Từ hàng loạt vụ cháy nhà xưởng, nhà kho: Đối phó khi bị kiểm tra

Đám cháy tại nhà kho trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) ngày 7/4.
Đám cháy tại nhà kho trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) ngày 7/4.
TP - Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ cháy tại khu công nghiệp, nhà kho, xưởng sản xuất, gây thiệt hại lớn về tài sản. Theo lực lượng PCCC, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều cơ sở còn “chiêu” đối phó khi bị kiểm tra PCCC.

Nguyên nhân do đâu?

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), trong năm 2016 xảy ra 55 vụ cháy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và có chiều hướng gia tăng, trong đó có 9 vụ cháy nghiêm trọng gây thiệt hại hơn 383 tỷ đồng. Tính riêng trong quí I/2017, cả nước xảy ra 9 vụ cháy tại các khu công nghiệp, làm 9 người bị thương, thiệt hại hơn 18 tỷ đồng.

Ghi nhận của phóng viên, tại một số quận huyện trên địa bàn thủ đô Hà Nội như Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Trì… tập trung khá nhiều nhà xưởng, nhà kho có diện tích từ vài trăm đến hàng nghìn mét vuông. Hầu hết những nhà xưởng, nhà kho này được làm bằng khung thép, mái tôn trên đất dự án, đất trống xen lẫn khu dân cư làm nơi lưu giữ, trung chuyển hàng hóa,… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Điển hình, ngày 7/4, một vụ cháy lớn bùng phát tại nhà kho của Cty CP Địa ốc dầu khí viễn thông tại đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Lực lượng chức năng phải huy động hơn 10 xe chữa cháy và mất hơn 3 giờ đồng hồ mới dập tắt đám cháy. Được biết, nhà kho này đã bị lực lượng chức năng kiểm tra và có kiến nghị về PCCC nhưng sau đó vẫn xảy ra hỏa hoạn. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ cháy do chập điện, hiện nhà kho bị tạm đình chỉ hoạt động.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, tại nhiều khu công nghiệp hiện nay vẫn tồn tại một số thiếu sót như: Thay đổi công năng trong quá trình sử dụng nhưng không thực hiện thẩm duyệt thiết kế bổ sung về PCCC; Không đảm bảo yêu cầu khoảng cách an toàn PCCC giữa các nhà xưởng, nhà kho, nhiều trường hợp tự ý cơi nới, làm thêm các mái che nhưng không có giải pháp ngăn cháy; Lực lượng, phương tiện PCCC tại chỗ hoạt động kém hiệu quả…

“Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do người đứng đầu cơ sở chưa quan tâm đúng mức tới công tác PCCC; Không tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC định kỳ; Không trang bị hoặc có trang bị nhưng không đầy đủ, không kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên các hệ thống, phương tiện PCCC; Nhận thức, ý thức của đa số người lao động còn chưa cao trong việc PCCC. Dây chuyền sản xuất tại nhiều cơ sở đã cũ kỹ, lạc hậu, hệ thống điện không bảo đảm, dễ phát sinh sự cố cháy, nổ trong quá trình sử dụng” – đại diện cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho hay.

Đủ chiêu đối phó kiểm tra PCCC

Theo trung tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy – Sở Cảnh sát PCCC  Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn tồn tại một số khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề có công trình nhà kho, xưởng sản xuất thường thuê lại mặt bằng làm nơi lưu giữ, luân chuyển hàng hóa. Những vụ cháy thời gian vừa qua đều xảy ra tại những nhà kho, xưởng sản xuất không nằm trong quy hoạch, sử dụng mặt bằng cho thuê để xây dựng thành kho tạm hoặc dạng sản xuất nhỏ lẻ. Do vậy, có tình trạng nhiều cơ sở còn làm để đối phó khi lực lượng chức năng kiểm tra PCCC.

“Theo luật, khi đoàn công tác xuống cơ sở kiểm tra PCCC thì phải gửi công văn trước 3 ngày. Do vậy, những cơ sở nào đối phó cũng có đủ thời gian để khắc phục các yêu cầu về PCCC. Khi kiểm tra, họ có thể đảm bảo nhưng sau đó lại tiếp tục vi phạm như việc sắp xếp hàng hóa trong nhà xưởng, hàng hóa lấn chiếm lối thoát nạn, vi phạm khoảng cách PCCC, cản trở giao thông chữa cháy…” – trung tá Hiếu nói.

Cũng theo trung tá Hiếu, các vụ cháy thường xảy ra tại các kho tạm được chủ cơ sở thuê thời gian ngắn từ 6 tháng đến 1 năm, do vậy họ thường dựng khung thép, mái tôn gây khó khăn cho công tác quản lý của nhà nước về PCCC. Khi đoàn kiểm tra đến họ vẫn tiếp nhưng khi yêu cầu đảm bảo các biện pháp PCCC thì họ lại viện lý do thời gian thuê ngắn, khó thực hiện.

Hàng chục chung cư chưa nghiệm thu PCCC đã hoạt động

Theo thống kê của Cảnh sát PCCC Hà Nội, trước đây trên địa bàn thành phố có 75 công trình chưa nghiệm thu về PCCC đã hoạt động; đầu năm 2017 khi kiểm tra phát sinh thêm 15 công trình chung cư cao tầng tiếp tục vi phạm. Trong đó, có 32 công trình đã hết thời hạn cam kết nhưng vẫn chưa hoàn thành các nội dung tồn tại và chỉ có 17 công trình được chủ đầu tư khắc phục thiếu sót về PCCC và được nghiệm thu PCCC. Cũng trong thời gian qua, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã tiến hành xử lý 117 lượt/81 cơ sở với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG