Từ chuyện một người dân thắng kiện Chủ tịch UBND xã

Từ chuyện một người dân thắng kiện Chủ tịch UBND xã
TP - Báo Tiền phong Chủ nhật số ra ngày 1/10/2006 có bài “Một gia đình chính sách ở Hà Tây đội đơn kiện Chủ tịch xã”. Vụ kiện kéo dài hơn 2 năm, mới đây ngày 25/1/2008, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây đã xử phiên phúc thẩm với phần thắng thuộc về người dân…
Từ chuyện một người dân thắng kiện Chủ tịch UBND xã ảnh 1
Ông Phạm Văn Phú tại phiên tòa: Tôi tin tưởng vào sự công minh của pháp luật

Vụ án được tóm tắt như sau: Ông Phạm Văn Phú năm nay 80 tuổi, CCB chống Pháp, thuộc diện gia đình chính sách (em trai là liệt sĩ, việc thờ cúng do ông và các con ông đảm nhận), có thửa đất diện tích 125 m2, nằm ngay sát đường quốc lộ 1A (cũ), thể hiện trong bản đồ thổ cư số 2 thôn Tử Dương (lập năm 1940), xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, số thửa 1437, hiện còn lưu giữ tại phòng Nông nghiệp huyện Thường Tín. Cán bộ phòng đã xác nhận, đóng dấu đỏ.

Đất này của bố ông tên là Phạm Văn Tài mua của ông Trịnh Văn Siêu năm 1940. (Việc mua bán giữa bố ông Phú và ông Siêu được con dâu của ông Siêu tên là Lê Thị Xúy xác nhận tại Tòa án nhân dân huyện Thường Tín ngày 5/7/2005 với tư cách nhân chứng). Năm 1968, khi nhà nước mở rộng đường 1A, gia đình ông Phú đã tự động lùi vào phía trong và cư trú ổn định ở đó nhiều năm qua.

Thế nhưng, UBND xã Tô Hiệu, đứng đầu là Chủ tịch xã Lê Trí Luân lại cho rằng, “gia đình ông Phú lấn chiếm đất công để xây dựng trái phép, vi phạm Luật Đất đai và hành lang an toàn giao thông đường bộ”. Ông Luân bỏ qua xác nhận của bà Xúy - con dâu ông Siêu, không thừa nhận việc “lùi vào trong” do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ của gia đình ông Phú.

Ông Luân viện dẫn: Theo Hồ sơ địa chính UBND xã lập năm 1984 và bản đồ địa chính lập năm 1993, thì vị trí gia đình ông Phú đang ở không đứng tên ai sử dụng mà là đất công do UBND xã quản lý. Từ đó, UBND xã Tô Hiệu đã 2 lần tổ chức cưỡng chế đối với gia đình ông Phú, nhà cửa bị dỡ sạch vào các năm 2003 và 2004. Quá bức xúc vì mình đang sống trên đất của cha ông để lại hơn 60 năm, nay bỗng thành trắng tay, ông Phú khởi kiện quyết định cưỡng chế 19/QĐ-UB ngày 28/7/2004 do ông Luân ký.

Ngày 10/1/2007, TAND huyện Thường Tín, Hà Tây đã xử phiên sơ thẩm, bác đơn kiện của ông Phú, công nhận quyết định cưỡng chế 19/QĐ-UB của UBND xã Tô Hiệu là đúng. Ông Phú kháng án.

Một năm sau, ngày 25/1/2008, TAND tỉnh Hà Tây đã mở phiên phúc thẩm.

Sau khi nghe bên nguyên và bên bị trình bày, ý kiến của luật sư bào chữa, tòa đã xác định: Căn cứ theo các quy định của pháp luật, UBND xã Tô Hiệu không có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế số 19 và vi phạm điều 42 Pháp lệnh xử phạt hành chính (thẩm quyền này thuộc về cơ quan cấp huyện); trình tự ra văn bản và và hình thức cưỡng chế buộc tháo dỡ công trình xây dựng của gia đình ông Phú cũng trái với các quy định của pháp luật hiện hành.

Trên cơ sở đó, tòa ra phán quyết: sửa toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Thường Tín, chấp nhận đơn kiện của gia đình ông Phú; hủy quyết định cưỡng chế số 19/QĐ-UB ngày 28/7/2004 của Chủ tịch xã Lê Trí Luân, dành quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại từ quyết định cưỡng chế của UBND xã cho gia đình bên nguyên. (Trước đó ông Phú cho biết, gia đình ông sẽ kiện đòi bồi thường trong một vụ án khác vì chưa đồng ý với xác định thiệt hại về tài sản của gia đình ông – khoảng hơn 68 triệu, do TAND huyện Thường Tín đưa ra).

TAND tỉnh Hà Tây cũng đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ về đất đai của gia đình ông Phú lên UBND huyện Thường Tín để xem xét theo đúng thẩm quyền quy định.

Như vậy từ bài báo trên Tiền phong, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, phần thắng đã thuộc về người dân đội đơn kiện Chủ tịch UBND xã.

Điều đáng nói ở đây là, do thiếu hiểu biết và không nắm vững các quy định của pháp luật, nhiều đơn vị hành chính địa phương, trong trường hợp này là UBND xã Tô Hiệu đã có những quyết định vượt thẩm quyền.

Đến lượt mình, TAND huyện Thường Tín lại công nhận quyết định sai đó của xã, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây mất ổn định đời sống của người dân và ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của pháp luật.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.