian ngắn nhất.  

Tiền Phong đừng bỏ cuộc!

- Ông Phan Văn Tiến, Phó Giám đốc kiêm Bí thư Chi bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: “Là một phó giám đốc phụ trách chuyên môn, nhiều nội dung liên quan đến kinh tế, tài chính, báo Tiền Phong nêu, tôi nắm không được chính xác.

Việc báo phát hiện các dấu hiệu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bị đơn vị khác lừa dối, làm thiệt hại đến kinh tế, tôi ủng hộ thu về những thiệt hại cho cơ quan.

Quy chế chi tiêu nội bộ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đến năm 2008 mới được ban hành, hiện nay cũng mới chỉ thực hiện được một phần. Trong các cuộc họp Chi bộ, chúng tôi thường xuyên bàn đến vấn đề này”.

Trở lại những bất thường ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ảnh 2
Ông Nguyễn Xuân Tiệp. Ảnh: PV
- Ông Nguyễn Xuân Tiệp, Chủ tịch Công đoàn: “Loạt bài ba kỳ của Tiền Phong cho thấy, các phóng viên đã điều tra kỹ càng, làm việc có trách nhiệm.

Ông Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ chối cung cấp tài liệu, né tránh phát biểu ý kiến là không thể hiện được trách nhiệm  trong việc quản lý tiền Nhà nước giao thực hiện dự án.

Còn thu - chi các khoản tiền dịch vụ, trước khi ông Bình về làm giám đốc, việc này do Công đoàn phối hợp quản lý. Từ khi ông Bình về, Công đoàn hoàn toàn không được biết”.

Trở lại những bất thường ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ảnh 3
Dương Thanh Vân. Ảnh: PV

- Bà Dương Thanh Vân, Phó Chủ tịch Công đoàn: “Trong việc xây trạm biến thế và cải tạo cơ sở hai, tôi đề nghị cơ quan công an làm rõ, tiền thất thoát phải thu hồi về cho nhà nước.

Về việc công khai thu - chi các khoản tiền dịch vụ, các đoàn viên công đoàn yêu cầu rất nhiều nhưng không được đáp ứng”.

Trở lại những bất thường ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ảnh 4
Ông Lê Tiến Phương. Ảnh: PV

- Ông Lê Tiến Phương, ủy viên ban thanh tra nhân dân: “Trong một cuộc triển lãm lưu động tại Huế, tôi có tham gia, được biết Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ký hợp đồng và thu tiền của Bảo tàng Cung đình Huế. Nhưng khi tôi hỏi, ông Bình nói không có hợp đồng nào cả. Tôi ủng hộ báo chí và công an làm cho ra nhẽ chuyện này”.

- Bà Đào Minh Nguyệt, cán bộ phòng trưng bày: “Nhiều năm qua, chúng tôi đấu tranh để được hưởng chế độ khi phải làm việc hai ngày nghỉ cuối tuần. Báo chí cũng đã lên tiếng bênh vực chúng tôi nhưng, rốt cuộc, yêu cầu chính đáng của chúng tôi bị từ chối. Lần này, tôi mong Tiền phong tiếp tục điều tra, đừng bỏ cuộc giữa chừng”.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.