Từ chiếc tàu chìm, tận thấy “cát tặc” hoành hành

Cẩu và tàu hút cát hoành hành trên sông Hồng
Cẩu và tàu hút cát hoành hành trên sông Hồng
TP - Từ một chiếc tàu cát chìm hôm 4/9, PV Tiền Phong ngược dòng sông Hồng lên khu vực hiện trường, tận thấy nhiều loại cẩu, tàu hút cát “khủng” đang lộng hành giữa lòng sông.

Trong khi đó, cơ quan chức năng Hà Nội khẳng định chưa cấp phép cho bất cứ đơn vị nào khai thác cát dưới lòng sông. 

Từ vụ tàu chìm

Trao đổi với PV Tiền Phong, Trung tá Đỗ Văn Chuẩn, Phó đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát số 1 Phòng Cảnh sát Đường thủy (PC 68, Công an TP Hà Nội) cho biết, sáng 4/9, tàu chở cát số hiệu NĐ-1252, tải trọng 199 tấn, do anh Trần Hữu Nam điều khiển lưu thông hướng Vĩnh Phúc – Hà Nội. 

Khi đến đoạn sông Hồng thuộc khu vực xã Vân Nam, Phúc Thọ, tàu bị chìm. Ngay sau đó, anh Trần Hữu Nam đã đề nghị cơ quan công an xin được tự khắc phục hậu quả để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy.

Thời điểm gặp nạn, tàu NĐ – 1252 chở đầy cát đen vừa mua của Cty CP Kiến trúc Xây dựng Thủ Đô, khoảng 120m3 cát, ra đến cách bờ phải sông Hồng khoảng 70m thì bị đắm. Chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng, nhưng theo nhận định ban đầu, có thể tàu chìm do chở quá tải trọng.

Đến mục sở thị “đại công trường”

Từ vụ tàu chìm trên, PV đã ngược dòng sông Hồng về khu vực xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ, tận thấy một “đại công trường” khai thác cát trên sông. Hai chiếc cẩu lớn số hiệu HN 1442 và 1456 đang gầm rú múc cát, bên cạnh đó là hàng loạt chiếc tàu hút và chở cát mang số hiệu HT-2661, ANHAI 09, ANHAI 10… hoạt động rầm rộ.

Trong vai người đi mua cát để san lấp dự án bãi đỗ xe, nhóm PV được chủ một tàu cát tên N.V.M. dùng ca nô đưa ra tận “công trường” xem chất lượng cát. 

Anh M. cho biết, nếu mua “tận gốc”, tức là tại khu vực khai thác, giá mỗi mét khối cát là 30.000 đến 35.000 đồng. Anh M. khoe, mỗi giờ vận hành, hệ thống tàu, máy, cẩu... có thể hút được 80 đến 90 khối cát. Song để đầu tư hệ thống này cũng phải tốn hàng chục tỷ đồng, mỗi chiếc cẩu múc cát có giá 3-3,5 tỷ đồng, tàu hút cát cỡ lớn 2,5 tỷ đồng...

Trong khi đó, trao đổi với PV, một cán bộ Công an TP Hà Nội cho biết, các cơ quan chức năng của Hà Nội không cấp phép cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào khai thác cát dưới lòng sông Hồng.

Chỉ cấp phép khai thác lộ thiên

Cụ thể, trên địa bàn huyện Phúc Thọ, có 2 Cty là Cty TNHH Tập đoàn Nam Cường (Cty Nam Cường), Cty TNHH Thương mại Kim Thanh (Cty Kim Thanh) đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp phép khai thác cát, có quyết định cho thuê đất để khai thác cát làm vật liệu san lấp và có hợp đồng thuê đất ký với Sở TN&MT tỉnh Hà Tây. 

Song, từ năm 2008, 2 Cty trên chỉ được khai thác cát dạng lộ thiên, dùng máy xúc cát lên ô tô và vận chuyển bằng đường bộ; đồng thời chỉ được khai thác cát vào mùa khô, thời gian khai thác từ 31/10 năm trước đến 15/5 năm sau.

Đến nay, Cty Nam Cường đã chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản cho Cty CP Kiến trúc xây dựng Thủ Đô (Cty Thủ Đô) – chính là đơn vị bán cát cho chiếc tàu chìm kể trên.

Tuy nhiên, việc chuyển nhượng này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản chấp thuận.
Mới đây, ngày 10/7, UBND huyện Phúc Thọ đã họp liên ngành (gồm Sở TN&MT, Sở GTVT, PC68 Công an TP Hà Nội, Công an huyện Phúc Thọ…) cùng đại diện các Cty khai thác cát. 

Một tuần sau, ông Nguyễn Việt Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, có thông báo gửi các Cty trên. Trong đó, yêu cầu Cty Thủ Đô chấm dứt việc khai thác cát trên địa bàn 2 xã Vân Nam, Vân Hà; yêu cầu Cty Kim Thanh chấm dứt việc khai thác cát khi chưa có hồ sơ pháp lý, kế hoạch khai thác và phương án vận chuyển...

Cũng theo thông báo trên, UBND huyện Phúc Thọ đề nghị Sở TN&MT và UBND TP Hà Nội xem xét năng lực, nhu cầu đầu tư của Cty CP Hương Phong trước khi ra quyết định thu hồi đất để khai thác khoáng sản, nhằm tránh tình trạng chuyển nhượng dự án gây bức xúc trong dư luận; đề nghị Sở TN&MT xem xét trước khi thu hồi và giao đất khai thác cát cho HTX Vận tải Tín Lợi...

UBND huyện Phúc Thọ cũng đề nghị các cơ quan ban ngành của TP Hà Nội phối hợp nhằm ngăn chặn, các tổ chức, cá nhân hút cát trộm vào ban đêm để đảm bảo an ninh địa phương... Tuy nhiên, từ thực tế vụ tàu NĐ – 1252 chìm hôm 4/9 cũng như những gì PV Tiền Phong mục sở thị, việc khai thác cát giữa lòng sông Hồng tại địa bàn huyện này vẫn đang diễn ra công khai.

Tháng 3/2014, Cục CSGT đường thủy (C68, Bộ Công an) và Công an TP Hà Nội kiểm tra tuyến sông Hồng đoạn qua 2 xã Thống Nhất, Vạn Điểm (huyện Thường Tín) phát hiện 10 phương tiện thủy, tải trọng từ 40-200 tấn, đang khai thác cát trái phép bằng các đường ống hút cát.

Tiếp đó, ngày 29/4, cơ quan chức năng TP Hà Nội bắt quả tang đối tượng Phí Văn Tuấn cùng một nhóm người làm thuê khai thác cát đen trái phép trên sông Hồng, địa phận huyện Đan Phượng, tạm giữ 1 tàu thủy nội địa, 3 đầu nổ, 2 sên hút cát, 2 máy xúc, 1 băng chuyền và gần 6,8 nghìn mét khối cát.

MỚI - NÓNG