Từ vụ xe Mercedes tông nữ tiếp viên: Thế nào là hành vi tẩu tán tài sản?

TPO - Tài xế xe Mercedes tông chết tài xế Grab Bike và làm nữ tiếp viên hàng không thương tật 79% đã bị tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù. Một trong những tình tiết đáng chú ý của vụ án là bị cáo có dấu hiệu tẩu tán tài sản để tránh thi hành án. Vậy pháp luật quy định như thế nào về hành vi tẩu tán tài sản?

Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Ngọc, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Thế nào gọi là hành vi tẩu tán tài sản, thưa ông?

Tẩu tán tài sản là hành vi thực hiện xác lập một hoặc các giao dịch mua bán, chuyển nhượng hoặc các biện pháp khác nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với người thứ ba. Nếu chứng minh được thì giao dịch đó sẽ bị vô hiệu theo quy định của pháp luật.

Từ vụ xe Mercedes tông nữ tiếp viên: Thế nào là hành vi tẩu tán tài sản? ảnh 1

Luật sư Nguyễn Văn Ngọc     

Hành vi tẩu tán tài sản được quy định trong các văn bản pháp luật như thế nào?

Các giao dịch nhằm mục đích tẩu tán tài sản là vô hiệu do giả tạo theo quy định tại Điều 124 Bộ Luật Dân sự hiện hành. Cụ thể: Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ Luật này hoặc luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

Nếu như xác định được một giao dịch là hành vi tẩu tán tài sản thì giao dịch đó vô hiệu. Hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu được quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự gồm: Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập; Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Tuy nhiên vấn đề này rất phức tạp, văn bản pháp lý về việc ngăn chặn việc tẩu tán tài sản đã có nhưng chưa rõ ràng và còn thiếu hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền nên thực tế vẫn thường có những khó khăn trong quá trình xử lý các hành vi tẩu tán tài sản.

Từ vụ xe Mercedes tông nữ tiếp viên: Thế nào là hành vi tẩu tán tài sản? ảnh 2 Bị cáo Phong tại tòa

Nếu xác định được hành vi tẩu tán tài sản thì việc xử lý được tiến hành như thế nào, thưa ông?

Điều 75 Luật Thi hành án Dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: 1,Trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án mà có người khác tranh chấp thì chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại tòa án hoặc không đề nghị người có thẩm quyền giải quyết thì chấp hành viên có quyền xử lý tài sản; 2, Trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.

Ngoài ra, đương sự vẫn có quyền yêu cầu Tòa án thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến việc cấm chuyển dịch tài sản để ngăn chặn những hành vi chuyển dịch tài sản này từ phía người có nghĩa vụ để  tránh tình trạng tẩu tán tài sản.

Nếu chứng minh được có cán bộ, công chức của cơ quan chức năng tiếp tay cho hành vi tẩu tán tài sản thì những người này bị xử lý như thế nào? 

Trong trường hợp chứng minh được cán bộ, công chức, người  có trách nhiệm mà tiếp tay cho các hành vi cho các hành vi tẩu tán tài sản thì tùy theo tính chất và mức độ  hành vi có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi trên có thể là tội thiếu trách nhiêm gây hậu quả nghiêm trong (điều 360 Bộ luật Hình sự) hoặc nếu  chứng minh được trục lợi trong việc tiếp tay cho hành vi tẩu tán tài sản thì có thể bị xử lý theo quy định về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 366 Bộ luật Hình sự)

Cảm ơn ông!

Chiều 16/12, TAND quận Phú Nhuận, TPHCM đã tuyên án vụ án tài xế xe Mercedes tông chết tài xế Grabbike và làm nữ tiếp viên hàng không mất 79% sức lao động xảy ra vào ngày 30/1/2020. Đối với dấu hiệu bị cáo tẩu tán tài sản sau khi gây tai nạn, Hội đồng xét xử yêu cầu các bên liên quan tiến hành vụ kiện dân sự khác để tòa án xử lý.

MỚI - NÓNG