Trò lừa cho số trúng đề tái xuất

Trò lừa cho số trúng đề tái xuất
TP -  Không mang danh cá nhân như trước đây, chủ trò lừa đảo này mạo danh các Cty xổ số Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Vũng Tàu, TP HCM và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự Xã hội (PC 14 - Công an TP HCM) để đưa nạn nhân vào bẫy.
Trò lừa cho số trúng đề tái xuất ảnh 1
Tin nhắn dụ dỗ cho số trúng đề

Sau vài tháng, các đường dây cho số trúng đề nằm im do bị công an triệt phá, những ngày gần gây, trò lừa cũ này lại tái hiện dưới phiên bản mới.

Khoảng 2 - 3 giờ chiều hàng ngày, khá nhiều thuê bao di động nhận được tin nhắn từ số máy lạ “Cty XSKT TP HCM (hoặc các tỉnh lân cận - PV) mời các bạn tham gia chương trình triệt phá các đường dây thầu đề . Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn số 2 con chắc chắn ra đài TP HCM để bạn trúng, wa đó làm fa sản thầu đề. Sau khi trúng bạn phải trích 2 triệu từ tiền thưởng gởi về Cty để gây quỹ từ thiện. Nếu đồng ý vui lòng xác nhận ok Cty sẽ gởi số”.

Nhận ra đây là trò lừa đảo mà gần hai năm trước, Tiền Phong phanh phui qua bài  “Sự thật trò cho số đánh đề” trên số báo ra ngày 3/7/2007 và sau đó, cơ quan công an đã bắt nhiều băng nhóm từ Bắc vào Nam, chúng tôi tiếp tục vào cuộc để tìm hiểu...

Trong vai người muốn có số để trúng đề, chúng tôi đồng ý tham gia chương trình trên và được cho số 83 xổ số Tây Ninh ngày 2/7 với lời dặn bao lô (đánh lô số 83 của xổ số Tây Ninh, chỉ cần 1/18 giải có số đuôi 83 là trúng - PV).

Cuối giờ chiều 2/7/2009, giải sáu đài Tây Ninh ra số 8183 và chúng tôi được yêu cầu chuyển hai triệu vào tài khoản mang tên “Đỗ Hồng Q. số tk 711A212150xx NH Vietinbank” trước 11giờ ngày 3/7 để “Cty kịp đưa bạn vào danh sách nhận số đài Bình Dương ngày 3/7”.

Chủ nhân của những số điện thoại trên còn khẳng định, đây là chương trình các Cty xổ số phối hợp với PC 14 Công an TP HCM thực hiện. Liên hệ với các Cty xổ số như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, TP HCM…, các Cty trên đều khẳng định đây là trò lừa đảo và họ không hề có chương trình nào như vậy.

PC 14 CA TP HCM cũng khuyến cáo cảnh giác với trò lừa này và không nên chuyển tiền, liên hệ với chủ tài khoản trên.

Theo điều tra của phóng viên, trò lừa cũ phiên bản mới này không khác nhiều so với vụ việc Tiền Phong phanh phui hai năm trước, chỉ có số tiền chuyển cho chủ trò ít hơn khá nhiều so với trước và, lần này, các Cty sổ xố, Công an bị mạo danh. Hàng ngày, bọn lừa đảo chỉ cần mua tờ Mua & Bán là dễ dàng có hàng ngàn số điện thoại di động và chúng nhắn tin đến dụ dỗ.

Ai đồng ý, chúng cho số mà giới chơi đề dự doán dễ ra trong ngày với xác suất 18 phần trăm do chúng yêu cầu người chơi bao lô nên không ít người sẽ trúng.

Người trúng nhiều sẽ không ngại ngần chuyển hai triệu đồng, một phần do muốn được cho số nữa, phần khác không muốn rắc rối với Chương trình triệt phá thầu đề có sự tham gia của Cty xổ số và PC 14.

Người trúng thì khoe còn kẻ thua im tiếng nên không ít người tin rằng chương trình trên có thật và đó chính là đất sống cho trò lừa phiên bản mới này.

Xác minh tại các ngân hàng (NH), chúng tôi được biết, các tài khoản để người thắng đề nộp tiền vào là thật còn chủ tài khoản mang tên giả hay thật, có đúng là kế toán trưởng Cty xổ số như tin nhắn hay không thì xin nhường lại cho cơ quan chức năng.

Hiện nay, chỉ cần một CMND nhặt được hay mua ngoài tiệm cầm đồ là có thể mở được tài khoản NH. Còn rút tiền ngoài máy ATM còn dễ hơn rất nhiều. Tìm hiểu tại các bàn bán vé số kiêm ghi đề khu vực Q.1, Bình Thạnh (TPHCM), được biết, gần đây dân chơi đề chơi theo số cho kiểu trên khá nhiều.

Không chỉ lừa đảo, chủ trò còn kéo không ít người vào con đường nghiện đề. Không loại trừ đây là chiêu mới của các chủ đề và đã đến lúc các cơ quan chức năng mạnh tay hơn với trò lừa này trước khi chúng tràn lan như hai năm trước.

Từ năm 2007 đến 3/2009, Bộ Công an xác lập nhiều chuyên án về các băng nhóm lừa đảo cho số đánh đề. Đã có nhiều băng bị triệt phá. Nổi nhất là băng do Lưu Văn Hồng (sinh năm 1958, ngụ Kiên Giang) cầm đầu.

Hai băng nhóm khác bị C14 cơ quan thường trú phía Nam (C14B) triệt phá trong chuyên án 080L hồi cuối tháng 12/2008 - đầu tháng 1/2009, các can phạm bị bắt gồm Dương Minh Phụng (1967), Dương Thanh Tuấn (1989), cùng ngụ Vĩnh Long; Nguyễn Văn Công (1968), Nguyễn Thanh Hòa (1990), Nguyễn Phúc Sang (1990), cùng ngụ Đồng Tháp…

Cơ quan công an đã xác minh, trong số các tài khoản ATM mà nhóm lừa đảo cung cấp để nạn nhân gửi tiền vào, nhiều người đứng tên đã chết trước khi mở tài khoản; một số CMND khác bọn tội phạm mua lại từ các tiệm cầm đồ rồi thay ảnh vào để ra ngân hàng mở tài khoản. Hàng trăm người ở TP HCM, Hà Nội, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng... bị lừa hàng chục tỉ đồng bằng hình thức trên.

MỚI - NÓNG